Giải thích về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế? Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế?
Nhà nước đã đặt ra chính sách về thuế chính là một nghĩa vụ đối với một số chủ thể thỏa mãn các điều kiện nhất định. Có nhiều loại thế khác nhau, mà phổ biến như các loại thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu,… Mỗi loại thuế đều có những quy định riêng biệt, nhưng đều có yêu cầu chung đặt ra đối với người nộp thuế đó chính là nộp đúng hạn. Đối với người nộp thuế không nộp đúng hạn thì họ sẽ phải chịu những trách nhiệm pháp lý nhất định, cụ thể đó chính là nộp các khoản tiền khác như tiền chậm nộp. Pháp luật về quản lý thuế đã quy định cụ thể về thứ tự thanh toán các khoản tiền thuế và khoản tiền liên quan. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về nội dung này.
* Cơ sở pháp lý:
– Luật Quản lý thuế năm 2019;
– Nghị định 125/2020/NĐ- CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 do Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Mục lục bài viết
1. Giải thích về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế:
* Về tiền thuế
Tiền thuế được đề cập đến ở đây chính là số tiền thuế mà người nộp thuế có nghĩa vụ thực hiện nộp cho nhà nước. Tiền thuế có thể do người nộp thuế khai thuế, quyết toán thuế hoặc có thể do cơ quan nhà nước tính toán, xác định trong thông báo về việc nộp thuế.
Tiền thuế này là nghĩa vụ bắt buộc đối với nhà nước mà người nộp thuế phải thực hiện đối với nhà nước.
* Về tiền chậm nộp
Cá nhân có nghĩa vụ nộp đúng, đủ thuế và đúng thời hạn theo quy định. Khi người nộp thuế nộp chậm tiền thuế thì bên cạnh việc phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, người nộp thuế còn có nghĩa vụ nộp tiền chậm nộp. Hiện nay, tiền chậm nộp được quy định tại Điều 59 Luật Quản lý thuế.
Cụ thể thì tại khoản 1 Điều 59 quy định về bảy trường hợp phải thực hiện nộp tiền chậm nộp, đó chính là:
– Khi người nộp thuế không thực hiện nộp thuế trong thời hạn;
– Cá nhân nộp tiền thuế ít hơn số tiền thuế phải nộp (số tiền thuế phải nộp thay đổi do người nộp thuế bổ sung hồ sơ khai thuế hoặc do kiểm tra phát hiện số tiền thuế còn thiếu;
– Khi số tiền thuế đã hoàn lớn hơn số tiền thuế được hoàn;
– Nộp dần tiền thuế nợ
– Bị truy thu số tiền thuế thiếu nhưng không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế
– Tiền chậm nộp áp dụng đối với tổ chức được ủy nhiệm khi tổ chức này chậm chuyển tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Đối với các trường hợp này, thì người nộp thuế phải thực hiện tiền chậm nộp thuế. Tiền chậm nộp được xác định thông qua việc lấy tỷ lệ 0,03%/ngày nhân với số tiền thuế chậm nộp. Mà việc xác định số ngày được tính liên tục bắt đầu từ ngày đầu tiên sau thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp, thời hạn ghi trong các văn bản như (thông bảo của cơ quan thuế; quyết định ấn định thuế, quyết định xử lý) của các cơ quan thuế. Thời hạn này sẽ kết thúc khi người nộp thuế thực hiện xong hết các nghĩa vụ nộp thuế chậm của mình, và các khoản nộp này được chuyển vào ngân sách nhà nước.
Từ trên, chúng ta có thể hiểu việc đặt ra quy định số tiền chậm nộp thuế chính mà một trong các phương thức mà cơ quan nhà nước sử dụng để quản lý nghiêm các trường hợp nộp chậm, mang tính răn đe đối với chính những người nộp chậm cũng như răn đe đối với những chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế khác. Điều này là hoàn toàn hợp lý, khi việc nộp thuế chính là nghĩa vụ, nghĩa vụ này phải được thực hiện đủ và đúng thời hạn. Nhà nước đã có những quy định tạo điều kiện như việc gia hạn nộp thuế cho những người nộp thuế, mà những chủ thể này không thực hiện được thì cần phải có những biện pháp xử lý thỏa đáng.
Điều 59 Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng quy định cụ thể về những trường hợp không tính tiền chậm nộp, chưa tính tiền chậm nộp; điều chỉnh số tiền chậm nộp và miễn tiền chậm nộp.
* Về tiền phạt thuế
Tiền phạt thuế được hiểu chính là hệ quả của việc áp dụng biện pháp phạt tiền trong xử lý vi phạm hành chính đối với những người nộp thuế vi phạm nghĩa vụ về thuế. Tiền phạt thuế được áp dụng đối với nhiều hành vi vi phạm khác nhau về thuế.
Ví dụ như đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp thuế được quy định tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ- CP thì mức phạt được thể hiện như sau:
“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.”
Từ khoản 2 đến khoản 5 của điều này đã thể hiện rõ mức hình phạt đối với hành vi không thực hiện nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn. Mức phạt sẽ căn cứ trên tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả của hành vi vi phạm mà chủ thể có thẩm quyền quyết định dựa trên các khung hình phạt được quy định. Qua quá trình kiểm tra, giám sát, các cơ quan thuế phát hiện và xử lý vi phạm hành chính thì người nộp thuế sẽ có nghĩa vụ nộp tiền phạt thuế. Tiền phạt thuế chính là hình thức răn đe mang tính hữu hiệu được áp dụng đối với những người vi phạm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tiền phạt chỉ áp dụng đối với chủ thể bị xử phạt.
2. Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế:
Tại Điều 57 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định về thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế như sau:
“Điều 57. Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt
1. Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được thực hiện theo thời hạn trước, sau và theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được quy định như sau:
a) Tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp quá hạn thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế;
b) Tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp quá hạn chưa thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế;
c) Tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp phát sinh.”
Quy định trên đã thể hiện nguyên tắc thanh toán khi người nộp thuế thực hiện nộp tiền thuế chậm, đó chính là thực hiện theo thời hạn trước, sau; tức khoản nghĩa vụ nào có thời hạn hết trước sẽ được thanh toán trước, khi thanh toán xong nghĩa vụ đến hạn trước thì sẽ tiếp tục nghĩa vụ thuế phát sinh sau.
Thực chất việc đặt ra thứ tự ưu tiên thanh toán liên quan đến việc một khoản tiền liên quan đến nhiều nghĩa vụ mà người nộp thuế phải thực hiện. Việc đặt ra thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các nghĩa vụ về thuế vô cùng quan trọng, bởi nó phải đảm bảo được nền tảng của thuế, cũng như việc thực hiện nghĩa vụ, công bằng, minh bạch trong lĩnh vực thuế. Thông qua việc xây dựng thứ tự ưu tiên thanh toán, thì sẽ xác định được rằng với khoản tiền mà người có nghĩa vụ nộp lên để thực hiện nghĩa vụ, thì nghĩa vụ nào được thực hiện trước, nghĩa vụ nào được thực hiện sau.
Theo quy định tại Khoản 2 của Điều 57, thì tiền nợ thuế chính là nghĩa vụ được ưu tiên thanh toán đầu tiên trong tất cả các nghĩa vụ của người nộp thuế. Đây chính là số tiền thuế mà người nộp thuế phải thực hiện trước đó, nhưng lại không thực hiện, đây cũng chính là nghĩa vụ phát sinh trước so với các nghĩa vụ khác và cũng là nghĩa vụ “gốc” làm phát sinh các nghĩa vụ “phái sinh” như nghĩa vụ nộp tiền chậm nộp, nghĩa vụ nộp phạt,… Do đó, nghĩa vụ này phải được thực hiện trước rồi mới đến việc thực hiện nghĩa vụ sau.
Nghĩa vụ được thanh toán tiếp theo chính là nghĩa vụ nộp tiền phạt. Đây chính là nghĩa vụ hành chính mà người nộp thuế phải nộp. Việc đặt thanh toán tiền phạt lên trước thanh toán tiền chậm nộp bởi lẽ đây là tiền phạt chính là hình thức mang tính răn đe, được thể hiện trên
Tiền chậm nộp là tiền được thanh toán cuối cùng. Dựa trên số tiền mà người nộp thuế nộp, sau khi thanh toán tiền thuế, tiền phạt thì sẽ được sử dụng để thanh toán tiền chậm nộp.