Hoàn thuế xuất khẩu là một trong những thủ tục được quy định cụ thể trong nhiều văn bản luật hiện hành. Tùy thuộc vào từng trường hợp, tình huống cụ thể mà hàng hóa sẽ được hoàn lại thuế theo quy định.
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp được hoàn thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật:
Theo quy định pháp luật, các trường hợp người nộp thuế được hoàn thuế xuất khẩu đó là:
Thứ nhất, người nộp thuế đã nộp thuế xuất khẩu nhưng không có hàng hóa xuất khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu thực thế ít hơn so với hàng hóa xuất khẩu đã nộp thuế, hàng hóa trong trường hợp này chỉ được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến.
Thứ hai, người nộp thuế đã nộp thuế xuất khẩu nhưng hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập (nghĩa là hàng hóa xuất khẩu đến quốc gia khác và sau đó lại được nhập khẩu về nước ta) được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu, hàng hóa trong trường hợp này chỉ được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến.
Thứ ba, người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất (nghĩa là hàng hóa nhập khẩu về nước ta và sau đó được nhập khẩu đi một quốc gia khác) được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu, hàng hóa trong trường hợp này chỉ được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến.
Thứ tư, người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hoặc kinh doanh nhưng hàng hóa nhập khẩu đó đã được đưa vào sản xuất hàng hóa để xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm.
Thứ năm, hoàn thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ hoặc phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập hoặc tái xuất, trong trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan thì không được hoàn thuế.
Ngoài ra, thuế xuất khẩu còn được hoàn lại nếu người nộp thuế có số tiền đã nộp ngân sách nhà nước lớn hơn số phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019. Như vậy, trong trường hợp người nộp thuế nộp số tiền lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì có quyền yêu cầu hoàn trả lại số tiền thuế chệnh lệch đó.
Lưu ý: Nếu số tiền thuế được hoàn dưới mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ thì người nộp thuế sẽ không được hoàn lại.
2. Thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế xuất khẩu:
2.1. Hồ sơ hoàn thuế xuất khẩu gồm những gì?
Đối với hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu thuộc trường hợp được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thì người nộp thuế cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét hoàn thuế. Với từng trường hợp cụ thể mà hồ sơ hoàn thuế sẽ có sự khác biệt.
Về cơ bản, hồ sơ hoàn thuế sẽ gồm có:
– Công văn yêu cầu hoàn thuế xuất khẩu đã được đính kèm chi tiết tại Phụ lục VII, mẫu số 9 của Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
– Các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế.
2.2. Quy định về thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế xuất khẩu:
Theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế, thuế xuất khẩu như Luật Thuế xuất khẩu,t huế nhập khẩu năm 2016, Luật Quản lý thuế năm 2019 và các Luật khác có liên quan thì không đưa ra quy định cụ thể về thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế xuất khẩu hàng hoá. Vậy nên, khi thuộc một trong các trường hợp quy định được hoàn lại thuế xuất khẩu nêu trên, người nộp thuế sẽ nộp hồ sơ tới cơ quan thuế để được giải quyết.
3. Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế xuất khẩu:
3.1. Đối với trường hợp thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau:
Trong trường hợp này, chậm nhất là 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo về việc chấp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ hoàn thuế thì cơ quan quản lý thuế (cơ quan hải quan nơi phát sinh số tiền hoàn thuế) thực hiện việc kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Quản lý thuế 2019, kiểm tra các thông tin trong hồ sơ đề nghị hoàn thuế với thông tin trên Hệ thống để xác định điều kiện hoàn thuế, số tiền thuế phải hoàn, từ đó đưa ra các quyết định:
– Quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế (Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ban hành Quyết định hoàn thuế, gửi bản scan Quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế, các cơ quan có liên quan thông qua Hệ thống, gửi bản chính Quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế, các cơ quan có liên quan) hoặc thông báo không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế. Lưu ý, trong trường hợp phải chuyển hồ sơ của người nộp thuế sang kiểm tra trước thì phải thông báo cho người nộp thuế.
– Cơ quan hải quan thông báo qua Hệ thống hoặc bản giấy cho người nộp thuế về việc chuyển hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước sang diện kiểm tra trước tại trụ sở người nộp thuế theo quy định nếu hồ sơ của người nộp thuế thuộc diện hoàn thuế trước nhưng hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan hải quan mà người nộp thuế không giải trình, không thực hiện việc bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc người nộp thuế có giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế nhưng không chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng.
– Cơ quan quản lý thông báo bằng văn bản để người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin thuế trong trường hợp thông tin khai trên hồ sơ hoàn thuế khác với thông tin quản lý của cơ quan quản lý thuế. Thời gian giải trình, bổ sung thông tin không tính trong thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
– Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước là hồ sơ của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại trường hợp thuộc diện kiểm tra trước thuế.
3.2. Đối với trường hợp thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế:
Khi cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế thì chậm nhất là 40 ngày, cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc quyết định không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.
Các hồ sơ thuộc diện phải kiểm tra trước hoàn thuế bao gồm:
– Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu. Trường hợp người nộp thuế có hồ sơ hoàn thuế gửi cơ quan quản lý thuế lần đầu nhưng không thuộc diện được hoàn thuế theo quy định thì lần đề nghị hoàn thuế kế tiếp vẫn xác định là đề nghị hoàn thuế lần đầu.
– Hồ sơ của người nộp thuế trong thời hạn 24 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế được cơ quan hải quan xác định đã bị xử lý bị xử lý về hành vi trốn thuế.
– Hồ sơ của tổ chức giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp nhà nước.
– Hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro về thuế cao theo phân loại quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
– Hồ sơ hoàn thuế thuộc trường hợp hoàn thuế trước nhưng hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế nhưng không chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng.
– Hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thực hiện thanh toán qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra Chính phủ còn quy định chi tiết về các trường hợp hoàn thuế phải kiểm tra trước tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế bao gồm:
+ Người nộp thuế được cơ quan hải quan xác định có hành vi vi phạm về hải quan và đã bị xử lý quá 02 lần (bao gồm cả hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu) với mức phạt tiền vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và hành vi này vẫn đang trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế.
+ Người nộp thuế được cơ quan hải quan xác định đã bị xử lý về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và hành vi này vẫn đang trong thời hạn 24 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế.
+ Hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
+ Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất trả lại nước ngoài (hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan) không cùng một cửa khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu nhưng phải tái nhập khẩu trở lại Việt Nam không cùng một cửa khẩu.
+ Người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, do có các hành vi như: người nộp thuế nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế, người nộp thuế có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn…
Ngoài ra, theo quy định thì việc xử lý số tiền thuế cần phải hoàn trong trường hợp người nộp thuế có yêu cầu hoàn trả số tiền thuế đã nộp thừa (hoặc thuộc trường hợp được hoàn thuế) thì cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định hoàn trả số tiền thuế nộp thừa hoặc nếu không hoàn thuế cho người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế phải có câu trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do không hoàn trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu hoàn thuế.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật quản lý thuế năm 2019.
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Thông tư 06/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.