Thông tư 02/2010/TT-BKHCN hướng dẫn thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THÀNH LẬP VÀ ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09/6/2000;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ngày 24/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ,
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn điều kiện thành lập và thủ tục đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này hướng dẫn điều kiện thành lập và thủ tục đăng ký hoạt động của tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ (sau đây gọi chung là tổ chức khoa học và công nghệ) thuộc mọi thành phần kinh tế.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, bao gồm cả tổ chức nghiên cứu và phát triển có vốn của nước ngoài thành lập vì mục đích phi lợi nhuận và tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ có vốn của nước ngoài.
b) Tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký hoạt động cho tổ chức khoa học và công nghệ.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tổ chức khoa học và công nghệ do cá nhân thành lập: là tổ chức do một người hoặc một số người tự thành lập.
2. Văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ:
a) Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của tổ chức khoa học và công nghệ, có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của tổ chức khoa học và công nghệ và thực hiện bảo vệ các lợi ích đó.
b) Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của tổ chức khoa học và công nghệ, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Lĩnh vực hoạt động của chi nhánh phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.
Văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ không có tư cách pháp nhân.
3. Các loại tổ chức khoa học và công nghệ:
a) Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bao gồm: viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm và các loại khác.
b) Tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ bao gồm: trung tâm, văn phòng và các loại khác.
4. Lĩnh vực đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ: là lĩnh vực được quy định rõ ràng, cụ thể trong quyết định thành lập hoặc điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt, phù hợp với các lĩnh vực khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đó (bao gồm: nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm; sản xuất – kinh doanh các sản phẩm là kết quả nghiên cứu và phát triển; dịch vụ khoa học và công nghệ).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568