Ương dưỡng giống thủy sản là hoạt động nuôi ấu trùng thủy sản qua các giai đoạn phát triển, hoàn thiện thành con giống. Các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện hoạt động này thì phải đảm bảo điều kiện đã được quy định. Vậy, Cần phải tuân thủ thủ tục cấp phép sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản được quy định thế nào thì mới được cấp phép hoạt động?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục cấp phép sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản:
1.1. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp phép sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản:
– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản hiện đang được quy định bởi Điều 21 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, cá nhân có đề nghị được cấp phép sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cần có những giấy tờ, bao gồm:
+ Cá nhân phải chuẩn bị 01 đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, đơn này được thực hiện theo Mẫu số 01.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền về bản thuyết minh về cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo Mẫu số 02.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
– Trình tự cấp, cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:
+ Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân khi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo hướng dẫn thì gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền (các cơ quan này sẽ được trình bày trong nội dung tiếp theo trong bài viết);
Cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ sẽ phải có các hoạt động tiến hành kiểm tra điều kiện của cơ sở theo Mẫu số 03.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Nếu nhận thấy trường hợp đề nghị không đáp ứng điều kiện, cơ sở thực hiện khắc phục; sau khi khắc phục thì tổ chức hoặc cá nhân cần soạn thảo văn bản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để tổ chức kiểm tra nội dung đã khắc phục.
Trong trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Còn trường hợp không cấp thì cũng cần có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối;
+ Nội dung kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị, bao gồm:
Tiến hành các hoạt động để kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp, cấp lại Giấy chứng nhận;
Có hoạt động kiểm tra thực tế tại địa điểm sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định tại Điều 23, khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản và Điều 20 Nghị định này;
Đồng thời, sẽ có các hoạt động kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo khoản 2 Điều 26 Luật Thủy sản;
+ Theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền sẽ có thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản là 12 tháng; trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá, cấp giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện là 24 tháng;
+ Trong quá trình kiểm tra này mà phát hiện cơ sở vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Thủy sản thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
1.2. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:
Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản sẽ được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền, việc chấp thuận đề nghị cấp chứng nhận này cũng phải được diễn ra với trình tự thủ tục chặt chẽ. Hiện nay, những cơ quan dưới đây được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 26/2019/NĐ-CP như sau:
– Tổng cục Thủy sản được trao thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đối với giống thủy sản bố mẹ; thực hiện các hoạt động kiểm tra duy trì điều kiện đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ;
– Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh cũng có thẩm quyền để cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; đồng thời cơ quan này còn kiêm nhiệm cả trách nhiệm kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn, trừ một số trường hợp đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định 26/2019/NĐ-CP.
2. Đã được cấp phép sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản thì có bị thu hồi chứng nhận không?
Có thể thấy, tổ chức cá nhân có đề nghị cấp phép sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản thì không phải trường hợp nào cũng được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Hơn nữa đây là một ngành nghề có điều kiện, phải đáp ứng điều kiện cơ bản thì mới được cấp phép. Chính vì vậy, cá nhân tổ chức mặc dù đã được cấp phép thực hiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản nhưng trong quá trình hoạt động mà phát hiện hành vi sai phạm đã được luật định thì hoàn toàn có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc thi hồi chứng nhận. Theo khoản 4 Điều 25 Luật Thủy sản 2017 quy định về việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, như sau:
– Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản được quy định, gồm:
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đối với giống thủy sản bố mẹ;
+ Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
– Theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở;
– Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm được nêu dưới đây sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, cụ thể:
+ Cơ quan có thẩm quyền phát hiện hành vi tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;
+ Nhận thấy rằng, cơ sở này không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 24 của Luật Thủy sản;
+ Ngoài ra, nếu nhận thấy cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định thì cũng phải thu hồi giấy chứng nhận đã được cấp.
– Liên quan đến điều kiện, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; nội dung, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản thì mọi nội dung đã được Chính phủ quy định chi tiết;
– Còn trong trường hợp mà phải cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản thì phải nhắc đến một trong các trường hợp sau đây:
+ Nếu cá nhân, tổ chức phát hiện ra chứng nhận của mình đã bị mất, hư hỏng thì làm hồ sơ đề nghị cấp lại nếu còn đủ điều kiện;
+ Có sự thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy chứng nhận.
Như vậy, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản hoàn toàn có thể bị thu hồi nếu cá nhân, tổ chức có hành vi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Giay chứng nhận có sự can thiệp trái quy định như tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;
– Phát hiện ra trên thực tế cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 24 của Luật này;
– Hoặc cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Luật Thủy sản năm 2017;
– Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
THAM KHẢO THÊM: