Thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Các trường hợp áp dụng biện pháp bắt bị can, bắt bị cáo để tạm giam theo luật tố tụng hình sự.
Bắt người nói chung và bắt bị can, bị cáo để tạm giam nói riêng là một trong những biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong Bộ luật tố tụng hình sự ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do thân thể và các quyền nhân thân quan trọng nhất của người bị bắt. Vì vậy khi tiến hành áp dụng biện pháp ngăn chặn này các cơ quan tiến hành tố tụng này phải cân nhắc cẩn thận trước khi tiến hành bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Đây có thể xem là một biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn người bị nghi đã thực hiện tội phạm tiếp tục thực hiện tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để giải quyết nhanh chóng và kịp thời vụ án.
Trình tự thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định cụ thể tại khoản 2 khoản 3 Điều Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự.
Việc bắt bị can bị cáo để tạm giam phải có lệnh của người có thẩm quyền. Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ, tên, chức vụ của người ra lệnh; họ, tên, địa chỉ của người bị bắt và lí do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu. Lệnh bắt người vi phạm thủ tục do luật định nói trên như bắt người theo lệnh miệng, lệnh không có chữ ký của người có thẩm quyền, lệnh không có lý do, lệnh của cơ quan điều tra không có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát đều không có giá trị thi hành.
Trước khi tiến hành bắt người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt. Người bị bắt có quyền yêu cầu người thi hành lệnh bắt đọc toàn văn lệnh bắt và giải thích lệnh. Trong trường hợp có nghi ngờ về lệnh bắt người bị bắt có quyền yêu cầu cho xem lệnh bắt. Những yêu cầu đó phải được người thi hành lệnh bắt chấp nhận.
Khi bắt phải lập biên bản, biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản những việc đã làm tình hình diễn biến trong quá trình thi hành lệnh bắt thái độ của người bị bắt trong việc chấp hành lệnh bắt những đồ vật tài liệu liên quan được phát hiện bị tạm giữ và những yêu cầu phải được người thi hành lệnh bắt chấp nhận. Người thi hành lệnh bắt người chứng kiến phải cùng kí tên vào biên bản. Nếu có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì họ có quyền ghi vào biên bản và kí tên.
Luật sư
Khi tiến hành bắt người tại nơi cư trú của họ phải có mặt đại diện của hàng xóm, chính quyền địa phương.
Khi tiến hành bắt người tại nơi làm việc của họ phải có mặt đại diện của cơ quan tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến
Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có đại diện chính quyền địa phương nơi tiến hành việc bắt chứng kiến.
Không được bắt người vào ban đêm trừ trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang.
Như vậy, việc bắt bị can, bị cáo phải được tiến hành theo tình tự thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Điều đó vừa thể hiện sự nghiêm khắc của nhà nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm vừa là sự tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, tránh mọi tác động trái pháp luật tới quyền này.
Mục lục bài viết
1. Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư cho em hỏi , biện pháp tạm giữ được áp dụng đối với người chưa bị khởi tố về hình sự hay áp dụng với cả người đã bị khởi tố về hình sự nữa ạ? Em cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 48 BLTTHS 2003 thì Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
Như vậy căn cứ vào định nghĩa nêu ra ở trên thì ta thấy có hai trường hợp xảy ra:
Thứ nhất: Người bị tạm giữ có thể là người chưa bị khởi tố về hình sự.
Đó là các trường hợp người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, trường hợp người phạm tội tự thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
Bắt người trong trường hợp khẩn cấp là bắt người trong các trường hợp:
* Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trong hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
* Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nới xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
* Khi thấy dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. (Theo khoản 1 Điều 81)
Nhận thấy các trường hợp trên đều chưa tiến hành giai đoạn khởi tố về chính tội phạm mà họ thực hiện do vậy họ là người chưa bị khởi tố hình sự.
Người phạm tội quả tang là người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Phạm tội quả tang là trường hợp phạm tội cụ thể, rõ ràng không cần phải điều tra xác minh, người thực hiện hành vi bị bắt ngay tại chỗ. Do vậy đương nhiên họ cũng là người chưa bị khởi tố.
Tự thú là hành vi của người đã thực hiện hành vi phạm tội chưa bị phát hiện chưa bị khởi tố hình sự mà ra cơ quan có thẩm quyền trình diện. Tự thú là một trong những cơ sở để khởi tố vụ án hình sự (K5/Đ100)
Trường hợp thứ hai: Người bị tạm giữ cũng có thể là người đã bị khởi tố về hình sự.
Đó là các trường hợp bị can, bị cáo, người bị kết án, người đang chấp hành án nếu bị bắt theo quyết định truy nã hoặc ra đầu thú và đã có quyết định tạm giữ đối với họ thì cũng là người bị tạm giữ.
Đầu thú là hành vi của người đã thực hiện hành vi phạm tội, việc phạm tội đó đã bị phát hiện nhưng biết không thể trốn tránh được nên ra cơ quan có thẩm quyền trình diện. Như vậy hành vi đầu thú của họ xảy ra sau khi cơ quan chức năng phát hiện ra vụ việc có dấu vết tội phạm và có quyết định khởi tố hình sự ( khởi tố vụ án hoặc khởi tố bị can).
Người bị bắt theo quyết định truy nã là người đã thực hiện hành vi phạm tội, đã bị phát hiện nhưng cố tình bỏ trốn và đối với họ đã có quyết định truy nã của cơ quan điều tra. Quyết định truy nã được đưa ra trong các trường hợp sau:
* Khi bị can trốn hoặc không biết bị can ở đâu ( Điều 161 BLTTHS)
* Khi bị cáo trốn tránh không đến phiên tòa theo giấy triệu tập ( Khoản 1 Điều 187 BLTTHS).
* Khi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn ( Khoản 4 điều 256 BLTTHS).
* Khi người đang chấp hành hình phạt tù trốn khỏi trại giam ( khoản 4 Điều 260 BLTTHS).
Như vậy những trường hợp người phạm tội bị bắt theo quyết định truy nã như trên đều được thực hiện khi có hành vi bỏ trốn kể từ sau giai đoạn khởi tố trở đi. Vậy đương nhiên đối với họ đã có quyết định khởi tố hình sự.
Tóm lại tạm giữ có thể áp dụng với người đã bị khởi tố về hình sự. Đây được coi là một điểm mới của BLTTHS đã được sửa đổi bổ sung năm 2003 so với BLTTHS 1988. Tại điều 38 BLTTHS 1988 chỉ quy định rằng: Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang và đối với họ đã có quyết định tạm giữ, nhưng chưa bị khởi tố.
2. Quy chế về tạm giữ, tạm giam đối với bị can
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có một người bạn là bảo vệ tổ dân phố phường 9, quận Phú Nhuận. Ngày 24/4/2014, bạn tôi bị bắt và bị giam ở Trại tạm giam Chi Hoa. Tôi muốn đến thăm người bạn đó nhưng không thể liên lạc được với người nhà của họ. Với tư cách bạn bè tôi có thể lên trại tạm giam thăm người đó được không và thủ tục ra sao? Mong luật sư giải đáp giúp ! Tôi cảm ơn!
Luật sư tư vấn
Theo quy định tại Điều 22 Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định 89/1998/NĐ – CP( đã được Nghị định số 98/2002/NĐ – CP sửa đổi, bổ sung năm 2002) thì: “1. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam yêu cầu cán bộ thực hiện Lệnh trích xuất giao đầy đủ các văn bản hợp pháp theo các trường hợp nêu tại Điều 21 để xem xét, kiểm tra nhằm bảo đảm trích xuất đúng người và lập thủ tục giao nhận người được trích xuất, có ghi rõ tình trạng sức khoẻ của người đó.
2. Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải bố trí buồng thăm gặp trong khu vực quản lý của mình để người bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân trong trường hợp họ được phép. Luật sư hoặc người bào chữa khác được gặp người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tại buồng làm việc của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.
Người bị tạm giữ, tạm giam và thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác của người bị tạm giữ, tạm giam phải tuân thủ nội quy gặp gỡ. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam tổ chức phổ biến nội quy gặp gỡ và cử cán bộ, chiến sĩ giám sát, đề phòng người bị tạm giữ, tạm giam bỏ trốn hoặc giao, nhận những vật bị cấm mang ra, mang vào Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác thực hiện theo quy định này.
Việc người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với tổ chức nhân đạo được thực hiện theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo sự thoả thuận trực tiếp về từng trường hợp cụ thể giữa Nhà nước Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam hoặc với tổ chức nhân đạo. Trong các trường hợp tiếp xúc này cần có cán bộ, chiến sĩ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam giám sát và có thể có đại diện của cơ quan Ngoại giao Việt Nam hoặc đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng tham dự”.
Theo đó thì người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định.
Thân nhân được hiểu là những người có quan hệ ruột thịt gồm: Bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, hoặc bố mẹ chồng, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng, con. Trường hợp đặc biệt, để động viên người bị tạm giữ, tạm giam thành khẩn khai báo, hoặc vì lý do chính đáng khác (người bị tạm giữ, tạm giam không còn thân nhân ruột thịt, khi cần giải quyết các yêu cầu công việc có liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam…) thì Thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án có thể cho phép những người không phải là thân nhân ruột thịt đến thăm gặp. Người muốn thăm gặp phải có đơn có xác nhận của chính quyền, cơ quan nơi cư trú hoặc làm việc.
Căn cứ theo những quy định trên, trường hợp của bạn không phải là thân nhân của người bị tạm giam vẫn có thể được vào thăm người đang bị tạm giam nếu thuộc một trong những trường hợp đặc biệt sau:
Thứ nhất, là để động viên người bị tạm giữ, tạm giam thành khẩn khai báo.
Thứ hai, là vì lý do chính đáng khác (người bị tạm giữ, tạm giam không còn thân nhân ruột thịt, khi cần giải quyết các yêu cầu công việc có liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam…) nếu bạn thuộc một trong các trường hợp đặc biệt trên thì bạn có thể làm đơn có xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan nơi bạn cư trú hoặc làm việc và gửi tới thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án để được chấp thuận cho phép bạn được vào thăm người đang bị tạm giam.
3. Điểm mới về tạm giam của Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho hỏi, những điểm mới trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về tạm giam? Các Luật sư có đánh giá gì về những thay đổi này? Những thay đổi này có lợi gì cho bị can bị cáo trong quá trình bị tạm giam so với quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2003 không? Xin chân thành cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có nhiều điểm mới so với Bộ luật tố tụng hình sự 2003 về vấn đề tạm giam. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về đối tượng bị tạm giam. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định thêm các trường hợp biện pháp tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm như sau:
– Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
– Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
– Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
– Tiếp tục phạm tội.
Trường hợp bị can, bị cáo “có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này” theo quy định của luật Bộ luật tố tụng hình sự 2015 không phải là một quy định hoàn toàn mới mà là việc quy định cụ thể trường hợp cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử theo luật cũ.
Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 còn thêm quy định “Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã”.
Các trường hợp áp dụng tạm giam đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng được mở rộng thêm điều kiện: bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội, không kể đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác hay chưa.
Việc quy định thêm các trường hợp này nhằm mở rộng phạm vi đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giữ nhằm đảm bảo việc thi hành án cũng như kịp thời ngăn chặn tội phạm có nguy cơ xảy ra. Quy định này có vẻ như gây bất lợi cho bị can, bị cáo song phải lưu ý rằng, nếu bị can, bị cáo phải chịu hình phạt tù có thời hạn thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù (quy định tại điều 38 Bộ luật hình sự). Do đó, trong trường hợp bị can, bị cáo phải chịu hình phạt tù mà thời hạn phạt tù lớn hơn thời hạn tạm giam, thì việc bị tạm giam theo quy định của luật tố tụng hình sự không bất lợi hơn cho bị can, bị cáo.
Thứ hai, về việc chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực cùng lúc với một văn bản pháp luật mới là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam do đó quy định về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của người bị tạm giữ, tạm giam được tách ra riêng, thực hiện theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Điều này có lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam vì bảo đảm quyền lợi của con người bị tạm giữ, tạm giam hơn so với luật cũ.
4. Mức phạt tù bằng thời gian tạm giữ, tạm giam thì có phải thi hành án phạt tù không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Tôi thắc mắc về vấn đề sau, mong được giải đáp trường hợp người bị kết án có mức phạt tù bằng thời gian tạm giữ, tạm giam và được trả tự do tại phiên toà thì Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm có phải ra quyết định thi hành án phạt tù đối với người bị kết án hay không? Cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định như sau:
“Điều 227. Trả tự do cho bị cáo
Trong những trường hợp sau đây, Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác:
1. Bị cáo không có tội;
2. Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt;
3. Bị cáo bị xử phạt bằng các hình phạt không phải là hình phạt tù;
4. Bị cáo bị xử phạt tù, nhưng được hưởng án treo;
5. Thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.”
Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 cũng quy định:
“Điều 255. Những bản án và quyết định được thi hành
1. Những bản án và quyết định được thi hành là những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, bao gồm:
a) Những bản án và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm;
b) Những bản án và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;
c) Những quyết định của Tòa án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
2. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, không kết tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là tù giam hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng nghị, kháng cáo”.
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, trường hợp bị cáo bị tuyên án phạt tù, song thời gian phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam thì Hội đồng xét xử phải ra Quyết định trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa (theo quy định tại khoản 5 Điều 227). Trong trường hợp này, người bị kết án đã chấp hành xong mức hình phạt Toà án đã tuyên nên Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm không phải ra quyết định thi hành án phạt tù đối với họ. Bản án của Tòa án trong trường hợp này phải được thi hành ngay mặc dù vẫn có thể bị kháng nghị, kháng cáo. Thời hạn để xoá án tích được tính từ khi họ đã chấp hành xong hình phạt.
5. Thời gian tạm giam trong bao lâu?
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi: Em có đứa em quê An Giang lên Bình Dương chơi không biết có tham gia đánh nhau hay không mà Công An bắt chung với mấy người đánh nhau trong phòng trọ trong đó có đứa em của em, mà người bị đánh bị thương nhẹ giờ sinh hoạt bình thường,nhưng em em vẫn bị tam giam và không cho thăm nuôi hay cho biết khi nào xét xử cả>Em muốn anh tư vấn dùm em trường hợp này có bị tạm giam lâu thế không và làm cách nào để thăm nuôi được> Mong anh sớm tư vấn dùm em, cảm ơn anh?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về hành vi cố ý gây thương tích, cố ý gây thương tích là hành vi một người cố ý tấn công một người khác nhằm gây tổn hại về thân thể và sức khỏe của người khác. Tuy nhiên không phải bất kỳ hành vi nào tấn công người khác nào cũng là tội phạm. Hành vi cố ý tấn công người khác chỉ bị coi là tội phạm nếu thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999:
“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.“
Căn cứ vào khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999, cơ quan điều tra sẽ xác định có dấu hiệu của tội phạm hay không. Nếu như có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra có thể ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện một tội phạm, cơ quan điều tra có thể ra quyết định khởi tố bị can. Sau khi có quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra mới có thể áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can đó. Do đó, trong trường hợp nếu trên, khi chưa có quyết định khởi tố, thì việc cơ quan giữ người chỉ có thể là thủ tục tạm giữ.
Theo Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003,
“1. Sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
2. Đối với người bị truy nã thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã để đến nhận người bị bắt.
Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã. Trong trường hợp xét thấy cơ quan đã ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải ra ngay quyết định tạm giữ và thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết.
Sau khi nhận được thông báo, cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt có trách nhiệm giải ngay người đó đến trại tạm giam nơi gần nhất.“
Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Cân lưu ý, quyết định tạm giữ được giao cho người bị tạm giữ một bản và không có quy định nào bắt buộc cơ quan điều tra phải cung cấp quyết định này cho người khác mà luật không quy định.
Theo Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:
“Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay.“
Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Tuy nhiên, nếu thấy thông báo sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động điều tra thì khi nào thấy cần thì mới báo.
Sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt, cơ quan điều tra phải lấy lời khai và xem xét có ra quyết định tạm giữ hay sẽ trả tự do cho người bị bắt. Nếu ra quyết định tạm giữ, thì trong thời hạn 12 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Việc kiểm sát sẽ xem xét hủy bỏ hay giữ nguyên quyết định tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tối đa là 12 ngày, tính cả hai lần gia hạn, tính từ thời điểm cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Do đó, bạn cần căn cứ vào thời gian để nắm được hoạt động của cơ quan điều tra.
Trong các quyền của người bị tạm giữ, người tạm giữ không có quyền được liên hệ với người khác. Thay vào đó, người bị tạm giữ có quyền nhờ người khác bảo chữa cho mình. Sau khi được thông báo về việc tạm giữ, những người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ có thể lựa chọn người bào chữa cho người bị tạm giữ. Chỉ có người bào chữa mới có thể tiếp cận và bảo vệ cho quyền lợi của người bị tạm giữ bằng cách đề nghị cơ quan điều tra cho mình được thực hiện quyền bào chữa. Trong vòng 24 giờ, cơ quan điều tra phải trả lời cho hay không cho.
Ngoài ra, nếu như không có dấu hiệu của tội phạm hình sự, thì theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người đánh nhau có thể sẽ bị xử phat vi phạm hành chính. Việc xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi đánh nhau được quy định tại mục a khoản 2, mục c khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, việc giữ người theo thủ tục hành chính được quy định tại Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012:
“1. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.
2. Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.
3. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng.
4. Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên 06 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết.
5. Nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính là nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính được bố trí tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi làm việc của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người vi phạm hành chính. Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính thì tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác tại nơi làm việc, nhưng phải bảo đảm các quy định chung.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Cơ quan có chức năng phòng, chống vi phạm pháp luật mà thường xuyên phải tạm giữ người vi phạm hành chính cần bố trí, thiết kế, xây dựng nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính riêng, trong đó cần có nơi tạm giữ riêng cho người chưa thành niên, phụ nữ hoặc người nước ngoài và phải có cán bộ chuyên trách quản lý, bảo vệ.
Đối với tàu bay, tàu biển, tàu hỏa khi đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga thì tùy theo điều kiện và đối tượng vi phạm cụ thể, người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu quyết định nơi tạm giữ và phân công người thực hiện việc tạm giữ.
6. Nghiêm cấm việc giữ người vi phạm hành chính trong các phòng tạm giữ, phòng tạm giam hình sự hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.
7. Chính phủ quy định việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính.“
Việc tạm giữ theo thủ tục hành chính được không được quá 12 giờ, trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ.