Thông tư 84/2008/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008.
THÔNG TƯ
Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành
Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH 12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật quản lý thuế số 78/2006/QH 11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:
Phần A
QUY ĐỊNH CHUNG
I. ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ
Theo quy định tại Điều 2 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 của Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 8/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 100/2008/NĐ-CP), đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân bao gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 của Nghị định số 100/2008/NĐ-CP. Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của đối tượng nộp thuế như sau:
Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
1.1. Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó, ngày đến và ngày đi được tính là 01 (một) ngày. Ngày đến và ngày đi được xác định căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân đó khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.
Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
1.2. Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
1.2.1. Có nơi ở đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú:
a) Đối với công dân Việt Nam: nơi ở đăng ký thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký cư trú theo quy định của Luật cư trú.
b) Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên của người nước ngoài là nơi đăng ký và được ghi trong Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.
1.2.2. Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của hợp đồng thuê từ 90 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:
a) Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở được đăng ký thường trú, hoặc không được cấp Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú theo hướng dẫn nêu trên, nhưng có tổng số ngày thuê nhà theo hợp đồng thuê từ 90 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng thuộc đối tượng là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê ở nhiều nơi.
b) Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,… không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.
2. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 1 nêu trên.
3. Đối tượng nộp thuế trong một số trường hợp cụ thể được xác định như sau:
3.1. Đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh (sau đây gọi là cá nhân kinh doanh)
3.1.1. Trường hợp chỉ có một người đứng tên trong đăng ký kinh doanh thì đối tượng nộp thuế là cá nhân đứng tên trong đăng ký kinh doanh.
3.1.2. Trường hợp nhiều người cùng đứng tên trong đăng ký kinh doanh (nhóm cá nhân kinh doanh), cùng tham gia kinh doanh thì đối tượng nộp thuế được xác định là từng thành viên có tên ghi trong đăng ký kinh doanh.
3.1.3. Trường hợp trong một hộ gia đình có nhiều người cùng tham gia kinh doanh nhưng chỉ có một người đứng tên trong đăng ký kinh doanh thì đối tượng nộp thuế được xác định là người đứng tên trong đăng ký kinh doanh.
3.1.4. Trường hợp cá nhân, hộ gia đình thực tế có kinh doanh nhưng không có đăng ký kinh doanh (hoặc giấy phép hành nghề) thì đối tượng nộp thuế là cá nhân đang thực hiện hoạt động kinh doanh.
3.1.5. Đối với hoạt động cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng không có đăng ký kinh doanh, đối tượng nộp thuế là người đứng tên sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Trường hợp nhiều người cùng đứng tên sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thì đối tượng nộp thuế là từng cá nhân ghi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất.
3.2. Đối với cá nhân có thu nhập chịu thuế khác
3.2.1. Trường hợp chuyển nhượng bất động sản là đồng sở hữu, đối tượng nộp thuế là từng cá nhân đồng sở hữu.
3.2.2. Trường hợp chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng được bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ mà đối tượng chuyển giao, chuyển quyền là đồng sở hữu, đồng tác giả của nhiều cá nhân (nhiều tác giả) thì đối tượng nộp thuế là từng cá nhân có quyền sở hữu, quyền tác giả và hưởng thu nhập từ việc chuyển giao, chuyển quyền nêu trên.
3.2.3. Trường hợp cá nhân nhượng quyền thương mại theo quy định của
4. Đối tượng nộp thuế theo hướng dẫn tại các khoản 1 và 2 mục I nêu trên bao gồm:
4.1. Cá nhân có quốc tịch Việt Nam kể cả cá nhân được cử đi công tác, lao động, học tập ở nước ngoài có thu nhập chịu thuế.
4.2. Cá nhân là người không mang quốc tịch Việt Nam nhưng có thu nhập chịu thuế, bao gồm: người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568