Thông tư 29/2018/NĐ-BLĐTBXH ban hành ngày 25/12/2018, có hiệu lực ngày 01/07/2019, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế.
Mục lục bài viết
- 1 1. Tóm tắt nội dung Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2018 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội:
- 2 2. Thuộc tính Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH:
- 3 3. Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2018 có còn hiệu lực không?
- 4 4. Các văn bản có liên quan đến Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH:
- 5 5. Toàn văn nội dung Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và xã hội:
1. Tóm tắt nội dung Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2018 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội:
Mục đích: Quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Phạm vi điều chỉnh: Áp dụng cho các tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động làm việc trong không gian hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam.
Nội dung chính:
Quy định chung:
+ Không gian hạn chế là không gian kín, bán kín hoặc mở, có thể chứa khí độc, khí dễ cháy, nổ, thiếu oxy, hoặc có các yếu tố nguy hiểm khác gây hại cho sức khỏe, tính mạng của người lao động.
+ Người lao động làm việc trong không gian hạn chế phải được đào tạo, huấn luyện về an toàn lao động và được cấp Giấy chứng nhận đào tạo an toàn lao động theo quy định.
Yêu cầu về an toàn lao động trước khi vào làm việc trong không gian hạn chế:
+ Phải xác định các nguy cơ tiềm ẩn trong không gian hạn chế và có biện pháp khắc phục.
+ Phải đo đạc nồng độ khí độc, khí dễ cháy, nổ, thiếu oxy trong không gian hạn chế và có biện pháp thông gió, cung cấp oxy phù hợp.
+ Phải chuẩn bị trang bị bảo hộ lao động phù hợp cho người lao động.
+ Phải lập quy trình làm việc an toàn trong không gian hạn chế và hướng dẫn cho người lao động.
Yêu cầu về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế:
+ Phải có người giám sát việc làm việc trong không gian hạn chế.
+ Người lao động phải tuân thủ quy trình làm việc an toàn và sử dụng trang bị bảo hộ lao động theo quy định.
+ Phải theo dõi liên tục các yếu tố nguy hiểm trong không gian hạn chế và có biện pháp xử lý kịp thời.
Yêu cầu về an toàn lao động sau khi làm việc trong không gian hạn chế:
+ Phải kiểm tra sức khỏe của người lao động sau khi làm việc trong không gian hạn chế.
+ Phải vệ sinh, khử độc trang bị bảo hộ lao động sau khi sử dụng.
Trách nhiệm:
+ Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế.
+ Người lao động có trách nhiệm tuân thủ các quy định về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế.
Một số lưu ý:
+ Người sử dụng lao động cần xây dựng và ban hành nội quy an toàn lao động phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
+ Người lao động cần được đào tạo, huấn luyện thường xuyên về an toàn lao động, đặc biệt là về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế.
+ Cần trang bị đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động cần thiết cho người lao động khi làm việc trong không gian hạn chế.
Tóm lại: Thông tư 29/2018/NĐ-BLĐTBXH ban hành ngày 25/12/2018, có hiệu lực ngày 01/07/2019, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế.
2. Thuộc tính Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH:
Số hiệu: | 29/2018/TT-BLĐTBXH |
Nơi ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và xã hội |
Ngày ban hành: | 25/12/2018 |
Ngày công báo: | 08/01/2019 |
Người ký: | Lê Tấn Dũng |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày hiệu lực: | 01/07/2019 |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
3. Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2018 có còn hiệu lực không?
Thông tư 29/2018/NĐ-BLĐTBXH ban hành ngày 25/12/2018, có hiệu lực ngày 01/07/2019. Hiện văn bản vẫn đang có hiệu lực thi hành.
4. Các văn bản có liên quan đến Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH:
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01: 2020/BCT về An toàn điện
Thông tư 11/2018/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Công trình tàu điện ngầm do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 34:2018/BLĐTBXH về An toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế
Nghị định 14/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Công văn 944/LĐTBXH-VP năm 2016 về tăng cường thực hiện giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, an toàn lao động, ổn định tình hình lao động, việc làm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
Thông tư 50/2015/TT-BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với Hệ thống lạnh do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
Luật đo lường 2011
5. Toàn văn nội dung Thông tư 29/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và xã hội:
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2018/TT-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2018 |
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG KHI LÀM VIỆC
TRONG KHÔNG GIAN HẠN CHẾ
Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động;
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế.
Điều 1. Tên và ký hiệu Quy chuẩn
Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế.
Ký hiệu: QCVN 34:2018/BLĐTBXH.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Các tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động làm việc trong không gian hạn chế có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Tấn Dũng
QCVN 34:2018/BLĐTBXH
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG KHI LÀM VIỆC TRONG KHÔNG GIAN HẠN CHẾ
National technical regulation on safe work in confined spaces
Lời nói đầu
QCVN 34:2018/BLĐTBXH – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế do Cục An toàn lao động biên soạn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành theo Thông tư số 29/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 12 năm 2018, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG KHI LÀM VIỆC TRONG KHÔNG GIAN HẠN CHẾ
National technical regulation on safe work in confined spaces
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định các yêu cầu về an toàn lao động cho người làm việc trong không gian hạn chế.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với:
1.2.1. Các tổ chức, cá nhân có sử dụng người lao động làm việc trong không gian hạn chế;
1.2.2. Các cơ quan và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
1.3. Giải thích từ ngữ
1.3.1. Không gian hạn chế là không gian có đầy đủ các đặc điểm sau:
1.3.1.1. Đủ lớn để chứa người lao động làm việc;
1.3.1.2. Về cơ bản không được thiết kế cho người vào làm việc thường xuyên;
1.3.1.3. Có một hoặc nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại quy định tại mục 1.3.2 Quy chuẩn này;
1.3.1.4. Có một trong các hạn chế hoặc kết hợp các hạn chế sau:
– Hạn chế không gian, vị trí làm việc;
– Hạn chế việc trao đổi không khí với môi trường bên ngoài;
– Hạn chế lối vào, lối ra bởi vị trí hoặc kích thước (không thuận lợi cho việc thoát hiểm);
1.3.2. Các yếu tố nguy hiểm, có hại trong không gian hạn chế là những yếu tố có thể gây ra chết người, thương tích, mệt mỏi, suy nhược, bệnh nghề nghiệp (cấp tính hoặc mãn tính) cho con người nếu vào bên trong không gian hạn chế đó, bao gồm:
– Hàm lượng oxy trong không khí không đủ để cung cấp cho người vào làm việc bên trong (nhỏ hơn 19,5% so với thể tích bên trong không gian hạn chế);
– Không khí có chứa chất độc hoặc chất nguy hiểm có thể xâm nhập qua hệ hô hấp của con người (chất độc và chất nguy hiểm ở dạng khí, hơi hoặc bụi);
– Hóa chất có khả năng gây ra phơi nhiễm hóa chất do tiếp xúc qua da;
– Các chất dễ cháy nổ có thể tồn tại ở dạng rắn, lỏng, bụi, hơi hoặc khí nếu gặp nguồn nhiệt có thể gây cháy, nổ;
– Các dòng vật chất không mong muốn từ bên ngoài (rắn, bột, lỏng, khí, hơi) chảy vào không gian hạn chế nơi có người đang ở bên trong, do biện pháp ngăn cách, cô lập không đảm bảo;
– Tiếng ồn vượt quá ngưỡng cho phép;
– Các bộ phận chuyển động và các vật có thể rơi gây va đập, thương tích cho người bên trong không gian hạn chế;
– Bức xạ tử ngoại;
– Bức xạ tia X;
– Bức xạ ion hóa;
– Các phần tử mang điện, nguồn điện thiếu kiểm soát dẫn đến điện giật;
– Khả năng nhìn của người lao động bị hạn chế;
– Biến dạng không gian gây mất an toàn;
– Vi sinh vật có hại.
1.3.3. Người giám sát, chỉ huy thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế là người được người sử dụng lao động ủy quyền quản lý người lao động thực hiện công việc liên quan tới không gian hạn chế (sau đây gọi là người giám sát, chỉ huy).
1.3.4. Người cấp phép là người được người sử dụng dung lao động bổ nhiệm để thực hiện trách nhiệm cấp giấy phép thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế (hoặc một loại giấy tờ có giá trị tương đương). Người cấp phép phải là người có trình độ, kinh nghiệm an toàn, vệ sinh lao động về dây truyền sản xuất, máy, thiết bị tại cơ sở sản xuất, nơi có các không gian hạn chế.
1.3.5. Người vào trong không gian hạn chế: là người được phép đi vào làm việc trực tiếp hoặc giám sát công việc trong không gian hạn chế.
1.3.6. Người canh gác không gian hạn chế: là người được phân công nhiệm vụ đứng bên ngoài và gần lối ra vào của không gian hạn chế để theo dõi, giám sát, giúp đỡ người vào trong không gian hạn chế.
1.3.7. Người đo, kiểm tra khí trong không gian hạn chế: là người được phép tiến hành đo, kiểm tra hàm lượng khí Oxy, các loại khí độc, khí cháy nổ trong không gian hạn chế để đảm bảo các khí đó trong giới hạn an toàn trước và trong quá trình người lao động vào làm việc trong không gian hạn chế đó.
2. Quy định chung
2.1. Trách nhiệm
2.1.1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động.
– Bổ nhiệm người cấp phép, ủy quyền người cấp phép, đình chỉ công việc khi không thực hiện đúng quy định về giấy phép thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế hoặc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
– Cử người đo, kiểm tra khí đối với không gian hạn chế có nguy cơ thiếu dưỡng khí hoặc có hơi, khí độc, khi cháy, nổ.
– Quy định về năng lực, tiêu chuẩn tối thiểu đối với các vị trí: người vào không gian hạn chế, người canh gác không gian hạn chế, người đo, kiểm tra khí trong không gian hạn chế, người giám sát, chỉ huy, người cấp phép.
– Chịu trách nhiệm ban hành quy trình an toàn, vệ sinh lao động khi thực hiện công việc liên quan không gian hạn chế và quy trình kiểm soát công việc khác nếu có để đảm bảo an toàn cho người khi vào làm việc trong không gian hạn chế.
– Đảm bảo người giám sát, chỉ huy, người cấp phép, người vào trong không gian hạn chế, người canh gác không gian hạn chế phải được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại mục 4.2 Quy chuẩn này.
2.1.2. Trách nhiệm của người giám sát, chỉ huy.
– Trước khi triển khai công việc liên quan đến không gian hạn chế, dự kiến người làm việc trong không gian hạn chế, người canh gác không gian hạn chế, biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động làm việc trong không gian hạn chế để đề nghị cấp giấy phép thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế;
– Chỉ huy, điều hành thực hiện công việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
2.1.3. Trách nhiệm của người cấp phép
– Căn cứ quy định về an toàn, vệ sinh lao động, quy trình an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở, năng lực, tiêu chuẩn các cá nhân liên quan để cấp giấy phép thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế;
– Giám sát việc thực hiện quy định về giấy phép thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế.
2.1.4. Trách nhiệm của người vào trong không gian hạn chế
– Tuân thủ các quy định nêu tại Quy chuẩn này, các quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, và các yêu cầu nêu tại quy trình an toàn, vệ sinh lao động khi thực hiện công việc liên quan không gian hạn chế
– Tuân thủ sự điều hành của người giám sát, chỉ huy.
– Tuân thủ hướng dẫn của người canh gác không gian hạn chế.
– Thông báo cho người canh gác không gian hạn chế, người giám sát, chỉ huy và những người khác có trách nhiệm nếu phát hiện các mối nguy, yếu tố nguy hiểm, rủi ro phát sinh mới trong khi làm việc trong không gian hạn chế.
2.1.5. Trách nhiệm của người canh gác không gian hạn chế
– Có mặt thường xuyên gần vị trí ra vào không gian hạn chế để kiểm soát người vào, ra; ghi nhận các thông tin cá nhân và thời gian vào, ra không gian hạn chế.
– Ngăn chặn, không cho những người không được phép, không có trách nhiệm vào bên trong không gian hạn chế.
– Duy trì liên lạc thường xuyên với những người làm việc bên trong không gian hạn chế và hỗ trợ, ứng cứu khi cần thiết.
– Thông báo cho đội cứu hộ trong trường hợp tình huống nguy hiểm, khẩn cấp xảy ra.
2.1.6. Trách nhiệm của người đo, kiểm tra khí
– Sử dụng phương tiện đo theo đúng quy định của Luật Đo lường.
– Có trách nhiệm kiểm tra thiết bị đo, kiểm tra khí để đảm bảo tính chính xác của kết quả đo.
– Thực hiện việc đo, kiểm tra khí theo đúng quy trình an toàn, vệ sinh lao động cơ sở.
– Ghi rõ thời gian, kết quả và ký xác nhận kết quả đo, kiểm tra khí bên trong không gian hạn chế vào phiếu ghi kết quả đo khí và thông báo kết quả đo khí cho người cấp phép và người giám sát, chỉ huy.
– Báo cáo với người chịu trách nhiệm tại cơ sở nếu phát hiện kết quả đo khí không nằm trong giới hạn an toàn hoặc có nguy cơ, xu hướng vượt ra khỏi giới hạn an toàn.
2.2. Quy định khi vào làm việc và ra khỏi không gian hạn chế
2.2.1. Người sử dụng lao động hoặc người quản lý trực tiếp tại cơ sở sản xuất phải đảm bảo hoàn thành việc đánh giá rủi ro và kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho con người trước khi cấp phép, chấp thuận cho con người vào không gian hạn chế. Nếu kết quả đánh giá rủi ro cho thấy không gian hạn chế có tồn tại nguy cơ ở mức rủi ro cao, có thể gây chết người, thương tích, ngộ độc cho con người khi vào bên trong không gian hạn chế đó thì phải có giải pháp khắc phục các nguy cơ.
2.2.2. Không ai được phép vào bên trong trong không gian hạn chế nếu chưa được cấp phép, chấp thuận bởi người có trách nhiệm tại đơn vị.
2.2.3. Lối vào không gian hạn chế phải gắn biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và cấm người không có nhiệm vụ liên quan. Khi không có người bên trong và người canh gác vắng mặt thì các lối ra vào không gian hạn chế phải được che chắn phù hợp để ngăn không cho người không có thẩm quyền, không được cấp phép vào bên trong không gian hạn chế.
2.2.4. Phải đảm bảo có đầy đủ ánh sáng cho người vào làm việc bên trong không gian hạn chế.
2.2.5. Phải đảm bảo việc thông gió tự nhiên phù hợp hoặc cấp đủ không khí sạch vào không gian hạn chế trước và trong suốt quá trình con người làm việc bên trong; hoặc phải có biện pháp đảm bảo cung cấp dưỡng khí trực tiếp cho từng người lao động trong không gian hạn chế.
Việc thông gió, cung cấp không khí vào không gian hạn chế phải lấy từ một nguồn không khí sạch bên ngoài.
Phải đảm bảo không khí thải từ bên trong không gian hạn chế ra bên ngoài không gây nguy hại cho những người làm việc bên ngoài, xung quanh không gian hạn chế đó.
2.2.6. Không ai được phép vào trong không gian hạn chế khi chưa hoàn thành các biện pháp đảm bảo an toàn.
2.2.7. Dừng công việc trong không gian hạn chế, thu hồi giấy phép
– Khi chất lượng không khí hoặc các yếu tố nguy hiểm, có hại có nguy cơ gây chết người, thương tích, suy nhược, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thì người canh gác không gian hạn chế hoặc những người khác có liên quan phải báo cáo người giám sát, chỉ huy tạm đình chỉ công việc, bảo đảm an toàn cho người vào trong không gian hạn chế và báo ngay cho người chịu trách nhiệm cấp giấy phép.
– Khi được báo cáo, người cấp phép phải cho dừng công việc và thu hồi giấy phép đã cấp cho công việc đó.
2.2.8. Khi công việc trong không gian hạn chế đã hoàn thành thì người giám sát, chỉ huy và người cấp giấy phép cần phải xác nhận hoàn thành công việc để đóng giấy phép.
3. Giấy phép vào làm việc trong không gian hạn chế
3.1. Giấy phép vào không gian hạn chế phải có những nội dung sau:
– Mô tả vị trí và tên, mã số (nếu có) của không gian hạn chế;
– Mô tả công việc sẽ được thực hiện trong không gian hạn chế;
– Họ tên của người giám sát, chỉ huy;
– Họ tên những người làm việc trong không gian hạn chế, người canh gác;
– Họ tên của người chịu trách nhiệm cấp giấy phép, thời gian cấp giấy phép;
– Kết quả đo, kiểm tra không khí trong không gian hạn chế trước khi cấp phép và các yêu cầu bổ sung về tần suất, vị trí đo, kiểm tra không khí trước và trong quá trình thực hiện công việc;
– Thời hạn/ hiệu lực của Giấy phép vào không gian hạn chế;
– Các biện pháp đảm bảo an toàn phải thực hiện trước và duy trì trong quá trình thực hiện công việc trong không gian hạn chế;
– Các nội dung khác phù hợp với yêu cầu của cơ sở sản xuất nơi có không gian hạn chế.
3.2. Giấy phép làm việc trong không gian hạn chế đã được đóng hoặc đã bị thu hồi cần được lưu giữ tại cơ sở sản xuất ít nhất 01 (một) năm.
4. Các quy định khác
4.1. Giới hạn cho phép của không khí trong không gian hạn chế
– Lượng oxy trong không khí chiếm từ 19,5% đến 23,5% tính theo thể tích.
– Hàm lượng của các loại khí dễ cháy trong không gian hạn chế phải ít hơn 10% của giới hạn nổ dưới (Lower Explosive Limit) của khí dễ cháy.
– Hàm lượng của từng chất độc hại trong không khí trong không gian hạn chế không được vượt quá ngưỡng tiếp xúc cho phép.
4.2. Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc liên quan đến không gian hạn chế phải có:
– Các yếu tố nguy hiểm, có hại khi thực hiện công việc liên quan đến không gian hạn chế;
– Các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại;
– Phương án triển khai công việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động;
– Các yêu cầu khác nêu tại quy trình an toàn, vệ sinh lao động khi thực hiện công việc liên quan không gian hạn chế.
4.3. Ứng cứu khẩn cấp
4.3.1. Những người được cử tham gia vào lực lượng ứng cứu trong không gian hạn chế phải được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động với nội dung quy định tại mục 4.2 Quy chuẩn này.
4.3.2. Người sử dụng lao động phải đảm bảo trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ cần thiết cho đội cứu nạn cứu hộ.
5. Thanh tra và xử lý vi phạm
Thanh tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện Quy chuẩn này do thanh tra nhà nước về lao động và thanh tra An toàn, vệ sinh lao động thực hiện.
6. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
6.1. Các tổ chức, cá nhân có sử dụng người lao động làm việc trong không gian hạn chế có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn này.
6.2. Quy chuẩn này là căn cứ để các cơ quan kiểm tra việc chấp hành đảm bảo an toàn cho người lao động khi vào làm việc trong không gian hạn chế.
7. Tổ chức thực hiện
7.1. Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn này.
7.2. Các cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Quy chuẩn này.
7.3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm kịp thời phản ánh với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết./.