Tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Cách xác lập tài sản riêng của vợ, chồng. Hồ sơ công chứng xác nhận tài sản riêng của vợ chồng. Thủ tục công chứng xác nhận tài sản riêng của vợ, chồng.
Trong đời sống hôn nhân và gia đình, vấn đề tài sản của vợ, chồng luôn là vấn đề được quan tâm, là xem là một trong những vấn đề có ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và lợi ích của mỗi bên vợ, chồng. Với xu hướng phát triển hiện nay, nhiều cặp vợ chồng lựa chọn việc phân chia tài sản rõ ràng trong thời kỳ hôn nhân để giảm thiểu tranh chấp trong gia đình và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên. Vậy làm thế nào để xác lập tài sản riêng của vợ chồng? Việc xác lập có phải lập thành văn bản không? Và văn bản đó có phải thực hiện công chứng, chứng thực không?
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
– Luật công chứng 2014
–
Mục lục bài viết
1. Tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:
Theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được xác định gồm:
– Tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản riêng của mỗi người trước khi kết hôn;
– Tài sản mà vợ hoặc chồng được tặng, cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng theo quy định pháp luật;
– Tài sản vợ, chồng được chia riêng khi chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân;
– Tài sản, hoa lợi, lợi tức được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng;
– Tài sản khác theo quy định của pháp luật được xem là tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân như:
+ Quyền tài sản đối với tài sản thuộc đối tượng sở hữu trí tuệ;
+ Ưu đãi, trợ cấp mà vợ, chồng nhận được do ưu đãi người có công với cách mạng, quyền tài sản liên quan, gắn liền với nhân thân của vợ, chồng;
+ Tài sản mà vợ, chồng đã xác lập quyền sở hữu riêng theo quyết định, bản án của Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
2. Cách xác lập tài sản riêng của vợ, chồng:
Hiện nay, vợ, chồng có thể lựa chọn chế độ tài sản theo thoả thuận hoặc chế độ tài sản theo quy định pháp luật. Để xác lập tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân, cặp vợ, chồng có thể lựa chọn chế độ tài sản theo thoả thuận. Việc lựa chọn chế độ tài sản phải được lập thành Văn bản thoả thuận, trong văn bản phải thoả thuận rõ về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Văn bản thoả thuận này phải được công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khi vợ, chồng đang trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thoả thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung của vợ, chồng. Trong trường hợp này, việc thoả thuận của vợ, chồng cũng phải được xác lập thành Văn bản thoả thuận và có công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Vì vậy, vợ chồng nên xác lập tài sản riêng theo cách trên để đảm bảo quyền lợi và giảm rủi ro tranh chấp trong đời sống hôn nhân sau này.
3. Hồ sơ công chứng xác nhận tài sản riêng của vợ, chồng:
Để thực hiện việc nộp hồ sơ, người yêu cầu công chứng, chứng thực phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bao gồm:
– Văn bản xác nhận tài sản riêng có chữ ký của cả hai vợ, chồng (có thể vợ chồng tự soạn thảo theo các mẫu văn bản hướng dẫn trên mạng hoặc để xác thực, chính xác, đầy đủ và đảm bảo tính pháp lý, vợ, chồng có thể sử dụng dịch vụ lập Văn bản xác nhận tài sản riêng tại văn phòng công chứng) ;
– Phiếu yêu cầu công chứng có đầy đủ thông tin của người nộp yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng và danh mục các giấy tờ, tài liệu có liên quan;
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản gốc của vợ, chồng;
– Bản sao CMND/ CCCD/ Sổ hộ khẩu của vợ, chồng;
– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất có liên quan đến việc cần xác nhận tài sản riêng của vợ, chồng;
– Các giấy tờ liên quan đến việc xác nhận tài sản riêng (nếu có).
4. Thủ tục công chứng xác nhận tài sản riêng của vợ, chồng:
Thủ tục công chứng xác nhận tài sản riêng của vợ, chồng được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại văn phòng công chứng:
Để thực hiện việc nộp hồ sơ, người yêu cầu công chứng, chứng thực phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp hồ sơ đã nêu ở mục 3 tại tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực.
Hiện nay, Công chứng viên của các tổ chức công chứng thực hiện hoạt động công chứng tức là chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, trong đó có văn bản cam kết thỏa thuận tài sản riêng vợ chồng. Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản sao giấy tờ bản chính, chứng thực chữ ký.
Trong trường hợp trên địa bàn huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng thì vợ chồng được lựa chọn công chứng văn bản cam kết thỏa thuận tài sản riêng của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn khác hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Tổ chức hành nghề công chứng kiểm tra hồ sơ và thụ lý giải quyết:
– Sau khi tiếp nhận hồ sơ từ người yêu cầu công chứng, công chứng viên sẽ kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, còn thiếu giấy tờ thì công chứng viên sẽ trả lại hồ sơ cho người có yêu cầu công chứng để bổ sung, chỉnh sửa hợp lệ. Nếu hồ sơ sau khi trả lại để hoàn thiện mà vẫn không hợp lệ thì công chứng viên có quyền từ chối yêu cầu công chứng và đồng thời có văn bản trả lời lý do từ chối. Còn nếu hồ sơ đã hợp lệ, công chứng viên sẽ bắt đầu thụ lý hồ sơ để tiến hành công chứng theo quy định của pháp luật.
– Sau khi hồ sơ hợp lệ và được thụ lý, công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu một số thông tin về quy định của thủ tục công chứng, văn bản xác nhận, quyền và nghĩa vụ cũng như ý nghĩa, hậu quả pháp lý của vợ chồng khi xác nhận tài sản riêng.
– Công chứng viên soạn thảo/ thẩm định dự thảo văn bản xác nhận tài sản riêng của vợ, chồng:
+ Trường hợp văn bản được người yêu cầu công chứng soạn thảo sẵn thì Công chứng viên tiến hành kiểm tra dự thảo văn bản; nếu trong dự thảo có điều khoản nào vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội hoặc nội dung không đúng với quy định thì công chứng viên phải chỉ rõ để người yêu cầu công chứng sửa chữa. Nếu người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối việc công chứng mà không vi phạm đến quy định pháp luật.
+ Trong trường hợp Công chứng viên được yêu cầu soạn thảo Văn bản xác nhận tài sản riêng, ngay sau khi nhận đủ hồ sơ, Công chứng viên tiến hành soạn thảo văn bản. Sau đó chuyển cho người yêu cầu công chứng tự đọc hoặc nghe Công chứng viên đọc lại dự thảo văn bản. Nếu người yêu cầu công chứng đồng ý với tất cả các nội dung có trong dự thảo văn bản và không còn vướng mắc nào nữa thì chuyển qua bước 3 để hoàn thiện hồ sơ yêu cầu công chứng.
Bước 3: Ký
– Sau khi thẩm định nội dung của hồ sơ, Công chứng viên có quyền yêu cầu vợ chồng đọc lại nội dung hồ sơ công chứng, nếu không có yêu cầu chỉnh sửa thì sẽ ký hoặc điểm chỉ vào từng trang của văn bản cam kết thỏa thuận tài sản riêng vợ chồng theo quy định pháp luật (trường hợp vợ hoặc chồng không biết đọc, biết viết hoặc bị khuyết tật tay thì Công chứng viên đọc lại cho họ nghe và điểm chỉ vào từng trang của văn bản thoả thuận)
– Việc ký hoặc điểm chỉ phải được tiến hành tại văn phòng Công chứng hoặc có sự chứng kiến của Công chứng viên để đảm bảo tính khách quan.
Bước 4: Trả kết quả công chứng và nộp lệ phí công chứng:
– Người yêu cầu công chứng xác nhận tài sản riêng tiến hành ký xác nhận và xuất trình bản chính các giấy tờ cho Công chứng viên. Sau khi đã đối chiếu thì Công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của văn bản xác nhận tài sản riêng được yêu cầu công chứng. Khi hoàn thành thủ tục công chứng văn bản xác nhận tài sản riêng, kết quả sẽ được trả cho người yêu cầu công chứng.
– Đồng thời với việc nhận kết quả công chứng, người yêu cầu công chứng tài sản riêng có nghĩa vụ hoàn thành lệ phí, thù lao công chứng cho Công chứng viên hoặc cho thu ngân tại văn phòng công chứng và sau đó sẽ nhận được thỏa thuận chia tài sản có dấu của văn phòng.
– Thời gian hoàn thiện lệ phí và trả hồ sơ cho người yêu cầu không quá 02 ngày làm việc, trong trường hợp hồ sơ có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 10 ngày làm việc.