Thông tư số 16/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam.
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TÀI KHOẢN NGOẠI TỆ, TÀI KHOẢN ĐỒNG VIỆT NAM CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ, NGƯỜI KHÔNG CƯ TRÚ TẠI NGÂN HÀNG ĐƯỢC PHÉP
Căn cứ
Căn cứ
Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQHH ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18 tháng 3 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối;
Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú người không cư trú tại ngân hàng được phép.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn việc sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ (sau đây gọi là tài khoản ngoại tệ), tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam (sau đây gọi là tài khoản đồng Việt Nam) tại các ngân hàng được phép bao gồm:
a) Tài khoản ngoại tệ của người cư trú, người không cư trú là tổ chức cá nhân;
b) Tài khoản đồng Việt Nam của người không cư trú là tổ chức, cá nhân người cư trú là cá nhân nước ngoài.
2. Việc sử dụng tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau được thực hiện theo các quy định khác có liên quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
a) Tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam để phục vụ cho các giao dịch vốn;
b) Tài khoản chuyên dùng ngoại tệ;
c) Tài khoản đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam.
3. Các nội dung khác liên quan đến tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam được thực hiện theo các quy định có liên quan của pháp luật.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi là ngân hàng được phép).
Ngân hàng được phép, tổ chức tín dụng phi ngân hàng được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi là tổ chức tín dụng được phép).
Người cư trú, người không cư trú là tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng được phép.
Người không cư trú là tổ chức, cá nhân, người cư trú là cá nhân nước ngoài sử dụng tài khoản đồng Việt Nam tại các ngân hàng được phép.
Điều 3. Sử dụng tài khoản ngoại tệ của người cư trú là tổ chức
Người cư trú là tổ chức được sử dụng tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
Thu:
a) Thu ngoại tệ chuyển khoản từ nước ngoài chuyển vào;
b) Thu ngoại tệ chuyển khoản thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ từ tài khoản của người không cư trú là tổ chức mở tại ngân hàng được phép ở trong nước;
c) Nộp lại số ngoại tệ tiền mặt của tổ chức rút ra cho nhân viên đi công tác ở nước ngoài nhưng chi tiêu không hết tại ngân hàng được phép đã rút tiền. Khi nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản, tổ chức xuất trình cho ngân hàng được phép chứng từ liên quan đến việc rút tiền từ tài khoản và Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào. Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu chỉ có giá trị cho tổ chức gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản ngoại tệ trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày nhập cảnh ghi trên Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh;
d) Thu ngoại tệ từ các nguồn thu hợp pháp trong nước, bao gồm:
– Thu từ việc mua ngoại tệ chuyển khoản tại các tổ chức tín dụng được phép;
– Thu ngoại tệ chuyển khoản hoặc nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản đối với các trường hợp được thu ngoại tệ trong nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Chi:
a) Chi bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng được phép;
b) Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối;
c) Chi chuyển đổi ra các loại ngoại tệ khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
d) Chi chuyển đổi ra các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ;
đ) Chi rút ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân làm việc cho tổ chức khi được cử ra nước ngoài công tác;
e) Chi chuyển khoản hoặc rút ngoại tệ tiền mặt để trả lương, thưởng, phụ cấp cho người không cư trú, người cư trú là cá nhân nước ngoài;
g) Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch được phép thanh toán trong nước bằng ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam;
h) Chi chuyển khoản cho các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Điều 4. Sử dụng tài khoản ngoại tệ của người cư trú là cá nhân
Người cư trú là cá nhân được sử dụng tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
Thu:
a) Thu ngoại tệ chuyển khoản từ nước ngoài chuyển vào;
b) Thu ngoại tệ chuyển khoản thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ từ tài khoản của người không cư trú là tổ chức mở tại ngân hàng được phép ở trong nước;
c) Thu ngoại tệ tiền mặt từ nước ngoài mang vào. Ngoại tệ tiền mặt nộp vào tài khoản phải có xác nhận của Hải quan cửa khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối;
d) Thu ngoại tệ từ các nguồn thu hợp pháp trong nước, bao gồm:
– Người cư trú là cá nhân nước ngoài được thu các khoản lương, thưởng phụ cấp, mua ngoại tệ từ nguồn đồng Việt Nam hợp pháp;
– Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Chi:
a) Chi bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng được phép;
b) Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối;
c) Chi chuyển đổi ra các loại ngoại tệ khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
d) Chi chuyển đổi ra các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ;
đ) Chi cho, tặng theo quy định của pháp luật;
e) Chi rút ngoại tệ tiền mặt;
g) Chi chuyển ra nước ngoài đối với người cư trú là cá nhân nước ngoài;
h) Chi chuyển sang gửi tiết kiệm ngoại tệ tại ngân hàng được phép đối với người cư trú là công dân Việt Nam;
i) Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch được phép thanh toán trong nước bằng ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc sử dụng ngoại tệ trên tài khoản để chia thừa kế được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Điều 5. Sử dụng tài khoản ngoại tệ của người không cư trú là tổ chức
Người không cư trú là tổ chức được sử dụng tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
Thu:
a) Thu ngoại tệ chuyển khoản từ nước ngoài chuyển vào;
b) Thu ngoại tệ chuyển khoản từ tài khoản ngoại tệ của người không cư trú khác ở trong nước;
c) Nộp lại số ngoại tệ tiền mặt của tổ chức rút ra cho nhân viên đi công tác ở nước ngoài nhưng chi tiêu không hết tại ngân hàng được phép đã rút tiền. Khi nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản, tổ chức xuất trình cho ngân hàng được phép chứng từ liên quan đến việc rút tiền từ tài khoản và Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào. Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu chỉ có giá trị cho tổ chức gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản ngoại tệ trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày nhập cảnh ghi trên Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh;
d) Thu ngoại tệ từ các nguồn thu hợp pháp trong nước, bao gồm:
– Thu từ việc mua ngoại tệ chuyển khoản tại các tổ chức tín dụng được phép;
– Thu ngoại tệ chuyển khoản hoặc nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản đối với các trường hợp được thu ngoại tệ trong nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Chi:
a) Chi bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng được phép;
b) Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối;
c) Chi chuyển đổi ra các loại ngoại tệ khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
d) Chi chuyển đổi ra các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ;
đ) Chi rút ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân làm việc cho tổ chức khi được cử ra nước ngoài công tác;
e) Chi chuyển khoản hoặc rút tiền mặt để trả lương, thưởng, phụ cấp cho người không cư trú, người cư trú là cá nhân nước ngoài;
g) Chi chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển khoản sang tài khoản ngoại tệ của người không cư trú khác;
h) Chi thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cho người cư trú;
i) Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch được phép thanh toán trong nước bằng ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 6. Sử dụng tài khoản ngoại tệ của người không cư trú là cá nhân
Người không cư trú là cá nhân được sử dụng tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
Thu:
a) Thu ngoại tệ chuyển khoản từ nước ngoài chuyển vào;
b) Thu ngoại tệ tiền mặt từ nước ngoài mang vào. Ngoại tệ tiền mặt nộp vào tài khoản phải có xác nhận của Hải quan cửa khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối;
c) Thu ngoại tệ chuyển khoản từ tài khoản ngoại tệ của người không cư trú khác ở trong nước;
d) Thu ngoại tệ từ các nguồn thu hợp pháp khác trong nước, bao gồm:
– Lương, thưởng, phụ cấp, mua ngoại tệ từ nguồn đồng Việt Nam hợp pháp;
– Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Chi:
a) Chi bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng được phép;
b) Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối;
c) Chi chuyển đổi ra các loại ngoại tệ khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
d) Chi chuyển đổi ra các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ;
đ) Chi cho, tặng theo quy định của pháp luật;
e) Chi rút ngoại tệ tiền mặt;
g) Chi chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển khoản sang tài khoản ngoại tệ của người không cư trú khác;
h) Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch được phép thanh toán trong nước bằng ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc sử dụng ngoại tệ trên tài khoản để chia thừa kế được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Điều 7. Sử dụng tài khoản đồng Việt Nam của người không cư trú là tổ chức, cá nhân và người cư trú là cá nhân nước ngoài
Người không cư trú là tổ chức, cá nhân và người cư trú là cá nhân nước ngoài được sử dụng tài khoản đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
Thu:
a) Thu từ việc bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép;
b) Thu từ các nguồn thu hợp pháp tại Việt Nam, bao gồm:
– Thu chuyển khoản từ việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ;
– Thu nhập từ lương, thưởng, phụ cấp, thu các loại phí;
– Các nguồn thu hợp pháp khác bằng đồng Việt Nam.
Chi:
a) Chi thanh toán hoặc rút tiền mặt để chi tiêu tại Việt Nam;
b) Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối;
c) Chi cho, tặng theo quy định của pháp luật (đối với người không cư trú là cá nhân, người cư trú là cá nhân nước ngoài);
d) Chi mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài;
đ) Chi cho các mục đích khác được pháp luật Việt Nam cho phép.
Việc sử dụng đồng Việt Nam trên tài khoản của người không cư trú là cá nhân, người cư trú là cá nhân nước ngoài để chia thừa kế được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Điều 8. Điều chuyển ngoại tệ, đồng Việt Nam giữa các tài khoản của một chủ tài khoản
Người cư trú, người không cư trú là tổ chức, cá nhân được điều chuyển ngoại tệ chuyển khoản giữa các tài khoản ngoại tệ của chính tổ chức, cá nhân đó mở tại ngân hàng được phép khác nhau hoặc mở trong cùng hệ thống của một ngân hàng được phép, trừ trường hợp người cư trú là tổ chức không được điều chuyển ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc mua bán ngoại tệ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
Người không cư trú là tổ chức, cá nhân và người cư trú là cá nhân nước ngoài được điều chuyển đồng Việt Nam chuyển khoản giữa các tài khoản đồng Việt Nam của chính tổ chức, cá nhân đó mở tại ngân hàng được phép khác nhau hoặc mở trong cùng hệ thống của một ngân hàng được phép.
Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng được phép và người cư trú, người không cư trú là tổ chức, cá nhân
Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm:
a) Thực hiện và hướng dẫn khách hàng thực hiện các quy định tại Thông tư này;
b) Quy định, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và chứng từ phù hợp để đảm bảo các giao dịch thực tế được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định có liên quan của pháp luật.
Tổ chức và cá nhân có liên quan khác có trách nhiệm:
a) Thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư này;
b) Xuất trình các giấy tờ, chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng được phép khi thực hiện các giao dịch ngoại hối và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho tổ chức tín dụng được phép.
Điều 10. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Thông tư này, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2014.
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng được phép chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này.