Một trong những hình thức thể hiện quyền lực nhà nước của Nhà nước đó chính là việc thu ngân sách nhà nước. Mục đích của hoạt động này là để hình thành quỹ ngân sách Nhà nước nhằm thỏa mãn các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Vậy thu ngân sách nhà nước là gì? Bản chất, nội dung và vai trò?
Mục lục bài viết
1. Thu ngân sách Nhà nước là gì?
Trước hết, chúng ta cần hiểu ngân sách nhà nước, căn cứ vào Luật ngân sách nhà nước năm 2015 định nghĩa, ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Qũy ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản tiền của Nhà nước, kể cả tiền vay có trên tài khoản của ngân sách nhà nước các cấp tại một thời điểm.
Thu ngân sách Nhà nước là việc Nhà nước dùng quyền lực của mình để tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia hình thành quĩ ngân sách Nhà nước nhằm thỏa mãn các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước là nội dung các khoản thu ngân sách Nhà nước và tỉ trọng từng khoản thu trong tổng thu ngân sách Nhà nước.
– Thu ngân sách nhà nước bao gồm:
+ Toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí;
+ Toàn bộ các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
+ Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương;
+ Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước là quan các cấp nguồn thu sau:
– Ngân sách trung ương, ngân sách mỗi cấp chính quyền địa phương được phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể.
– Ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia, hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách và hỗ trợ các địa phương theo quy định.
– Ngân sách địa phương được phân cấp nguồn thu bảo đảm chủ động thực hiện những nhiệm vụ chi được giao. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách ở địa phương phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và trình độ quản lý của mỗi cấp trên địa bàn.
2. Bản chất của thu ngân sách nhà nước:
– Thu ngân sách Nhà nước phản ánh các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình phân chia các nguồn tài chính quốc gia giữa Nhà nước với các chủ thể trong xã hội.
Chúng ta biết rằng, nguồn tài chính được tập trung vào ngân sách Nhà nước chính là một phần thu nhập của các tầng lớp dân cư được chuyển giao cho Nhà nước. Do vậy, việc xác định các khoản thu phải trên cơ sở giải quyết hài hoà giữa lợi ích Nhà nước với lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
– Thu ngân sách Nhà nước trước hết và chủ yếu gắn liền với các hoạt động kinh tế trong xã hội.
Mức độ phát triển kinh tế, tỉ lệ tăng trưởng GDP hàng năm là tiền đề và là yếu tố khách quan hình thành nên các khoản thu ngân sách Nhà nước và quyết định mức độ động viên các khoản thu của ngân sách Nhà nước.
– Về mặt nội dung, thu ngân sách Nhà nước chứa đựng các quan hệ phân phối dưới hình thức giá trị nảy sinh trong quá trình Nhà nước dùng quyền lực tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia hình thành quĩ tiền tệ tập trung của Nhà nước
Thu ngân sách nhà nước tiếng Anh là State budget collection
3. Nội dung và vai trò của thu ngân sách Nhà nước:
3.1. Nội dung thu ngân sách Nhà nước:
Căn cứ vào nguồn phát sinh các khoản thu
Thu ngân sách Nhà nước được chia thành thu trong nước và thu từ nước ngoài.
Trong đó nguồn thu từ trong nước chiếm tỉ trọng lớn và đóng vai trò rất quan trọng đối với tổng thu ngân sách Nhà nước.
Thu từ nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng tuy nhiên chiếm tỉ trọng không lớn và không phải quyết định.
Căn cứ vào tính chất phát sinh và nội dung kinh tế
Thu ngân sách Nhà nước bao gồm:
– Thu thường xuyên là các khoản thu phát sinh tương đối đều đặn, ổn định về mặt thời gian và số lượng gồm thuế, phí, lệ phí. Trong đó:
+ Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc của các tổ chức, cá nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật qui định, không mang tính chất hoàn trả trực tiếp, nhằm trang trải các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước.
+ Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ (được qui định trong danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí).
+ Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức được uỷ quyền phục vụ công việc quản lí Nhà nước (được qui định trong danh mục lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí).
– Thu không thường xuyên là những khoản thu không ổn định về mặt thời gian phát sinh cũng như số lượng tiền thu được, bao gồm:
+ Các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước
+ Thu từ hoạt động sự nghiệp
+ Thu tiền bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu Nhà nước
+ Thu từ viện trợ nước ngoài, từ vay trong nước và ngoài nước và các khoản thu khác.
Qua cách phân loại này để thấy rõ sự phát triển của nền kinh tế, tính hiệu quả của nền kinh tế và mức độ ổn định vững chắc của nguồn thu ngân sách.
Căn cứ vào yêu cầu động viên vốn vào ngân sách Nhà nước
(1) Thu trong cân đối ngân sách Nhà nước
Bao gồm các khoản thu:
– Thuế, phí, lệ phí
– Thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước, bao gồm: thu nhập từ vốn góp của Nhà nước vào các cơ sở kinh tế, tiền thu hồi vốn của Nhà nước tại các cơ sở kinh tế, thu hồi tiền cho vay của Nhà nước (cả lãi và gốc)
– Thu từ hoạt động sự nghiệp
– Thu tiền bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu Nhà nước;
– Các khoản thu khác theo luật định
Trong các khoản thu nói trên thì thuế là nguồn thu chủ yếu, chiếm một tỉ trọng lớn trong tổng thu của ngân sách Nhà nước.
(2) Thu bù đắp thiếu hụt
Khi số thu ngân sách Nhà nước không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu và Nhà nước phải đi vay, bao gồm vay trong nước từ các tầng lớp dân cư, các tổ chức kinh tế – xã hội, vay từ nước ngoài…
Cách phân loại này cho phép đánh giá sự lành mạnh của ngân sách Nhà nước và rất có ý nghĩa trong tổ chức điều hành ngân sách Nhà nước.
Để thực hiện được việc phân tích, nghiên cứu và đảm bảo tính hiệu quả của các khoản thu, cũng như nâng cao hiệu quả thu ngân sách Nhà nước ngoài việc phân định các khoản thu và lập dự toán phù hợp.
3.2. Vai trò thu ngân sách Nhà nước:
Liên quan đến sự vận hành của nền kinh tế nhà nước và sự phát triển xã hội nên thu ngân sách nhà nước nắm vai trò quan trọng và cụ thể như sau:
- Thu ngân sách nhà nước nắm vai trò đảm bảo được những kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và luôn luôn đáp ứng những nhu cầu chi tiêu của một số hoạt động trong bộ máy nhà nước. Để mà nói thì ngân sách nhà nước là một trong quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất nhằm giải quyết được những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội, giáo dục, văn hóa, hành chính, an ninh, quốc phòng và y tế… Với những nhu cầu cần thiết này nắm những vai trò tăng thu ngân sách quốc gia nhằm thúc đẩy sự phát triển ngân sách đảm bảo phát triển quốc gia.
- Thông qua quá trình thu ngân sách nhà nước thì những điều tiết kinh tế và xã hội sẽ được hạn chế và tăng cường những mặt tích cực giúp tăng trưởng sự phát triển mọi hoạt động hiệu quả và quá trình kiểm soát. Để từ đó có thể điều tiết được mọi cơ cấu hoạt động kinh tế và có những định hướng chung.
- Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng để điều tiết được những thu nhập cá nhân thông qua quá trình đóng thuế. Đây cũng là phương pháp giảm khoảng cách giàu nghèo tạo điều kiện ổn định kinh tế và đời sống những người có thu nhập thấp.
Ngoài ra, thu ngân sách nhà nước có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Nhà nước và nền kinh tế – xã hội, cụ thể là:
– Thu NSNN bảo đảm nguồn vốn để thực hiện các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước. Vì NSNN được xem là quỹ tiền tệ tập trung quan trọng nhất của Nhà nước và được dùng để giải quyết nhung nhu cầu chung của Nhà nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, hành chính, an ninh và quốc phòng.
Xuất phát từ vai trò này, việc tăng thu NSNN là rất cần thiết, được xem là một nhiệm vụ hàng đầu của hoạt động tài chính vĩ mô.
Các khoản thu của NSNN chủ yếu bắt nguồn từ khu vực sản xuất kinh doanh dịch vụ dưới hình thức thuế. Do vậy, về lâu dài để tăng nguồn thu NSNN phải tăng sản phẩm quốc dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
– Thông qua thu NSNN, Nhà nước thực hiện việc quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế – xã hội nhằm hạn chế những mặt khuyết tật, phát huy những mặt tích cực của nó và làm cho nó hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Với công cụ thuế, Nhà nước có thể can thiệp vào hoạt động của nền kinh tế nhằm định hướng cơ cấu kinh tế, định hướng tiêu dùng. Ví dụ, đối với các ngành nghề cần ưu tiên phát triển thì Nhà nước sẽ có chế độ thuế ưu đãi, giảm nhẹ hoặc miễn thuế và ngược lại. Hoặc để định hướng tiêu dùng cho toàn xã hội theo hướng kích cầu hay hạn chế cầu tiêu dùng thì Nhà nước sẽ giảm thuế hoặc đánh thuế cao đối với loại hàng hóa đó.
– Thu NSNN còn đóng vai trò quan trọng trong vấn đề điều tiết thu nhập của các cá nhân trong xã hội. Thông qua công cụ thuế, Nhà nước đánh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hoặc đánh thuế cao đối với các hàng hóa xa xỉ, hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng…
Như vậy, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính quốc gia cũng như có vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.