Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành ngày 04/03/2022, có hiệu lực từ ngày 19/04/2022. Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh và bổ sung các quy định liên quan đến mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.
Mục lục bài viết
- 1 1. Tóm tắt nội dung Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ngày 04/03/2022:
- 2 2. Thuộc tính văn bản Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ngày 04/03/2022:
- 3 3. Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ngày 04/03/2022 có còn hiệu lực không?
- 4 4. Các văn bản có liên quan đến Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ngày 04/03/2022:
- 5 5. Toàn văn nội dung Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ngày 04/03/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
1. Tóm tắt nội dung Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ngày 04/03/2022:
Mục đích của Thông tư
- Hoàn thiện khung pháp lý: Thông tư này nhằm mục tiêu hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về quản lý, đánh giá và đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên, đặc biệt là tại các trường cao đẳng sư phạm công lập và các cơ sở giáo dục đại học công lập.
- Đơn giản hóa thủ tục: Thông tư có những điều chỉnh nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho viên chức giảng dạy trong quá trình xét thăng hạng, bổ nhiệm.
- Nâng cao hiệu quả công tác: Thông qua việc điều chỉnh các tiêu chuẩn, thông tư góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên.
Nội dung chính của Thông tư
- Sửa đổi, bổ sung các quy định: Thông tư này tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT, nhằm phù hợp hơn với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục.
- Điều chỉnh tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp: Thông tư có những điều chỉnh về tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại chức danh nghề nghiệp, giảm bớt một số yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giảng viên nâng cao trình độ.
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Thông tư rút gọn một số thủ tục hành chính liên quan đến bổ nhiệm, xếp lương, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở giáo dục trong việc quản lý đội ngũ giảng viên.
Ý nghĩa của Thông tư
- Tạo môi trường làm việc thuận lợi: Thông tư góp phần tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển của đội ngũ giảng viên.
- Nâng cao chất lượng giáo dục: Thông qua việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, thông tư góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục.
- Đảm bảo công bằng: Thông tư hướng tới việc đảm bảo tính công bằng trong việc đánh giá, xếp lương và bổ nhiệm đối với viên chức giảng dạy.
Tóm lại: Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành ngày 04/03/2022, có hiệu lực từ ngày 19/04/2022. Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh và bổ sung các quy định liên quan đến mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.
2. Thuộc tính văn bản Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ngày 04/03/2022:
Số hiệu: | 04/2022/TT-BGDĐT |
Nơi ban hành: | Bộ Giáo dục và đào tạo |
Ngày ban hành: | 04/03/2022 |
Ngày công báo: | 20/03/2022 |
Người ký: | Phạm Ngọc Thưởng |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày hiệu lực: | 19/04/2022 |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
3. Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ngày 04/03/2022 có còn hiệu lực không?
Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành ngày 04/03/2022, có hiệu lực từ ngày 19/04/2022. Hiện văn bản vẫn đang có hiệu lực thi hành.
4. Các văn bản có liên quan đến Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ngày 04/03/2022:
Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
5. Toàn văn nội dung Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ngày 04/03/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 04/2022/TT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2022 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 35/2020/TT-BGDĐT NGÀY 01 THÁNG 10 NĂM 2020 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUY ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP, BỔ NHIỆM VÀ XẾP LƯƠNG ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC GIẢNG DẠY TRONG CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM CÔNG LẬP; THÔNG TƯ SỐ 40/2020/TT-BGDĐT NGÀY 26 THÁNG 10 NĂM 2020 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUY ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP, BỔ NHIỆM VÀ XẾP LƯƠNG ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC GIẢNG DẠY TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CÔNG LẬP
Căn cứ
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ tại Công văn số 146/BNV-CCVC ngày 12 tháng 01 năm 2022;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập; Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập
1. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 4, điểm c khoản 2 Điều 5, điểm c khoản 2 Điều 6 như sau:
“c) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm.”
2. Bổ sung Điều 10a sau Điều 10 như sau:
“Điều 10a. Quy định chuyển tiếp
1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập theo quy định của pháp luật từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được xác định là đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập quy định tại Thông tư này tương ứng với chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm.
2. Viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập hoặc trong các cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm; đồng thời được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm quy định tại Thông tư này.”
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập
1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 5, điểm b khoản 2 Điều 6, điểm b khoản 2 Điều 7 như sau:
“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.”
2. Bổ sung Điều 11a sau Điều 11 như sau:
“Điều 11a. Quy định chuyển tiếp
1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được xác định là đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập quy định tại Thông tư này tương ứng với chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm.
2. Viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học; đồng thời được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học quy định tại Thông tư này.”
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới đó.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 4 năm 2022.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn hoặc xem xét, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Ngọc Thưởng