Khái quát về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài? Khái quát về thời hiệu? Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài?
Các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đang trở thành “xu hướng” trong bối cảnh hội nhập quốc tế về kinh tế, văn hoá, xã hội sâu rộng. Sự phát sinh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đã dẫn đến những xung đột pháp luật trong quá trình giải quyết các tranh chấp hay đơn thuần chỉ là vấn đề điều chỉnh trong quá trình thiết lập quan hệ. Một trong những vấn đề cũng đáng được quan tâm liên quan đến quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó là “thời hiệu giải quyết”. Đây cũng là nội dung chính sẽ được Luật Dương Gia phân tích cụ thể trong bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài?
Trước đây cũng như hiện tại có rất nhiều thuật ngữ để chỉ quan hệ pháp lý giữa công dân, pháp nhân của các nước phát sinh trong giao lưu dân sự quốc tế, như “quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, “quan hệ dân sự có nhân tố nước ngoài”, “quan hệ dân sự quốc tế”,….Trong số đó, “quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” là thuật ngữ được khoa học pháp lý Việt Nam sử dụng phổ biến hơn cả.
Giải thích về “quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”, quan niệm của các quốc gia trên thế giới vẫn chưa có sự thống nhất, chẳng hạn: Theo Điều 1 Đạo luật Tư pháp quốc tế của Ba Lan 2011 thì: “Đạo luật sẽ quy định luật áp dụng đối với các quan hệ thuộc luật tư có liên quan đến hơn một quốc gia”. Theo pháp luật Trung Hoa, Tòa án nhân dân tối cao nước này đã giải thích: “quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” là các quan hệ thuộc một trong các trường hợp sau:
(i) Một hoặc các bên chủ thể là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
(2) Nơi thường trú của một bên hoặc các bên liên quan nằm ngoài lãnh thổ Cộng hoà dân chủ nhân dân Trung hoa;
…..
Gần như có quan điểm tương đồng với Trung Quốc, Bộ luật dân sự năm 2015 đã giải thích quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tại Khoản 2, Điều 663 như sau:
“Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.”
Phân tích về khái niệm, trước hết, có thể thấy, quan hệ dân sự ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là bao gồm các quan hệ dân sự thông thường, quan hệ hôn nhân, gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. Còn yếu tố nước ngoài trong các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng được thể hiện ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, các quan hệ dân sự mà trong đó có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Theo giải thích tại Nghị định 138/2006/NĐ-CP, “Người nước ngoài” là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch. Còn “Pháp nhân nước ngoài” là pháp nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài. Đây là loại quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài phổ biến nhất trong tư pháp quốc tế, thể hiện dưới các dạng quan hệ hôn nhân giữa người Việt Nam và người nước ngoài, hợp đồng thuê nhà giữa người Việt nam với người nước ngoài, ….
Thứ hai, các quan hệ dân sự có chủ thể là cá nhân, pháp nhân Việt Nam nhưng một số tác nhân liên quan tới các mối quan hệ đó có yếu tố nước ngoài:
Một là, việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài. Ví dụ: Hai thương nhân Việt Nam ký kết hợp đồng mua vải trên lãnh thổ nước Thái Lan nhân hội chợ quốc tế được tổ chức tại đây, hợp đồng ghi rõ sẽ được thực hiện tại Việt Nam.
Hai là, đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài. Thông thường đối tượng ở đây là tài sản (cụ thể là bất động sản), ví dụ: Hai công dân Việt Nam ký kết với nhau một hợp đồng mua bán một căn hộ chung cư cao cấp đang tồn tại ở Anh. Ở trường hợp này, mặc dù các bên trong hợp đồng mua bán đều là công dân Việt Nam, song bản thân quan hệ lại là quan hệ tư pháp quốc tế, tức quan hệ có yếu tố nước ngoài vì đối tượng của quan hệ là căn hộ chung cứ đang tồn tại ở nước ngoài.
2. Khái quát về thời hiệu?
Để đảm bảo sự ổn định của các quan hệ dân sự pháp luật dân sự quy định các khoảng thời gian để các bên có thể lựa chọn cách xử sự pháp lý cho phù hợp với mục đích của quan hệ dân sự mình tham gia và lợi ích của mình, khi khoảng thời gian đó hết sẽ làm phát sinh hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ của những chủ thể có liên quan, đó chính là thời hiệu.
Bộ luật dân sự đình nghĩa về thời hiệu tại Điều 149 như sau: “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.”. So với khái niệm trong
Xuất phát từ những hậu quả pháp lý phát sinh khi hết thời hiệu, Điều 150 Bộ luật dân sự năm 2015 chia thời hiệu làm bốn loại:
Một là, thời hiệu hưởng quyền dân sự: là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự. Quyền dân sự là khả năng được phép xử sự theo một cách nhất định của chủ thể trong quan hệ dân sự để thực hiện, bảo vệ lợi ích của mình. Quyền dân sự được thể hiện cụ thể như quyền sở hữu tài sản, quyền hưởng lợi ích khi khai thác công dùng của tài sản,…
Hai là, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự: là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ. Việc miễn trừ nghĩa vụ dân sự này xuất phát từ lý luận khi bên có quyền không thực hiện quyền năng được pháp luật trao cho để yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì bên có quyền sẽ mất quyền yêu cầu, bên có nghĩa vụ theo đó cũng không phải thực hiện nghĩa vụ nữa.
Ba là, thời hiệu khởi kiện: là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Quyền khởi kiện là quyền được pháp luật trao cho mọi chủ thể, đây là phương tiện pháp lý để chủ thể bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi bị chủ thể khác xâm phạm. Nhưng, xuất phát từ nguyên tắc không có gì là vô hạn, đồng thời để đảm bảo sự ôn định của các quan hệ dân sự, tránh sự khiếu kiện tràn lan, quyền khởi kiện phải được giới hạn bởi thời hiệu.
Bốn là, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự: là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu. Việc dân sự thường ít phức tạp hơn so với vụ án dân sự nên thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự thường ngắn hơn so với thời hiệu khởi kiện vụ án.
3. Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài?
Trước đây, tại Điều 777 Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định: “Thời hiệu khởi kiện đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà pháp luật nước đó được áp dụng để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tương ứng.”
Đến nay, tại Bộ luật dân sự 2015, Điều 671 nêu rõ: “Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó.”
Như vậy, Điều 671 BLDS 2015 quy định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ điều đồng thời chỉnh toàn bộ vấn đề về thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó (kể cả thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự) khác với Điều 777 Bộ luật dân sự 2005 chỉ quy định về xác định thời hiệu khởi kiện đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Như đã nói, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ có sự phức tạp hơn so với quan hệ dân sự thuần túy, được điều chỉnh bởi pháp luật quốc gia sở tại, quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài làm phát sinh xung đột pháp luật và việc lựa chọn luật áp dụng là vấn đề cơ bản, đầu tiên. Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cũng vậy, trước hết phải xác định pháp luật áp dụng (điều ước quốc tế; hay pháp luật quốc gia khác theo nguyên tắc như lựa chọn hoặc pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.), thứ hai khi đã xác định được pháp luật áp dụng, thì phải tìm kiếm trong hệ thống pháp luật đó quy định về thời hiệu áp dụng đối với quan hệ dân sự. Nếu pháp luật được lựa chọn là pháp luật Việt Nam, thì theo quy định về thời hiệu áp dụng đối với quan hệ dân sự theo quy định của pháp luật Viết Nam. Ví dụ: Ở Việt Nam, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.