Bằng Tổ quốc ghi công nhằm để tặng thưởng cho cả gia đình liệt sĩ vì những cống hiến và hy sinh to lớn đối với tổ quốc. Vậy thủ tục cấp đổi, cấp lại và thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công:
1.1. Điều kiện cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công:
Căn cứ khoản 1 Điều 23 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có quy định về điều kiện cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công, theo quy định này thì để được cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công cần phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Người hy sinh đã được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cấp, Bằng “Tổ quốc ghi ơn” của Bộ trưởng Bộ Thương binh – Cựu binh chưa được đổi thành Bằng “Tổ quốc ghi công” do chính Thủ tướng Chính phủ cấp;
– Thân nhân đã được giải quyết các chế độ ưu đãi từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước.
1.2. Thủ tục cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công:
Trình tự, thủ tục cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công được quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, căn cứ vào quy định này thì khi cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công cần phải tuân theo những trình tự, thủ tục sau đây:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ: Cá nhân đang giữ bản gốc Bằng “Tổ quốc ghi công” của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cấp, Bằng “Tổ quốc ghi ơn” của Bộ trưởng Bộ Thương binh – Cựu binh chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị cấp đổi “Bằng Tổ quốc ghi công” (theo mẫu số 16 Phụ lục I được kèm theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng)
– Bản gốc Bằng “Tổ quốc ghi công” của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cấp, Bằng “Tổ quốc ghi ơn” của Bộ trưởng Bộ Thương binh – Cựu binh cấp
– Một trong các giấy tờ chứng minh thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi:
+ Quyết định hưởng trợ cấp
+ Sổ nhận trợ cấp ưu đãi;
+ Danh sách chi trả trợ cấp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần khi báo tử có ký nhận của người hưởng trợ cấp;
+ Giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận được lập từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước.
Bước 2: gửi hồ sơ
Người đề nghị cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công nộp hồ sơ đã chuẩn bị đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người hy sinh thường trú trước khi tham gia cách mạng hoặc nhập ngũ
Bước 3: giải quyết hồ sơ
– Đối với ủy ban nhân dân cấp xã:
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận bản khai, tổng hợp, lập danh sách và tờ trình kèm theo bản bằng gốc gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Trong trường hợp bằng gốc không thể hiện được các thông tin do mờ chữ hoặc bị hư hại thì giải quyết như sau:
+ Trong thời gian tối thiểu 40 ngày thì Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai tại thôn, xã để lấy ý kiến nhân dân, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và lập biên bản về kết quả niêm yết công khai.
+ Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày có kết quả niêm yết công khai phải thực hiện tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã để xem xét đối với những trường hợp không có ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân, sau đó lập biên bản họp xét duyệt và có văn bản đề nghị kèm biên bản về kết quả niêm yết công khai và biên bản họp xét duyệt của Hội đồng xác nhận người có công gửi cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kèm bằng gốc.
– Đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
+ Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, phải thực hiện kiểm tra, rà soát, lập danh sách đối với các trường hợp đủ căn cứ có văn bản đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kèm theo bằng gốc
+ Trường hợp bằng gốc không thể hiện được các thông tin làm căn cứ để cấp đổi do mờ chữ thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản để gửi cơ quan chức năng đề nghị trưng cầu giám định.
+ Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giám định, nếu như có đủ căn cứ thì Sở có văn bản đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kèm theo bản Bằng gốc và kết quả giám định.
+ Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được Bằng “Tổ quốc ghi công” cấp đổi, Sở cho sổ quản lý, lập trích lục hồ sơ liệt sĩ, lưu giữ bằng cũ và những giấy tờ liên quan trong hồ sơ, gửi Bằng “Tổ quốc ghi công” đến người đề nghị.
– Đối với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
+ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 30 ngày kể từ ngày mà nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp, lập danh sách kèm cả tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ trình lên Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công”
+ Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận quyết định cấp đổi bằng thực hiện in, chuyển Văn phòng Chính phủ đóng dấu Bằng “Tổ quốc ghi công”, gửi lại về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
2. Cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công:
2.1. Trường hợp nào được cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công:
Được cấp lại Bằng tổ quốc ghi công trong những trường hợp sau:
– Bằng Tổ quốc ghi công bị mất
– Bằng Tổ quốc ghi công bị thiếu thông tin do mờ chữ
– Bằng Tổ quốc ghi công bị hư hại.
2.2. Thủ tục cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công:
Trình tự, thủ tục cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công được quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, căn cứ vào quy định này thì khi cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cần phải tuân theo những trình tự, thủ tục sau đây:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ: Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ chuẩn bị hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị cấp lại “Bằng Tổ quốc ghi công” (theo mẫu số 16 Phụ lục I được kèm theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng)
– Bằng Tổ quốc ghi công cũ (nếu có)
Bước 2: nộp hồ sơ
Người đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công nộp hồ sơ đã chuẩn bị đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đề nghị thường trú.
Bước 3: giải quyết hồ sơ
– Đối với ủy ban nhân dân cấp xã:
Trong thời gian 05 ngày làm việc Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận bản khai, tổng hợp, lập danh sách và tờ trình gửi lên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Đối với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội:
+ Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện lập và gửi danh sách kèm các giấy tờ theo quy định đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi mà quản lý hồ sơ liệt sĩ.
– Đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
+ Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ phải kiểm tra, đối chiếu hồ sơ liệt sĩ, lập danh sách cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với các trường hợp đủ điều kiện và có đầy đủ các thông tin ghi theo giấy báo tử của liệt sĩ kèm theo văn bản đề nghị gửi Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
+ Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được Bằng “Tổ quốc ghi công” cấp lại, thực hiện gửi Bằng “Tổ quốc ghi công” đến người đề nghị.
– Đối với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
+ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, thực hiện kiểm tra, tổng hợp, lập danh sách kèm theo tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ trình lên Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công”
– Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận quyết định cấp lại bằng thực hiện in, chuyển Văn phòng Chính phủ đóng dấu Bằng “Tổ quốc ghi công”, gửi lại về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
3. Thủ tục thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công:
3.1. Trường hợp nào bị Thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công:
Những trường hợp bị thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công bao gồm có:
– Công nhận liệt sĩ không đúng quy định theo kết luận của thanh tra
– Người được công nhận liệt sĩ vẫn còn sống sau ngày cấp bằng.
– Bằng “Tổ quốc ghi công” đã cấp trùng.
3.2. Thủ tục thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công:
Trình tự, thủ tục thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công được quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, căn cứ vào quy định này thì thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công cần phải tuân theo những trình tự, thủ tục sau đây:
Bước 1: trình tự giải quyết của ủy ban nhân dân cấp xã và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
– Đối với trường hợp Công nhận liệt sĩ không đúng quy định theo kết luận của thanh tra:
+ Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày mà nhận được kết luận của thanh tra về sai phạm trong việc đã cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi mà quản lý hồ sơ liệt sĩ thực hiện xác minh, kết luận, có văn bản đề nghị đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công”, ban hành cả quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi đối với trường hợp đã hưởng không đúng quy định.
– Đối với trường hợp Người được công nhận liệt sĩ vẫn còn sống sau ngày cấp bằng:
+ Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày phát hiện người được trường hợp công nhận liệt sĩ vẫn còn sống sau ngày cấp bằng Ủy ban nhân dân cấp xã phải có văn bản báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ
+ Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện xác minh, kết luận, có văn bản đề nghị đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công”, thực hiện ban hành quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi đối với trường hợp đã hưởng không đúng quy định.
– Đối với trường hợp Bằng “Tổ quốc ghi công” đã cấp trùng:
Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày đã phát hiện trường hợp đã cấp trùng bằng “Tổ quốc ghi công” thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ thực hiện xác minh, kết luận, có văn bản đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công”, ban hành về quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi đối với trường hợp đã hưởng không đúng quy định.
Bước 2: trình tự giải quyết của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày mà nhận được văn bản đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ xem xét, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công” và chuyển lại về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Bước 3: trong thời gian 12 ngày Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ có văn bản kèm theo bản sao Quyết định thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công” và chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc chuyển đến người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cư trú.
Bước 4: trong thời gian 05 ngày làm việc thì Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc đến người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, thực hiện việc thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công”, báo cáo đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và chuyển Bằng “Tổ quốc ghi công” về lại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để lưu hồ sơ.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.