Trong nền kinh tế của nước ta hiện nay, thu nhập đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội. Thu nhập đẩy người lao động thực hiện tốt mục tiêu của doanh nghiệp đề ra. Thu nhập là gì? Lương và thu nhập khác nhau ở những điểm nào?
Mục lục bài viết
1. Thu nhập là gì?
Thu nhập là số tiền (hoặc một giá trị tương đương) mà một cá nhân hoặc doanh nghiệp nhận được, thường là để đổi lấy việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc thông qua vốn đầu tư.
Thu nhập được sử dụng để tài trợ cho các khoản chi tiêu hàng ngày.
Đối với cá nhân, thu nhập thường được nhận dưới dạng tiền lương hoặc tiền công.
Thu nhập doanh nghiệp có thể đề cập đến doanh thu còn lại của một công ty sau khi thanh toán tất cả các chi phí và thuế. Trong trường hợp này, thu nhập được gọi là lợi nhuận (Earnings).
Ở nước ta hiện nay còn có sự phân biệt các yếu tố trong tổng thu nhập của người lao động từ công việc: Tiền lương (dụng ý chỉ lương cơ bản), phụ cấp và phúc lợi. Điều đó có nghĩa là bên cạnh tiền lương, người lao động còn có các khoản thu nhập khác như tiền thưởng, tiền lãi cổ phần do lao động đóng góp, tiền phụ cấp các loại, bảo hiểm xã hội, tiền trợ cấp xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Thu nhập trong tiếng Anh là “income”.
2. Đặc điểm của thu nhập:
Thu nhập ngoài lương của người lao động chia thành hai loại:
Loại thứ nhất là thu nhập từ tiền thưởng, tiền lãi cổ phần đóng góp…, khoản tiền này người lao động trực tiếp nhận từ công ty. Số tiền này phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty cũng như thành tích lao động của người lao động.
Loại thứ hai là các khoản tiền như tiền bảo hiểm xã hội, tiền trợ cấp thất nghiệp…, đây là các khoản thu nhập ngoài lương không mang tính trực tiếp và tức thì. Các khoản này người lao động không được nhận trực tiếp từ doanh nghiệp. Cụ thể hơn, thay vì phải đóng phí để được tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của nhà nước thì người lao động được doanh nghiệp đứng ra đóng một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm xã hội hay trợ cấp thất nghiệp… đó cho đơn vị có liên quan. Chính vì vậy, nó cũng được xem là thu nhập khác ngoài lương của người lao động
Các cá nhân có được thu nhập thông qua việc kiếm tiền lương bằng cách làm việc và đầu tư vào các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản. Chẳng hạn, một nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu có thể có thu nhập dưới dạng cổ tức 5% hàng năm.
Ở hầu hết các quốc gia, thu nhập kiếm được bị chính phủ đánh thuế. Doanh thu được tạo ra bởi thuế thu nhập sẽ tài trợ cho các hành động và chương trình của chính phủ.
3. Sự khác nhau giữa lương và thu nhập:
Theo quy định tại Điều 90
“Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”
Tiền lương được hiểu là số tiền mà người lao động được người sử dụng lao động của họ thanh toán lại, tương ứng với số lượng và chất lương lao động mà họ đã tiêu hao trong quá trình tạo ra của cải, vật chất.
Tiền lương và thu nhập khác nhau ở bản chất:
Tiền công là một biểu hiện, một tên gọi khác của tiền lương. Tiền công gắn trực tiếp hơn với các quan hệ thỏa thuận mua bán sức lao động và thường được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các hợp đồng dân sự thuê mướn lao động có thời hạn. Khái niệm tiền công được sử dụng phổ biến trong những thỏa thuận thuê nhân công trên thị trường tự do và có thể gọi là giá công lao động. (Ở Việt nam, trên thị trường tự do thuật ngữ “tiền công” thường được dùng để trả công cho lao động chân tay, còn “thù lao” dùng chỉ việc trả công cho lao động trí óc).
Trong cơ chế thị trường với sự hoạt động của thị trường sức lao sức lao động trở thành hàng hóa, loại hàng hóa đặc biệt. Giá cả sức lao động chính là tiền lương, tiền công. Từ những khái niệm và nhận thức về tiền lương nêu trên có thể rút ra được là về bản chất, tiền lương trong cơ chế thị trường bao gồm:
– Tiền lương là giá cả sức lao động, hay biểu hiện bằng tiền của giá trị lao động mà người sử dụng lao động trả cho người lao động.
– Tiền lương phụ thuộc vào quan hệ cung – cầu lao động trên thị trường lao động, nhưng không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu đủ sống do luật pháp quy định.
– Tiền lương được xác định thông qua cơ chế thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ lao động.
Đối với Thu nhập:
Về bản chất, các khoản thu nhập là các khoản tiền bổ sung vào tiền lương nhằm quán triệt hơn nguyên tắc phân phối thu nhập của người lao động và nhằm khuyến khích người lao động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm nguyên, vật liệu trong quá trình sản xuất. Cùng với tiền lương, các khoản thu nhập ngoài lương góp phần thỏa mãn nhu cầu vật chất cho người lao động và phân định rõ chất lượng công việc của người lao động đóng góp cho công ty hoặc tổ chức.
Như vậy, tiền lương và thu nhập là hai khái niệm khác nhau, mặc dù có vẻ tương đương. Đây là những khái niệm rất khác nhau về nội dung và hình thức nhưng lại bổ sung gắn kết cho nhau. Trong thu nhập có một phần là tiền lương, và tiền lương là một phần của thu nhập.
4. Vai trò của thu nhập:
Thứ nhất, các khoản thu nhập góp phần thực hiện đầy đủ hơn nguyên tắc phân phối theo lao động vì nó phản ánh nguyên tắc cơ bản của phân phối lao động.
Thứ hai, nó là đòn bẩy để phát triển kinh tế. Bởi lẽ, việc thực hiện đầy đủ các hình thức và chế độ thu nhập ngoài lương thể hiện sự đãi ngộ thỏa đáng của công ty với người lao động vì vậy sẽ khuyến khích họ trong công việc. Khi mà tất cả các doanh nghiệp cùng nâng cao sản xuất, kinh tế của quốc gia sẽ phát triển.
Thứ ba, các khoản thu nhập khác ngoài lương thúc đẩy người lao động thực hiện tốt mục tiêu của doanh nghiệp đề ra. Khi xây dựng phương án thưởng, phạt doanh nghiệp có thể đề ra các mục tiêu phát triển công ty để lao động có động lực làm việc, phấn đấu hoàn thành.
Thứ tư, các khoản thu nhập khác ngoài lương mà cụ thể là từ hệ thống an sinh xã hội (bao gồm các khoản trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, bảo hiểm xã hội,…) giúp người lao động yên tâm công tác, nhờ đó mà năng suất lao động sẽ ổn định và tăng lên. Bởi lẽ, người lao động biết rằng, cuộc sống của họ được bảo đảm khỏi những rủi ro thông qua hệ thống an sinh xã hội mà doanh nghiệp đang đóng phí chi trả cho người lao động để họ được tham gia vào hệ thống. Hệ thống an sinh xã hội sẽ góp phần thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi người lao động bị ốm đau, mất việc làm, mất khả năng lao động hoặc chết. Hệ thống an sinh xã hội đáp ứng những nhu cầu thiết thực nhất của con người và góp phần ổn định đời sống người lao động. Trong đời sống xã hội, con người luôn phải đối mặt với những rủi ro, đặc biệt là những rủi ro từ cơ chế thị trường và các rủi ro từ thiên nhiên như thiên tai, mất mùa, dịch bệnh… Để phòng ngừa, khắc phục các rủi ro này, con người có nhu cầu được đáp ứng về mặt an sinh xã hội. Hệ thống an sinh xã hội càng tỏ rõ vai trò của mình khi nền kinh tế, xã hội phát triển, nhu cầu về an sinh xã hội cũng tăng lên và đa dạng hơn như: nhu cầu về bảo hiểm xã hội, an toàn việc làm và tiền lương đủ sống; nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nước sạch, kế hoạch hóa gia đình…), nhu cầu trợ giúp thường xuyên đối với các đối tượng yếu thế (người già cô đơn, không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật,…), nhu cầu cứu trợ đột xuất như đau ốm, mất mùa, thiên tai… Chính bởi vậy, an sinh xã hội góp phần bảo đảm an toàn, ổn định cho toàn bộ nền kinh tế, xã hội.
5. Vai trò của lương:
Tiền lương là một bộ phận của thu nhập quốc dân được Nhà nước phân phối cho người lao động, nó chịu ảnh hưởng của một loạt nhân tố: Trình độ phát triển sản xuất, quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng trong từng thời kỳ và chính sách của Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị trong thời kỳ đó. Như vậy tiền lương của người lao động còn phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, xã hội của Đất nước. Nếu điều kiện kinh tế phát triển cùng với tiến bộ khoa học kỹ thuật thì năng suất lao động tăng lên, đồng nghĩa với việc tiền lương và thu nhập của người lao động cũng tăng. Từ đó, người lao động càng có thêm động lực để không ngừng phấn đấu, cải thiện và bổ sung các kỹ năng cần thiết, phát huy tốt hơn nguồn lực con người – nhân tố chủ đạo đảm bảo phát triển bền vững.
Tiền lương và thu nhập có mối quan hệ mật thiết và tác động đa chiều với tăng trưởng kinh tế, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tiền lương có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả và trung thực. Chính sách tiền lương có ý nghĩa kinh tế-xã hội quan trọng. Tăng lương hợp lý có thể coi là biện pháp kích cầu lành mạnh.
Tiền lương và thu nhập không phải là động lực duy nhất để người lao động yên tâm cống hiến, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Bên cạnh đó còn cần có các động lực khuyến khích khác như: sự công khai, công bằng trong chính sách lương và thu nhập, tránh trốn thuế thu nhập cá nhân, tránh tham nhũng, và phải có những trợ cấp ngoài lương không thể hiện bằng tiền. Thu nhập của người lao động nếu tiền tệ hóa thì sẽ là con số khá lớn, ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong khi chúng ta cần giảm chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh. Do vậy, các hình thức khác nhằm gia tăng thu nhập thực tế của người lao động giữ vai trò không kém phần quan trọng để cùng với lương và thu nhập hỗ trợ người lao động duy trì và cải thiện cuộc sống một cách bền vững.