Thủ tục công nhận liệt sĩ. Chế độ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thủ tục công nhận liệt sĩ. Chế độ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa luật sư. Gia đình cháu đang rất rối không biết phải làm gì, chuyện là ngày xưa ông nội cháu tham gia kháng chiến được nhà nước ghi nhận "tổ quốc ghi công" đến nay được 11 năm. Ông nội cháu có 3 người em trai. Lúc ba cháu làm liệt sĩ cho ông nội thì có 1 ông em của ông nội không đồng ý kí tên. Sau đó ba cháu ký theo sự hướng dẫn của 2 ông còn lại. Bây giờ ông em của ông nội không đồng ý đó làm đơn kiện không có chữ ký sao công nhận liệt sĩ cho ông nội cháu. (Ông khiếu kiện vừa được nhận mẹ việt nam anh hùng 43 triệu không chia cho ai trong dòng họ). Cháu rất mong nhận được câu trả lời của luật sư. Gia đình cháu có cách gì kiện lại không? Cháu xin cảm ơn rất nhiều.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2005 sửa đổi, bổ sung 2012;
– Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH.
2. Giải quyết vấn đề:
Căn cứ Khoản 6 Điều 1 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2005 sửa đổi, bổ sung 2012 quy định như sau:
“1. Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;
b) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
c) Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
d) Làm nghĩa vụ quốc tế;
đ) Đấu tranh chống tội phạm;
e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;
g) Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
h) Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao;
i) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;
k) Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh này chết vì vết thương tái phát;
I) Người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này.”
Căn cứ Điều 3 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH quy định hồ sơ xác nhận liệt sĩ như sau:
– Giấy báo tử (Mẫu LS1).
– Giấy tờ làm căn cứ cấp giấy báo tử.
Điều 5 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH quy định thủ tục xác nhận liệt sĩ như sau:
– Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh có trách nhiệm xác lập, hoàn thiện các giấy tờ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định 31/2013/NĐ-CP.
Trường hợp mất tin, mất tích thì đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng có trách nhiệm làm đơn đề nghị xác nhận liệt sĩ (Mẫu LS3) kèm các giấy tờ quy định tại Khoản 9 Điều 4 của Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định 31/2013/NĐ-CP.
– Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm: Kiểm tra, xác minh, cấp giấy báo tử và chuyển hồ sơ xác nhận liệt sĩ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật thủ tục công nhận liệt sỹ: 1900.6568
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra và có văn bản đề nghị kèm hồ sơ gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để thẩm định.
– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
+ Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, lập tờ trình và danh sách kèm theo trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”;
+ Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận Bằng “Tổ quốc ghi công”, có trách nhiệm chuyển hồ sơ kèm Bằng “Tổ quốc ghi công” đến cơ quan đề nghị thẩm định để trả về cơ quan, đơn vị cấp giấy báo tử.
– Cơ quan, đơn vị cấp giấy báo tử trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” và hồ sơ, có trách nhiệm thông báo cho thân nhân liệt sĩ và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân liệt sĩ cư trú tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ, trao Bằng “Tổ quốc ghi công”, sau đó bàn giao hồ sơ xác nhận liệt sĩ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi gia đình liệt sĩ cư trú để thực hiện chế độ.
Như vậy, theo quy định pháp luật, khi thực hiện thủ tục xác nhận liệt sĩ, không cần có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình, một trong những thành viên có thể tự đứng ra để thực hiện thủ tục xác nhận liệt sĩ. Nếu người em còn lại không ký vào giấy tờ thì bố bạn vẫn thực hiện được thủ tục này.
Chế độ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo quy định tại Điều 23 Nghị định 31/2013/NĐ-CP như sau:
"1. Trợ cấp một lần.
2. Phụ cấp hàng tháng từ ngày Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
3. Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình được hưởng trợ cấp người phục vụ.
4. Khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi."
Theo quy định pháp luật, không có quy định ai là người đứng ra nhận số tiền ưu đãi này. Một trong những thành viên gia đình cử một người đứng ra thực hiện thủ tục hưởng chế độ ưu đãi đối với thân nhân bà mẹ Việt Nam anh hùng. Số tiền này không được coi là di sản thừa kế do đó không đưa ra để chia đều cho các con, đây là tiền được hưởng từ chế độ thân nhân bà mẹ Việt Nam anh hùng thì đại diện thân nhân đứng ra nhận số tiền này.