Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là khoảng thời gian mà cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức. Với mỗi lĩnh vực khác nhau thì thời hiệu xử phạt khác nhau. Vậy thời hiệu thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động:
- 2 2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
- 3 3. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính được quy định như thế nào?
- 4 4. Đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính có ra quyết định xử phạt hành chính được không?
- 5 5. Trường hợp tư vấn cụ thể:
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động:
Thời hiệu được xác định là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Đối với thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động được quy định tại Điều 5 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Điểm a Khoản 1 Điều 6
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động là 01 năm.
Trừ các trường hợp dưới đây thì thời hiệu khởi kiện hành chính là 02 năm, cụ thể:
– Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí;
– Vi phạm hành chính về kinh doanh bảo hiểm;
– Vi phạm hành chính về quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ;
– Vi phạm hành chính về xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử;
– Vi pạm hành chính về quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản;
– Vi phạm hành chính về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả;
– Vi phạm hành chính về quản lý lao động ngoài nước.
Đối với vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
– Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Nguyên tắc để xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính (Điểm a Khoản 1 Điều 8 Nghị định 118/2021/NĐ-CP)
– Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện được xác định là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước. (Căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định 118/2021/NĐ-CP).
Căn cứ theo quy định tại Điều 147 Bộ luật dân sự năm 2015 thời điểm bắt đầu tính thời hạn được xác định như sau:
– Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được tính bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
– Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
– Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính vào thời điểm mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó.
Căn cứ theo quy định tại Điều 148 Bộ luật dân sự năm 2015, cách tính kết thúc thời hạn như sau:
– Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc được xác định tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
– Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
– Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
– Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.
– Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
– Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.
3. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính cụ thể:
– Nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành
– Nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
4. Đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính có ra quyết định xử phạt hành chính được không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi khoản 33 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong đó có trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt.
Theo đó, nếu hết thời hạn xử lý vi phạm hành chính thì dù không thể ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính nhưng người có thẩm quyền vẫn có thể ra Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Người có thẩm quyền vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
Tuy nhiên, quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
Cũng cần lưu ý rằng biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng khi nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định các biện pháp khắc phục hậu quả này đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể đó.
5. Trường hợp tư vấn cụ thể:
Tóm tắt câu hỏi:
E làm kế toán trong cty TNHH. Tháng 8/2022 có đoàn kiểm tra của BHXH công ty không đăng ký, đóng BHXH cho người lao động và lập biên bản làm việc nhưng chưa lập biên bản vi pham hành chính. Đến thời điểm tháng 5/2023 cơ quan Bảo hiểm đến lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt công ty (xử phạt từ tháng 8/2022 đến tháng 5/2023). Cho em hỏi xử phạt thế có vi phạm thời hiệu xử phạt không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc trên, chuyên viên Lê Ngọc hồng (máy lẻ 102) đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung Điểm a Khoản 4 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 về thời hiệu xử lý vi phạm như sau:
“1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;”
Trường hợp của công ty bạn, vào thời điểm tháng 8 năm 2022 khi đoàn kiểm tra của cơ quan bảo hiểm xã hội kiểm tra lập biên bản làm việc, tức là đã phát hiện ra hành vi vi phạm do công ty bạn là không khái báo và không đóng bảo hiểm cho người lao động. Sau đó đến tháng 5/2023 thì mới lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt, việc truy cứu trách nhiệm hành chính từ thời điểm tháng 8/2022 là từ thời điểm hành vi vi phạm đang diễn ra xâm phạm lợi ích của người lao động.
Việc ra quyết định xử phạt hành chính như trên là không vi phạm về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính bởi kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm cho đến hết 1 năm thì cơ quan có thẩm quyền mới không có quyền xử phạt hành chính do hết thời hiệu, theo thông tin bạn cung cấp cơ quan có thẩm quyền đảm bảo việc xử lý vi phạm trong thời hiệu.
Đối với hành vi của công ty bạn là không đóng bảo hiểm cho người lao động thì theo quy định tại Điều 39 Nghị đinh 12/2022/NĐ-CP, sẽ bị phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật lao động năm 2019;
– Bộ luật dân sự năm 2015;
– Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020;
– Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.