Đăng ký quyền xuất nhập khẩu là hoạt động mang tính bắt buộc mà các thương nhân không hiện diện tại Việt Nam phải đảm bảo thực hiện. Dưới đây là bài phân tích về thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất nhập khẩu.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện đăng ký quyền xuất nhập khẩu:
Xuất nhập khẩu là hoạt động quen thuộc, diễn ra phổ biến tại nước ta hiện nay. Khi thực hiện xuất nhập khẩu, cá nhân, tổ chức (gọi là thương nhân) không chỉ tham gia vào hoạt động trao đổi hàng hóa nhằm thu về lợi nhuận, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đối với hoạt động đối ngoại của Việt Nam với các quốc gia khác. Chính vì vậy, muốn xuất nhập khẩu, cá nhân, tổ chức phải đăng ký quyền xuất nhập khẩu. Đặc biệt là đối với thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam.
Hay nói cách khác, đăng ký quyền xuất nhập khẩu được áp dụng đối với thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 90/2007/NĐ-CP điều kiện để thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam được đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu tại Việt Nam đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu bao gồm:
– Thương nhân phải đảm bảo tuân thủ điều kiện không bị tước quyền hoạt động thương mại hoặc đang chịu các hình phạt liên quan đến hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật nước ngoài và pháp luật của Việt Nam.
– Thương nhân chỉ có thể đăng ký quyền xuất nhập khẩu khi không có tiền án, không bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, chỉ khi đảm bảo những điều kiện nêu trên, thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam mới có thể đăng ký quyền xuất nhập khẩu.
2. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất nhập khẩu:
2.1. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất nhập khẩu:
Theo quy định tại điều 5 Thông tư 28/2012/TT-BCT, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu.
+ Giấy xác nhận bản chính của cơ quan có thẩm quyền về việc thương nhân không hiện diện không bị tước quyền hoạt động thương mại, thương nhân đang không chịu các hình phạt liên quan đến hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật nước ngoài nơi thương nhân nước ngoài thành lập.
+ Bản chính giấy xác nhận này giúp cơ quan Nhà nước Việt Nam xác định được thương nhân có đủ điều kiện để đăng ký quyền xuất nhập khẩu.
+ Bản chính Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thương nhân không hiện diện không có tiền án, không bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự đối với thương nhân không hiện diện là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật đối với thương nhân không hiện diện là tổ chức kinh tế;
+ Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương đối với thương nhân là tổ chức kinh tế.
+ Bản sao có chứng thực giấy chứng minh thư, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với thương nhân là cá nhân.
+ Bản sao có chứng thực văn bản xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, nghĩa vụ tài chính của thương nhân.
+ Bản chính văn bản xác nhận vốn kinh doanh, số tài khoản tại ngân hàng nơi thương nhân nước ngoài thành lập;
+
+ Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức kinh tế đại diện cho thương nhân không hiện diện tại Việt Nam.
Trên đây là những tài liệu, giấy tờ mà thương nhân không hiện diện tại Việt Nam phải đảm bảo nếu muốn đăng ký quyền xuất nhập khẩu. Chỉ khi chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ, tài liệu như trên, hồ sơ đăng ký quyền xuất nhập khẩu của thương nhân mới được cơ quan chức năng có thẩm quyền thụ lý và đưa ra phương hướng giải quyết. Nếu hồ sơ không đảm bảo, Cán bộ chức năng sẽ không thể xem xét tính đủ điều kiện của các thương nhân đó, từ đó không thể đưa ra kết luận giải quyết nhu cầu của thương nhân đó.
2.2. Trình tự cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất nhập khẩu:
Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất nhập khẩu phải đảm bảo tuân thủ các bước sau đây:
– Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ.
+ Thương nhân không có hiện diện tại Việt Nam chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
+ Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thương nhân không hiện diện tại Việt Nam sẽ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền là Bộ Công Thương.
– Bước 2: Tiếp nhận và thụ lý hồ sơ.
+ Sau khi thương nhân gửi hồ sơ, Bộ công thương sẽ thụ lý, kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ.
+ Đối với trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thực hiện cấp giấy chứng nhận cho thương nhân không hiện diện tại Việt Nam.
+ Đối với trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiến hành thông báo cho thương nhân, để chủ thể này hoàn thiện hoặc bổ sung hồ sơ. Trong văn bản trả hồ sơ phải nêu rõ lý do trả hồ sơ.
– Bước 3: Công khai giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất nhập khẩu.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất nhập khẩu, thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam phải công bố công khai các nội dung được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của mình trong ba số liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên một trong các loại tờ báo viết được phổ biến toàn quốc tại Việt Nam.
Như vậy, khi thực hiện đăng ký quyền xuất nhập khẩu, thương nhân không hiện diện tại Việt Nam phải tuân thủ theo các quy trình, thủ tục nêu trên.
3. Quy định của Nhà nước về thực hiện quyền xuất nhập khẩu:
Thông tư 28/2012/TT-BCT quy định về việc thực hiện quyền xuất nhập khẩu như sau:
– Đối với quy định thực hiện quyền xuất khẩu (quy định tại Điều 2 Thông tư 28/2012/TT-BCT) sẽ thực hiện quyền xuất khẩu khi được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu như sau:
+ Thương nhân không hiện diện tại Việt Nam được xuất khẩu các mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, danh mục hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, danh mục hàng hóa không được quyền xuất khẩu theo cam kết quốc tế. Tức chủ thể này sẽ được Nhà nước cho phép xuất khẩu các loại hàng hóa mà Nhà nước không cấm.
+ Hàng hóa xuất khẩu thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu theo lộ trình trong các cam kết quốc tế, thực hiện theo lộ trình cam kết là đối tượng xuất khẩu hợp pháp mà thương nhân không hiện diện tại Việt Nam được phép thực hiện.
+ Các thủ tục liên quan đến xuất khẩu hàng hóa tại cơ quan Hải quan trên cơ sở hợp đồng mua hàng ký với thương nhân Việt Nam do các thương nhân không hiện diện tại Việt Nam thực hiện.
+ Thương nhân không hiện diện ở nước ngoài chỉ được xuất khẩu các mặt hàng phù hợp với nội dung Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu.
Một điểm cần lưu ý trong quá trình thực hiện quyền xuất khẩu của thương nhân là: Thương nhân không hiện diện chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền xuất khẩu hoặc quyền phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu; không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu.
– Đối với quy định thực hiện quyền nhập khẩu (quy định tại Điều 3 Thông tư 28/2012/TT-BCT) sẽ thực hiện quyền nhập khẩu khi được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu như sau:
+ Khi thực hiện quyền nhập khẩu, thương nhân được nhập khẩu các mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, danh mục hàng hóa tạm ngừng nhập khẩu, danh mục hàng hóa không được quyền nhập khẩu theo cam kết quốc tế.
+ Thương nhân không hiện diện tại Việt Nam phải đảm bảo thực hiện theo lộ trình cam kết đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo lộ trình trong các cam kết quốc tế.
+ Các thủ tục liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa tại cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng bán hàng ký với thương nhân Việt Nam do thương nhân không hiện diện tại Việt Nam được trực tiếp thực hiện.
+ Cũng giống việc thực hiện quyền xuất khẩu, mặt hàng nhập khẩu phải phù hợp với nội dung Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu.
Một điểm cần được lưu ý, rằng thương nhân không hiện diện chỉ được trực tiếp bán hàng nhập khẩu cho các thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền phân phối hàng hóa đó, không được tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Thông tư 28/2012/TT-BCT Quy định chi tiết việc đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam
Nghị định 90/2007/NĐ-CP Quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam