Quản lý chất thải công nghiệp luôn luôn là một trong những bài toán khó khăn đối với các doanh nghiệp và nhà quản lý môi trường. Quản lý không đúng cách có thể gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lâu dài tới đời sống của người dân. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về thủ tục xin cấp giấy phép xử lý chất thải công nghiệp thông thường?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục cấp phép xử lý chất thải công nghiệp thông thường:
Chất thải công nghiệp là loại chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy, công ty. Chất thải công nghiệp bao gồm nhiều loại khác nhau, trong đó bao gồm chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường. Trong quá trình xử lý chất thải công nghiệp thì cần phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xử lý chất thải công nghiệp thông thường. Theo đó, quy trình xin cấp giấy phép xử lý chất thải công nghiệp thông thường được thực hiện như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp có nhu cầu xin cấp giấy phép xử lý chất thải công nghiệp thông thường cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp tới cơ quan có thẩm quyền. Bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu như sau: Đơn đăng ký hành nghề quản lý chất thải công nghiệp theo mẫu, đánh giá tác động môi trường hoặc các loại giấy tờ thay thế, quy hoạch có nội dung quản lý và xử lý chất thải công nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh trở lên phải duyệt, kế hoạch xử lý chất thải công nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các loại giấy tờ khác khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, nộp hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này được xác định là Bộ tài nguyên và môi trường. Có thể nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hoặc nộp thông qua dịch vụ bưu chính.
Bước 3: Kiểm tra hồ sơ và giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Cơ quan cấp phép và kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ phải thông báo bằng văn bản để yêu cầu tổ chức và cá nhân sửa đổi hồ sơ trong trường hợp hồ sơ còn thiếu sao cho phù hợp với quy định của pháp luật. Sau đó phải gửi văn bản lấy ý kiến Sở tài nguyên và môi trường địa phương. Trong khoảng thời gian 10 ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày kết thúc việc xem xét nội dung hồ sơ đăng ký, cơ quan cấp phép cần phải gửi văn bản lấy ý kiến của Sở Tài nguyên và môi trường về việc cấp giấy phép xử lý chất thải công nghiệp thông thường.
Bước 4: Tổ chức và cá nhân thực hiện vận hành thử nghiệm xử lý chất thải công nghiệp thông thường. Đối tượng đăng ký sẽ được phép tạm thời thu gom, vận chuyển, tiếp nhận chất thải công nghiệp thông thường để vận hành thử nghiệm. Cơ quan cấp phép có thể kiểm tra đột xuất, lấy mẫu giám sát trong quá trình vận hành thử nghiệm. Sau đó thông báo kết quả vận hành thử nghiệm của các tổ chức và cá nhân xin cấp giấy phép.
Bước 5: Trong trường hợp vận hành thử nghiệm đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhận được văn bản trả lời của Sở tài nguyên và môi trường, cơ quan cấp phép sẽ cấp giấy phép xử lý chất thải công nghiệp thông thường cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp không đáp ứng đầy đủ điều kiện và yêu cầu để cấp giấy phép thì cần phải trả lời bằng văn bản từ chối, trong đó nêu rõ lý do chính đáng.
2. Điều kiện khi xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 82 của Văn bản hợp nhất Luật bảo vệ môi trường năm 2022 có quy định về vấn đề xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Theo đó:
– Cơ sở sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ, khu sản xuất kinh doanh, khu dịch vụ tập trung, cũng công nghiệp, cơ quan và tổ chức có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường thì bắt buộc phải sử dụng tái chế, thu hồi năng lượng, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định của pháp luật hoặc thực hiện thủ tục chuyển giao cho các đối tượng sau đây:
+ Cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp chất thải rắn công nghiệp thông thường để làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất các loại vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng được phép hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật;
+ Cơ sở sản xuất có chức năng động xử lý các loại chất thải rắn công nghiệp;
+ Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp;
+ Cơ sở vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường có hợp đồng chuyển giao đối tượng được ký kết giữa các bên.
– Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 65 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP, có quy định về vấn đề tái sử dụng, sử dụng trực tiếp và xử lý các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường. Theo đó, chất thải rắn công nghiệp thông thường bắt buộc phải được thu hồi, phân loại theo từng loại khác nhau, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp để làm nguyên vật liệu, nhiên liệu cho quá trình sản xuất vật liệu xây dựng.
Theo đó thì có thể nói, khi xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, các cơ sở có chất thải rắn cần phải thực hiện thủ tục tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, xử lý chất thải rắn công nghiệp hoặc chuyển giao chất thải rắn công nghiệp cho các đối tượng sau đây:
– Cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường để làm nguyên vật liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng được phép hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật;
– Cơ sở sản xuất có chức năng động xử lý các loại chất thải;
– Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp;
– Cơ sở vận chuyển các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường đã có hợp đồng chuyển giao với các đối tượng nêu trên.
Ngoài ra, cơ sở thực hiện hoạt động xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường cần phải tuân thủ đầy đủ theo yêu cầu và tiêu chí bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý.
3. Những vấn đề cần lưu ý khi vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường?
Căn cứ theo quy định tại Điều 81 của Văn bản hợp nhất luật bảo vệ môi trường năm 2022 có quy định về vấn đề phân loại, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường. Theo đó, quá trình vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường cần phải đáp ứng một số yêu cầu sau đây:
– Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được đựng, chứa trong các thiết bị và dụng cụ bảo đảm không rơi/vãi ra bên ngoài, không rò rỉ, phát tán ra môi trường trong quá trình vận chuyển, ngoại trừ trường hợp các loại chất thải rắn công nghiệp đặc thù có khối lượng lớn bắt buộc phải đựng trực tiếp bằng thiết bị/thùng chứa chuyên dùng trong các phương tiện vận chuyển;
– Chất thải phải được vận chuyển theo loại sau khi đã được phân loại phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường bắt buộc phải có gắn các thiết bị định vị đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kĩ thuật, hoạt động theo tuyến đường nhất định và di chuyển theo thời gian quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo đó, trong quá trình vận chuyển các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường thì cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Phải được đựng trong các thiết bị và dụng cụ bảo đảm không rơi/vãi, rò rỉ và phát tán ra môi trường trong quá trình vận chuyển;
– Chất thải rắn cần phải được vận chuyển theo từng loại nhất định sau khi đã phân loại;
– Phương tiện vận chuyển cần phải được gắn các thiết bị định vị đáp ứng đầy đủ điều kiện yêu cầu về kĩ thuật, hoạt động trên tuyến đường nhất định và di chuyển trong thời gian quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2022 Luật Bảo vệ môi trường;
– Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.
THAM KHẢO THÊM: