Thông tư 190/2015/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHI PHÍ TRONG QUÁ TRÌNH LỰA CHỌN NHÀ THẦU CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ VỐN TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11;
Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây gọi là Nghị định số 63/2014/NĐ-CP);
Căn cứ
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đầu tư;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định về quản lý, sử dụng các khoản chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, bao gồm:
a) Các khoản chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu,
b) Khoản thu từ bán hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu,
c) Khoản chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu,
2. Đối với chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu, chi phí tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và việc quản lý, sử dụng các khoản thu này trong quá trình lựa chọn nhà thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án quản lý các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ (bên mời thầu).
2. Các tổ chức, cá nhân tham gia quá trình dự thầu các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ (bên dự thầu).
3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng, kiểm soát thanh toán, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các khoản chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu của các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.
4. Khuyến khích các gói thầu sử dụng vốn nhà nước ngoài phạm vi điều chỉnh của Thông tư này áp dụng theo quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu
1. Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan quản lý, sử dụng các khoản chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu của các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ phải đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm và có hiệu quả.
2. Việc tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ quy định tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Chi phí trong quá trình lựa chọn
1. Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời nhà thầu sơ tuyển.
2. Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
3. Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển.
4. Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
5. Chi phí đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển.
6. Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.
7. Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.
Điều 5. Căn cứ xác định chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu
1. Quyết định đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án;
2. Quy mô, tính chất và dự toán của gói thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
3. Định mức chi phí lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng;
4. Đối với các gói thầu thuộc các dự án không có cấu phần xây dựng, thiết bị và chưa có định mức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án lập dự toán để xác định mức chi phí trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
>>> Luật sư
Điều 6. Lập dự toán, quản lý, sử dụng các khoản chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu
1. Trường hợp chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trực tiếp thực hiện:
Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án có đủ năng lực được cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép tự tổ chức thực hiện hoặc giao cho tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan mình thực hiện thì việc quản lý, sử dụng, quyết toán chi phí thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.
2. Trường hợp thuê tư vấn đấu thầu để thực hiện một hoặc toàn bộ các công việc:
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và định mức quy định, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện các nội dung công việc. Mức chi trả thực hiện theo Hợp đồng giữa chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn nhưng phải đảm bảo tổng chi phí lựa chọn nhà thầu đã có thuế (bao gồm các chi phí Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tự thực hiện) không vượt quá khoản mục chi phí lựa chọn nhà thầu trong dự toán được duyệt.
Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán chi phí được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư.
Điều 7. Lập dự toán, quản lý, sử dụng khoản thu từ bán hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu
1/ Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, chủ đầu tư quyết định phê duyệt mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu (bao gồm cả thuế) đối với đấu thầu trong nước nhưng tối đa là 2.000.000 đồng đối với hồ sơ mời thầu và 1.000.000 đồng đối với hồ sơ yêu cầu; đối với đấu thầu quốc tế, mức giá bán theo thông lệ đấu thầu quốc tế.
2. Nội dung chi:
Khoản thu từ bán hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu sau khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định được chi cho các nội dung phục vụ tổ chức mở thầu; bao gồm:
a) Chi vật tư văn phòng (văn phòng phẩm; công cụ, dụng cụ văn phòng dùng riêng cho từng lễ mở thầu (nếu có));
b) Chi hội nghị (thuê hội trường trong trường hợp cơ quan, đơn vị không có địa điểm hoặc có nhưng không đáp ứng được số lượng đại biểu tham dự; thuê máy chiếu, trang thiết bị trực tiếp phục vụ hội nghị; nước uống trong cuộc họp; các khoản chi khác như: tiền làm thêm giờ, trang trí hội trường v.v…)
c) Chi thông tin, tuyên truyền, liên lạc (cước phí điện thoại, cước phí bưu chính phục vụ việc gửi biên bản mở thầu cho các nhà thầu tham dự thầu (nếu có));
d) Chi phí khác liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức mở thầu.
3. Mức chi:
Chủ đầu tư, ban quản lý dự án xác định mức chi căn cứ vào:
a) Định mức chi tiêu theo các quy định hiện hành của nhà nước đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị (nếu có);
c) Trong trường hợp chưa có định mức quy định, xác định chi phí trên cơ sở hợp đồng ký kết với đơn vị cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc hóa đơn hợp pháp, hợp lệ.
4. Dự toán thu, chi:
a) Hàng năm, căn cứ kế hoạch nhà nước giao và kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các gói thầu, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án lập dự toán thu, chi tiền thu từ bán hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo nội dung tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này trình Chủ đầu tư phê duyệt. Quyết định phê duyệt dự toán thu, chi theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
b) Đối với các nội dung chi phát sinh trước khi thu được tiền bán hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu: chủ đầu tư, Ban quản lý dự án báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép ứng trước từ nguồn chi phí quản lý dự án để chi, sau khi thu được tiền bán hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì thực hiện hoàn trả.
c) Trong quá trình thực hiện, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án được chủ động điều chỉnh các khoản chi và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh các khoản chi trong phạm vi dự toán năm được duyệt.
5. Quyết toán thu, chi:
a) Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án lập báo cáo quyết toán thu, chi tiền thu từ bán hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mẫu tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này; trình Chủ đầu tư phê duyệt. Quyết định phê duyệt quyết toán thu, chi theo mẫu tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này.
b) Cuối năm, khoản chênh lệch nguồn thu lớn hơn chi, hoặc các khoản chi trong dự toán được duyệt nhưng chưa chi hết phải nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Trường hợp chênh lệch nguồn thu nhỏ hơn chi thì Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng chi phí quản lý dự án để bù đắp.
Điều 8. Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu
1/ Trong trường hợp nhà thầu có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu do người có thẩm quyền giải quyết, chi phí giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu được nhà thầu có kiến nghị nộp cho bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn theo phân cấp quy định tại Khoản 1 Điều 119 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Bộ phận thường trực giúp việc thực hiện các nhiệm vụ về hành chính do Chủ tịch Hội đồng tư vấn quy định, tiếp nhận và quản lý chi phí do nhà thầu có kiến nghị nộp.