Khái niệm “thông tin”. Thông tin cá nhân là gì? Quyền bí mật thông tin cá nhân là gì? Khái niệm “bí mật thông tin cá nhân.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm “thông tin”, “thông tin cá nhân”:
Ngày nay, trong đời sống hàng ngày, ở đâu cũng thấy nhắc tới thông tin: thông tin là nguồn lực của sự phát triển; chúng ta đang sống trong thời đại thông tin; một nền công nghiệp thông tin, một xã hội thông tin đang phát triển… Thông tin (information) đã trở thành một khái niệm cơ bản của khoa học, đồng thời cũng là một khái niệm trung tâm của xã hội trong thời hiện đại. Điều đó là bởi mọi quan hệ, mọi hoạt động của con người đều dựa trên một hình thức giao lưu thông tin nào đó. Mọi tri thức đều bắt nguồn bằng một thông tin về những điều đã diễn ra, về những cái người ta đã biết, đã nói, đã làm. Thông tin trở thành đại lượng chi phối bản chất và chất lượng của những mối quan hệ của con người.
Theo quan điểm triết học, thông tin được xem là sự phản ánh của tự nhiên và xã hội (thế giới vật chất) bằng ngôn từ, ký hiệu, hình ảnh… hay nói rộng hơn bằng tất cả các phương tiện tác động lên giác quan của con người. Mặc dù vậy, theo nghĩa thông thường, thông tin được hiểu là tất cả các sự việc, sự kiện, ý tưởng, phán đoán làm tăng thêm sự hiểu biết của con người. Thông tin hình thành trong quá trình giao tiếp: một người có thể nhận thông tin trực tiếp từ người khác thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ các ngân hàng dữ liệu. Theo nghĩa đó, thông tin được hiểu là “tin tức về các sự kiện diễn ra trong thế giới xung quanh”. Đây cũng là quan điểm về khái niệm thông tin được sử dụng trong luận văn này.
Trong đời sống con người, nhu cầu thông tin là một nhu cầu rất cơ bản. Nhu cầu đó không ngừng tăng lên cùng với sự gia tăng của các mối quan hệ trong xã hội. Mỗi người sử dụng thông tin lại tạo ra hệ thống thông tin mới. Các thông tin đó lại được truyền cho người khác trong quá trình thảo luận, truyền đạt mệnh lệnh, trong thư từ và tài liệu, hoặc qua các phương tiện truyền thông khác. Thông tin được tổ chức theo một số quy tắc logic nhất định, trở thành một bộ phận của tri thức, đòi hỏi phải được khai thác và nghiên cứu một cách hệ thống.
Hiện nay, khái niệm thông tin cá nhân được hiểu một cách khá rộng. Đó có thể là những thông tin liên quan đến cuộc đời của cá nhân được thể hiện ở nhiều hình thức chứa đựng thông tin khác nhau, như một câu chuyện, hình ảnh, những trang nhật ký, nhóm máu, tín ngưỡng, dân tộc… Thông tin riêng tư của mỗi cá nhân có thể được truy cập bằng nhiều cách và trên nhiều khía cạnh của cuộc sống, ví dụ như khi cá nhân làm thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, mở tài khoản ngân hàng… Các thông tin đó có từ khi cá nhân sinh ra hoặc hình thành trong quá trình sống của cá nhân và thậm chí ngay kể cả khi cá nhân đó đã chết. Khái niệm thông tin cá nhân trong văn bản pháp lý của các quốc gia, bao gồm ở Việt Nam, thường được giới hạn ở những thông tin cụ thể (họ, tên, danh tính, địa chỉ, điện thoại… và những thông tin khác xác định nên danh tính một người cụ thể). Tuy nhiên, cách định nghĩa thông tin cá nhân không đồng nhất trong pháp luật của các quốc gia (có nước liệt kê các thông tin được gọi là thông tin cá nhân, có nước quy định khái quát theo hướng thông tin cá nhân là những thông tin xác định danh tính của một người).
Như vậy, thông tin cá nhân là một khái niệm rất rộng và trong hầu hết các trường hợp, việc xác định một thông tin cụ thể là thông tin cá nhân hay không là khá rõ ràng. Trong một số trường hợp không rõ ràng thì việc xác định có phải là thông tin cá nhân hay không phải căn cứ vào các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Một số thông tin có thể không được coi là thông tin cá nhân khi được xem xét riêng nhưng khi kết hợp với các thông tin khác do các chủ thể khác nắm giữ hoặc tiếp cận có thể trở thành thông tin cá nhân. Điều này là do chủ thể nắm giữ thông tin cá nhân rất đa dạng và đặc điểm của thông tin có thể thay đổi. Việc xác định thông tin có phải là thông tin cá nhân hay không cần lưu ý một số vấn đề, như sau:
Thứ nhất, đó có phải là thông tin về một cá nhân cụ thể, tức là có mối liên hệ giữa thông tin và người đó hay không? Câu hỏi này là câu hỏi mang tính thực tế và phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Có một số thông tin chứng minh đó là thông tin của một cá nhân cụ thể như: tên gọi, ngày tháng năm sinh, chi tiết về nghề nghiệp, sổ theo dõi sức khỏe… nhưng đối với một số thông tin khác không rõ ràng thì phải xác định liệu thông tin có chuyển tải một cách tương đối rõ sự thật hay ý kiến, quan niệm về một cá nhân hay không.
Thứ hai, liệu cá nhân liên quan đó được xác định hoặc có thể được xác định từ thông tin đó hay không? Để trả lời được câu hỏi này cần căn cứ vào một số yếu tố cụ thể liên quan như tính chất và hàm lượng thông tin, ai sẽ là người có quyền tiếp cận thông tin và các thông tin khác có liên quan.
Ở Việt Nam, theo dự thảo Nghị định của Chính phủ về Bảo vệ dữ liệu cá nhân thì dữ liệu cá nhân có thể được chia thành hai loại: Loại thứ nhất là những dữ liệu cá nhân cơ bản bao gồm: 1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh, bí danh (nếu có); 2. Ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; 3. Nhóm máu, giới tính; 4. Nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử; 5. Trình độ học vấn; 6. Dân tộc; 7. Quốc tịch; 8. Số điện thoại; 9. Số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, số biển số số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội; 9. Tình trạng hôn nhân; 10. Dữ liệu phản ánh hoạt động hoặc lịch sử hoạt động trên không gian mạng. Loại thứ hai là những dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm: 1. Dữ liệu cá nhân về quan điểm chính trị, tôn giáo; 2. Dữ liệu cá nhân về tình trạng sức khỏe; 3. Dữ liệu cá nhân về di truyền; 4. Dữ liệu cá nhân về sinh trắc học là thông tin về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của mỗi cá nhân về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật; 5. Dữ liệu cá nhân về tài chính; 6. Dữ liệu cá nhân về vị trí địa lý thực tế của cá nhân ở quá khứ và hiện tại; 7. Dữ liệu cá nhân về các mối quan hệ xã hội…
Từ những phân tích ở trên, có thể hiểu thông tin cá nhân là thông tin về một con người cụ thể hoặc từ thông tin đó có thể xác định được người có liên đến thông tin đó là ai.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, tại Khoản 15, Điều 3,
Tương tự, tại Khoản 16, Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định:
Thông tin cá nhân là thông tin gắn liền với việc xác định danh tính, nhân thân của cá nhân bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và thông tin khác theo quy định của pháp luật.
Còn tại
Thông tin cá nhân là các thông tin góp phần định danh một cá nhân cụ thể, bao gồm tên, tuổi, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, thông tin y tế, số tài khoản, thông tin về các giao dịch thanh toán cá nhân và những thông tin khác mà cá nhân mong muốn giữ bí mật. Thông tin cá nhân trong Nghị định này không bao gồm thông tin liên hệ công việc và những thông tin mà cá nhân đã tự công bố trên các phương tiện truyền thông.
Ngoài khái niệm thông tin cá nhân, một số văn bản quy phạm pháp luật còn sử dụng khái niệm “thông tin riêng”, “thông tin bí mật đời tư” với nội hàm liên quan, như: khoản 15, Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định:
Thông tin riêng là thông tin trên mạng của một tổ chức, cá nhân mà tổ chức, cá nhân đó không công khai hoặc chỉ công khai cho một hoặc một nhóm đối tượng đã được xác định danh tính, địa chỉ cụ thể; Khoản 4, Điều 6 Luật viễn thông năm 2009 quy định:
Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp.
Đồng thời, Luật công nghệ thông tin sử dụng khái niệm “thông tin riêng”, Luật giao dịch điện tử sử dụng khái niệm “thông tin về bí mật đời tư” nhưng không đưa ra định nghĩa cụ thể.
Kể từ Hiến pháp năm 2013, cụm từ “thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” được sử dụng tại Bộ luật Dân sự năm 2015,
Như vậy, về cơ bản, khái niệm “thông tin cá nhân” quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đều thống nhất cách hiểu chung về thông tin cá nhân là những thông tin dùng để định danh một cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, ở từng văn bản, thông tin cá nhân lại được quy định dưới dạng nguyên tắc hoặc liệt kê thể và chưa có cách hiểu thống nhất. Ví dụ: tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP khẳng định thông tin liên hệ công việc và những thông tin mà cá nhân đã tự công bố trên các phương tiện truyền thông không được coi là thông tin cá nhân thì tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, mọi thông tin cá nhân không phân biệt đã công khai hay giữ bí mật đều được coi là thông tin cá nhân. Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa giải thích về nội hàm hay định nghĩa về khái niệm thông tin cá nhân, thông tin riêng, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, do đó, dẫn đến khó khăn cho quá trình thực thi văn bản.
2. Khái niệm “bí mật thông tin cá nhân:
Trong số thông tin cá nhân, có những thông tin có thể công khai, nhưng có những thông tin cần phải giữ bí mật. Những thông tin thuộc bí mật cá nhân thông thường bao gồm hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác.
Theo cuốn Đại từ điển Tiếng Việt, bí mật là “giữ kín, không để lộ ra, không công khai”. Từ đó, tính “bí mật” của thông tin có thể được xác định theo các tiêu chí sau đây:
Bản thân thông tin đó đã mang tính bí mật: Việc xác định thông tin mang tính bí mật có thể dựa vào bản chất của thông tin, có thể xác định theo quy định của pháp luật (thư tín, điện thoại, tình trạng bệnh tật…);
Những thông tin này đã có văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định rõ đó là bí mật và không được tiết lộ hoặc xâm phạm;
– Người nắm giữ thông tin có thể đã áp dụng mọi biện pháp để bảo mật như khoá, cài đặt mã số bảo vệ, hoặc áp dụng mọi biện pháp bảo vệ khác;
– Giữa “chủ sở hữu thông tin bí mật” với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đã có sự thoả thuận về nghĩa vụ giữ bí mật. Tuy nhiên, chúng sẽ không được coi là “bí mật” trong những trường hợp nhất định. Ví dụ: trong trường hợp những thông tin đó xâm phạm đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, thì việc tiết lộ những thông tin này không bị coi là “xâm phạm bí mật”.
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy nội hàm của bí mật đời tư và bí mật thông tin cá nhân khá gần với nhau. Theo Từ điển tiếng Việt, bí mật đời tư của cá nhân được hiểu là những gì thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân (trong đó có thông tin, tư liệu cá nhân…) được giữ kín, không công khai, không tiết lộ.
Từ cách tiếp cận về “thông tin cá nhân” và “bí mật” nêu trên, có thể hiểu “bí mật thông tin cá nhân” là việc giữ kín, không công khai các thông tin liên quan đến một cá nhân. Bí mật thông tin cá nhân có cả hai đặc điểm là tính cá nhân và tính bí mật; việc công bố sẽ tạo ra sự bất lợi hoặc gây thiệt hại cho chủ cá nhân. Về nguyên tắc, những thông tin cá nhân bí mật phải được bảo vệ, giữ kín, không được công khai, trừ các trường hợp đặc biệt cần thiết do luật định. Nói cách khác, bí mật thông tin cá nhân đòi hỏi việc thu thập, lưu giữ, truy cập, chuyển giao, sử dụng, xử lý thông tin cá nhân thuộc dạng bí mật phải được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Khái niệm “quyền bí mật thông tin cá nhân”, “quyền bảo vệ bí mật thông tin cá nhân”:
Về quyền bí mật thông tin cá nhân Dưới góc độ pháp lý, trong mối quan hệ pháp luật về bí mật thông tin cá nhân có chủ thể, khách thể và nội dung của quan hệ pháp luật. Nếu khách thể của quan hệ pháp luật về bí mật thông tin cá nhân là những thông tin thuộc quyền riêng tư của cá nhân, thì chủ thể của quan hệ pháp luật này có thể là thể nhân hoặc pháp nhân. Thế nhân là mọi người (bao gồm công dân, người nước ngoài và người không có quốc tịch, vì quyền bí mật thông tin cá nhân là quyền con người). Các pháp nhân có thể là chủ thể của quan hệ pháp luật về quyền bí mật thông tin cá nhân khi họ là các chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân. Nội dung của quan hệ pháp luật về bí mật thông tin cá nhân là quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân.
Quyền bí mật thông tin cá nhân trước hết là quyền của mỗi cá nhân (chủ thông tin) đối với thông tin của mình. Chủ thông tin có các quyền cụ thể như: quyền được biết và truy cập các thông tin thuộc dữ liệu cá nhân của mình; quyền được biết về ai/cơ quan/tổ chức nào đang nắm giữ hoặc truy cập, tiếp cận, sử dụng thông tin thuộc dữ liệu cá nhân; quyền công khai hoặc không công khai, cho phép hoặc không cho phép chủ thể khác tiếp cận, thu thập, lưu trữ, chuyển giao thông tin cá nhân; quyền yêu cầu chủ thể xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm thông tin cá nhân, hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ khi bị xâm phạm quyền…
Bên cạnh chủ thông tin, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép theo quy định của pháp luật cũng có thể có một số quyền và trách nhiệm nhất định đối với thông tin cá nhân (ví dụ như quyền thu thập, lưu trữ, chuyển giao thông tin/dữ liệu cá nhân, quyền yêu cầu chủ thể xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân…).
Tùy theo quy định pháp luật của mỗi quốc gia mà nội hàm của quyền bí mật thông tin cá nhân và phạm vi quyền, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan là khác nhau.
Về quyền bảo vệ bí mật thông tin cá nhân
Quyền bảo vệ bí mật thông tin cá nhân thường được hiểu là quyền có liên quan đến một loạt quyền khác của con người khi thông tin cá nhân của họ được thu thập. Các quyền này bao gồm: quyền được biết khi nào thông tin cá nhân của mình được thu thập; quyền được biết tên người thu thập thông tin cá nhân của mình và biết thông tin cá nhân của mình sẽ được xử lý như thế nào; quyền được nhận thông tin về việc thông tin cá nhân được thu thập một cách gián tiếp hay trực tiếp; quyền được thông báo khi người kiểm soát dữ liệu xử lý thông tin cá nhân; quyền được tiếp cận, sao chép thông tin cá nhân; quyền được yêu cầu xóa toàn bộ, chặn hoặc xóa một phần thông tin cá nhân… Pháp luật nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận quyền bảo vệ thông tin cá nhân là một trong những quyền cơ bản của con người. Quyền bảo vệ thông tin cá nhân cho phép cá nhân bảo đảm được rằng thông tin cá nhân của họ chỉ được lưu giữ và xử lý theo các nguyên tắc và trình tự luật định.
Một số quyền quan trọng thuộc nội hàm quyền bảo vệ thông tin cá nhân, cụ thể như sau:
Quyền được tiếp cận thông tin cá nhân: Cá nhân liên quan được quyền yêu cầu người khác, doanh nghiệp, hiệp hội hay tổ chức cung cấp thông tin về việc thông tin cá nhân của họ đang được thu thập. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan hoặc người kiểm soát dữ liệu cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân của mình. Cụ thể, cá nhân có quyền được biết: nguồn thông tin cá nhân của mình đang được xử lý là từ đâu; mục đích và cách thức thông tin cá nhân được xử lý; phương pháp xử lý thông tin cá nhân được áp dụng và lý do của việc xử lý là gì; cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm giữ và xử lý thông tin cá nhân là ai; loại thông tin cá nhân có thể được công khai hoặc tiết lộ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Khi thực hiện các quyền này cá nhân thường không cần phải cung cấp lý do và không phải trả chi phí.
Quyền cập nhật, thay đổi và yêu cầu xóa bỏ thông tin cá nhân: Cá nhân có quyền yêu cầu bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đang nắm giữ, xử lý thông tin cá nhân của mình thực hiện việc cập nhật, thay đổi hay bổ sung thông tin cá nhân (việc bổ sung dữ liệu chỉ được thực hiện khi có bằng chứng và lý do cụ thể). Cá nhân cũng có thể yêu cầu chặn, xóa hoặc ẩn thông tin cá nhân của mình trong trường hợp thông tin không được xử lý theo theo quy định của pháp luật hoặc việc lưu giữ thông tin không còn cần thiết.
Quyền phản đối: Cá nhân được quyền phản đối việc xử lý thông tin cá nhân của mình dựa trên cơ sở pháp lý và trong tất cả các trường hợp mà không cần đưa ra lý do của việc phản đối khi cá nhân cho rằng thông tin cá nhân của mình đang được thu thập và xử lý vì mục đích quảng cáo hay thương mại hóa.
Quyền được yêu cầu bảo vệ bằng pháp luật: Khi có nguy cơ hoặc bị xâm phạm thông tin cá nhân, bí mật đời tư, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ bằng pháp luật.