Để các cơ sở khám chữa bệnh Bộ Quốc phòng được hoạt động theo đúng quy định của pháp luật thì cơ sở đó phải được cấp giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp. Vậy thu hồi Giấy phép cơ sở khám chữa bệnh Bộ Quốc phòng được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thu hồi Giấy phép cơ sở khám chữa bệnh Bộ Quốc phòng:
1.1. Những trường hợp bị thu hồi Giấy phép cơ sở khám chữa bệnh Bộ Quốc phòng:
Căn cứ Điều 27 Nghị định 50/2019/NĐ-CP cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong Quân đội và Điều 56 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì những trường hợp bị thu hồi Giấy phép cơ sở khám chữa bệnh Bộ Quốc phòng bao gồm có:
– Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động không đúng với quy định;
– Giả mạo các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động;
– Giấy phép hoạt động đã được cấp không đúng thẩm quyền;
– Giấy phép hoạt động có sai sót về thông tin;
– Cấp sai về hình thức tổ chức, phạm vi hoạt động chuyên môn;
– Sau 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hoạt động;
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạm dừng hoạt động từ 24 tháng liên tục trở lên hoặc là chấm dứt hoạt động;
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ toàn bộ hoạt động khi đã hết thời hạn đình chỉ mà không hoàn thành về việc khắc phục đầy đủ các nội dung yêu cầu tại văn bản đình chỉ;
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm duy trì đầy đủ những điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cấp mới giấy phép hoạt động.
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tự đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động.
1.2. Thủ tục thu hồi Giấy phép cơ sở khám chữa bệnh Bộ Quốc phòng:
Căn cứ Điều 27 Nghị định 50/2019/NĐ-CP cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong Quân đội thì thủ tục thu hồi Giấy phép cơ sở khám chữa bệnh Bộ Quốc phòng được thực hiện như sau:
– Bộ Quốc phòng ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động (quyết định được thực hiện theo mẫu quy định ở tại Mẫu số 03 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 50/2019/NĐ-CP);
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy phép hoạt động, khi đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nộp bản gốc của giấy phép hoạt động về Phòng/Ban quân y cấp trên trực tiếp để chuyển đến cho Phòng/Ban quân y cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng. Sau đó Phòng/Ban quân y cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng gửi về Cục Quân y;
– Bộ Quốc phòng thông báo bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Y tế nơi mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày mà quyết định thu hồi giấy phép hoạt động và đăng tải thông tin về việc thu hồi giấy phép hoạt động lên trên cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.
2. Những điều kiện phải duy trì để không bị thu hồi Giấy phép cơ sở khám chữa bệnh Bộ Quốc phòng:
Như đã nói ở mục trên, một trong các trường hợp bị thu hồi Giấy phép cơ sở khám chữa bệnh Bộ Quốc phòng đó chính là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm duy trì đầy đủ những điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cấp mới giấy phép hoạt động, theo đó, những điều kiện phải duy trì để không bị thu hồi Giấy phép cơ sở khám chữa bệnh Bộ Quốc phòng bao gồm có:
2.1. Các điều kiện chung:
– Về cơ sở vật chất:
+ Có địa điểm cố định (trừ trường hợp là tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động);
+ Bảo đảm những điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;
+ Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp là không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.
– Các trang thiết bị y tế:
+ Đáp ứng những quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị y tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành;
+ Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua những phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, không bắt buộc là phải có trang thiết bị y tế quy định nêu trên nhưng phải có đủ về những phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký.
– Về nhân lực:
+ Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật;
+ Trưởng các khoa chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bác sỹ đã có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của khoa chuyên môn đó;
+ Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đối tượng khác mà làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì buộc phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh ở trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, căn cứ văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và căn cứ năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ phải phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản;
+ Kỹ thuật viên xét nghiệm phải có trình độ đại học, được đọc và ký kết quả xét nghiệm. Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm hoặc là kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học thì bác sỹ chỉ định xét nghiệm đọc và ký kết quả xét nghiệm;
+ Cử nhân X – quang phải có trình độ đại học, được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán. Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có những bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc là bác sỹ X – quang thì bác sỹ chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đọc và ký kết quả chẩn đoán hình ảnh;
+ Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng mà không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo những quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ được phép thực hiện các hoạt động theo như phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (như kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và những đối tượng khác), việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.
– Về phạm vi hoạt động chuyên môn:
+ Thực hiện những kỹ thuật chuyên môn theo danh mục do Bộ Quốc phòng quyết định;
+ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe phải có đủ những bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực và thiết bị y tế cần thiết để thực hiện khám, phát hiện được tình trạng sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe và mẫu phiếu khám sức khỏe đã được ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn khám sức khỏe theo quy định của pháp luật;
+ Các dịch vụ thẩm mỹ mà có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi về màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của những bộ phận trên cơ thể (như da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và những bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê ở dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện được những kỹ thuật chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ được Bộ Quốc phòng quyết định.
2.2. Điều kiện đối với bệnh viện:
– Quy mô sẽ phải có ít nhất là 30 giường bệnh.
– Về cơ sở vật chất:
+ Bố trí các bộ phận bảo đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín ở trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện;
+ Bảo đảm diện tích sàn xây dựng ít nhất là 50 m2/giường bệnh trở lên; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) của bệnh viện phải đạt ít nhất là 10 m;
+ Phải có máy phát điện dự phòng;
+ Bảo đảm những điều kiện về xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật về môi trường.
– Thiết bị y tế: Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu ở trong và ngoài bệnh viện.
– Về tổ chức các khoa:
+ Có ít nhất 02 trong 04 khoa nội, ngoại, sản, nhi đối với bệnh viện đa khoa hoặc là một khoa lâm sàng phù hợp đối với bệnh viện chuyên khoa;
+ Khoa khám bệnh: Có nơi tiếp đón những người bệnh, phòng cấp cứu, lưu bệnh, phòng khám, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu);
+ Khoa cận lâm sàng: Phải có ít nhất một phòng xét nghiệm và một phòng chẩn đoán hình ảnh;
+ Phải có Khoa dược;
+ Các khoa, phòng chuyên môn khác sẽ phải phù hợp với quy mô, chức năng nhiệm vụ;
+ Có các phòng, bộ phận để thực hiện những chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, quản lý chất lượng, điều dưỡng, tài chính kế toán và những chức năng cần thiết khác.
– Về nhân sự:
+ Số lượng người hành nghề làm việc toàn thời gian trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% ở trên tổng số người hành nghề trong khoa;
+ Trưởng các khoa chuyên môn phải là một người hành nghề làm việc toàn thời gian tại bệnh viện;
+ Trưởng khoa khác không thuộc đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề sẽ phải có bằng tốt nghiệp đại học với chuyên ngành phù hợp với công việc được giao và phải là một người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 50/2019/NĐ-CP cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong Quân đội.
– Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.