Thông báo về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán ma túy.
Thông báo về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán ma túy.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi công an bắt người có báo giấy về gia đình không? Mà chuyển từ quận huyện lên trại giam khác có báo cho gia đình biết hay không ạ? Em có người nhà bị công an quận bắt giữ người nhà cũng chỉ nghe là bị bắt cũng không biết nguyên nhân thực hư như nào chỉ nghe là về tội ma túy, lúc bắt thì trong người không có gì cả chỉ có 650k trong người đến bây giờ 1 tuần rồi cũng chưa nhận được một thông tin gì về mặt chính quyền báo về gia đình một tin gì cả nên gia đình thắc mắc nhờ anh chị cho em xin ý kiến ạ.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo Điều 194 Bộ luật hình sự 1999 quy định như sau:
"Điều 194. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam;
h) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam;
i) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi lăm kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới hai trăm kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới năm mươi kilôgam;
m) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam;
n) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít;
o) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản 2 Điều này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
………… "
Vì bạn không nói rõ người nhà của bạn bị công an bắt theo trường hợp nào nên có thể chia theo các trường hợp sau:
Theo Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định như sau:
"Điều 81. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp
1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:
a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
2. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
b) Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;
c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
3. Nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 80 của Bộ luật này.
4. Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn.
Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp quy định tại Điều này. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt."
Theo Điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định như sau:
"Điều 82. Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã
1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt."
Theo Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định như sau:
"Điều 85. Thông báo về việc bắt
Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay."
Theo thông tin mà bạn trình bày thì có ba trường hợp bắt người:
+ Trường hợp 1: Bắt người trong trường hợp khẩn cấp, là khi có căn cứ cho rằng:
Người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+ Trường hợp 2: Bắt người phạm tội quả tang: Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất.
+ Trường hợp 3: Bắt người phạm tội đang bị truy nã: Khi phát hiện người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất.
Do đó, người ra lệnh bắt người, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết theo quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Ngoài ra, nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay.