Nguyên tắc dạy học thêm? Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường? Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm? Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm?
Hiện nay việc phụ huynh cho con em mình đi học thêm là rất phổ biến kể cả ở thành thị và nông thôn bởi tâm trạng lo lắng của phụ huynh khi con em mình không theo kịp được các bạn đồng trang lứa. Ngoài ra thì việc học thêm để con em mình có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết nhiều hơn ngoài quá trình học ở trường. Vậy giao viên muốn được cấp phép dạy thêm ở nhà, và cho học sinh học thêm ở ngoài nhà trường thì cần thực hiện thủ tục như thế nào? Luật Dương Gia cung cấp tới bạn đọc bài viết cụ thể:
Cơ sở pháp lý:
–
1. Nguyên tắc dạy học thêm:
Như quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT thì Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường được hiểu là dạy thêm, học thêm không do các cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức.
Nguyên tắc dạy học thêm được quy định tại Điều 3 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT cụ thể:
Tại Điều 3. Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
– Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
– Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
– Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
– Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
– Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Do đó, khi nhà trường thực hiên tổ chức việc dạy thêm trong trường học cần tuân thủ theo các nguyên tắc nêu tại Điều 3 Thông tư này để đảm bảo hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Bên cạnh đó thì Thông tư này cũng quy định các trường hợp không được dạy thêm tại điều 4 bao gồm Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT bao gồm:
Một là,Nhà trường không thực hiện việc dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Hai là, Tổ chức cá nhân Không thực hiện việc dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng sống cho các bạn học sinh tiểu học này.
Ba là, Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hoặc trường dạy nghề không được thực hiên việc tổ chức dạy thêm, học thêm đối với sinh viên các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
Bốn là, Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; thêm một điều nữa là giáo viên này không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó đang làm việc.
Như vậy, khi nhà trường muốn tổ chức dạy thêm thì cần xem xét về quyết định cho dậy thêm của mình có nằm trong các nguyên tắc được dạy thêm theo quy định của pháp luật hay không. Ngoài ra thì khi tổ chức việc học thêm thì không được vi phạm các trường họp không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoăc học sinh tiểu học, đối với cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không được thực hiên tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì cũng không được dạy thêm.
2. Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
Việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường được quy định tại Điều 6 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT được thực hiện khi tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm thực hiện việc cam kết với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm. Ngoài ra thì tổ chức cá nhân này cần thực hiện công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm các giấy tờ bao gồm: Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Danh sách người dạy thêm; thời khóa biểu dạy thêm, học thêm và mức thu tiền học thêm đối với từng học sinh để đảm bảo sự công khai minh bạch
Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc uỷ quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông và chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc uỷ quyền cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình tiểu học, trung học cơ sở hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học cơ sở.
3. Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
+ Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:
a) Tờ trình xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm;
b) Danh sách trích ngang người đăng ký dạy thêm đảm bảo các yêu cầu tại Điều 8 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
c) Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm; địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm; mức thu và phương án chi tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm.
+ Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:
a) Đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, trong đó cam kết với Uỷ ban nhân dân cấp xã về thực hiện các quy định tại khoản 1, Điều 6 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
b) Danh sách trích ngang người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
c) Đơn xin dạy thêm có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm và có xác nhận theo quy định tại khoản 5, Điều 8 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
d) Bản sao hợp lệ giấy tờ xác định trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
đ) Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
e) Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm.
4. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
Tại Điều 13. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
1. Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm lập hồ sơ cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định tại điều 12 quy định này; gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
2. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm tra địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc trả lời không đồng ý cho tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm bằng văn bản.
Như vậy có thể thấy trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: các trường, cơ sở tư nhân, cá nhân đến Sở GD&ĐT nộp hồ sơ xin cấp giấy phép dạy thêm;
Bước 2: Sở GD&ĐT thẩm định các điều kiện mở lớp;
Bước 3: UBND tỉnh ủy quyền cho Sở GD&ĐT cấp và thu hồi giấy phép dạy thêm đối với các trường, cơ sở tư nhân, cá nhân từ cấp Trung học phổ thông, kể cả cấp II-III và các trường chuyên biệt.
Sau khi cá nhân, tổ chức được giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm thì giấy phép này có thời hạn nhiều nhất là 24 tháng kể từ ngày ký; trước khi hết hạn 01 tháng phải tiến hành thủ tục gia hạn và thủ tục này được thực hiện như cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. Ngoài ra thì theo Điều 4 Thông tư này thì nếu tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì sẽ bị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc uỷ quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thu hồi giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thu hồi giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc uỷ quyền cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thu hồi giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình tiểu học, trung học cơ sở hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học cơ sở.