Người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự nên theo quy định của pháp luật, họ không được thực hiện giao dịch dân sự, nhưng họ không bị mất đi quyền sở hữu đối với tài sản. Do vậy, việc mua bán đất phải thông qua người giám hộ (người đại diện) của họ. Vậy thủ tục đại diện cho người bị tâm thần khi mua bán đất được thực hiện lần lượt theo các bước sau:
Mục lục bài viết
1. Yêu cầu Tòa án tuyên bố người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự:
Tại Điều 22 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc là mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của các cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người bị mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Thêm nữa, tại Điều 376 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người có quyền, lợi ích liên quan, các cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc là có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.
Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Chính vì thế, bước đầu tiên để đại diện cho người bị tâm thần khi mua bán đất đó chính là người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan (thông thường là bố/mẹ, vợ/chồng, con của người bị tâm thần) nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị tâm thần không thể nhận thức, làm chủ được hành vi bị mất năng lực hành vi dân sự.
Sau khi nhận được đơn yêu cầu tòa án tuyên bố một người bị tâm thần không thể nhận thức, làm chủ được hành vi bị mất năng lực hành vi dân sự, theo đề nghị của người yêu cầu, Tòa án thực hiện giám định pháp y tâm thần đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Sau khi nhận được kết luận giám định thể hiện rõ người bị tâm thần không thể nhận thức, làm chủ được hành vi bị mất năng lực hành vi dân sự, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.
Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.
2. Đăng ký giám hộ cho người bị tâm thần:
Sau khi tòa án đã ra quyết định tuyên bố người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự thì những đối tượng là người giám hộ đương nhiên của người bị tâm thần đã được tòa án đã ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thực hiện thủ tục đăng ký giám hộ đương nhiên (nếu không có người giám hộ theo lựa chọn trước khi người được giám hộ bị mất năng lực hành vi dân sự) theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Trong trường hợp người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì những người thuộc đối tượng giám hộ đương nhiên phải thỏa thuận cử ra một người làm giám hộ đương nhiên của người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự.
Những đối tượng là người giám hộ đương nhiên của người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự bao gồm có:
– Trường hợp vợ là người tâm thần mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người tâm thần mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ;
– Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người bị mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện để làm người giám hộ thì người con cả chính là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo mà có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ;
– Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có các đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Đồng thời, điều kiện để một người làm giám hộ cho người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự đó là phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ;
– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong những tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
– Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
3. Đăng ký giám sát việc giám hộ người bị tâm thần:
Tại khoản 1 Điều 51 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử ra một người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn một cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ. Đặc biệt, trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ là người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.
Chính vì vậy, sau khi đã đăng ký người giám hộ cho người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự thì những người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử ra người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác để làm người giám sát việc giám hộ. Sau khi cử ra được người giám sát việc giám hộ thì người giám sát việc giám hộ đó phải thực hiện đăng ký với cơ quan chức năng có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ) về việc đăng ký người giám sát việc giám hộ theo quy định của Luật Hộ tịch.
Người thân thích của người được giám hộ được pháp luật quy định chính là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu như không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ chính là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có một ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ chính là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ. Trong trường hợp không có người thân thích của người được giám hộ hoặc những người thân thích không thực hiện cử, chọn được người giám sát việc giám hộ thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của chính người giám hộ cử cá nhân hoặc pháp nhân giám sát việc giám hộ.
4. Mua bán đất cho người bị tâm thần:
Điều 57, 58 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ và quyền của người giám hộ đối với người được giám hộ bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự, theo quy định này thì người giám hộ của người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ và quyền sau đây:
– Nghĩa vụ của người giám hộ:
+ Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;
+ Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;
+ Quản lý tài sản của người được giám hộ;
+ Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
– Quyền của người giám hộ:
+ Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
+ Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
+ Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Thêm nữa, tại Điều 59 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định người giám hộ của người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì những lợi ích của người được giám hộ là người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và những giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Như vậy, sau khi đã hoàn tất những thủ tục nêu ở các mục trên thì người giám hộ của người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự hoàn toàn có quyền đại diện cho người được giám hộ là người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự trong các giao dịch dân sự, các giao dịch dân sự bao gồm có cả việc mua bán đất của người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự vì lợi ích của người được giám hộ .
Tuy nhiên, để người giám hộ thực hiện thủ tục đại diện cho người bị tâm thần khi mua bán đất bắt buộc phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ, bởi đối tượng mua bán là đất đai, mà đất đai được xem là một tài sản có giá trị lớn, thế nên khi người giám hộ đại diện người bị tâm thần mua bán đất phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ là điều kiện bắt buộc để hoàn thành thủ tục đại diện cho người bị tâm thần khi mua bán đất.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Dân sự 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.