Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm? Mẫu đơn tố giác tội phạm? Các quy định pháp luật về đơn tố giác tin báo tội phạm? Mức xử phạt với việc tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật?
Vai trò của những đơn tố giác và tin báo tội phạm và công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền” (theo quy định trên, Công an xã không được tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ như Công an phường, thị trấn, Đồn Công an). Trên thực tế đối với các xã vùng biên giới, hải đảo, các xã ở xa trung tâm huyện sau khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm công an xã không đủ thẩm quyền để tiến hành xác minh sơ bộ ban đầu mà chuyển ngay tố giác tin báo đến cơ quan điều tra có thẩm quyền. Vì vậy có thể dẫn đến tình trạng mất nhiều thời gian Cơ quan điều tra có thẩm quyền mới có thể đến xác minh làm rõ hiện trường tuy nhiên hiện trường đã bị xáo trộn hay mất đi dẫn tới quá trình điều tra thu thập chứng cứ ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn trắc trở.
Căn cứ pháp lí:
–
– Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành luật tố cáo;
– Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của
Mục lục bài viết
1. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm căn cứ theo quy định tại Điều 147, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và hướng dẫn tại Điều 11, Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC.
Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh làm rõ tại nhiều địa điểm (nơi xảy ra hay quê quán của người có liên quan đến vụ việc- ví dụ như là vận chuyển ma túy xuyên biên giới vào các tỉnh thành từ biên giới đến các tỉnh thành phố khác) thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết. Điều này cũng dễ hiểu vì sự cần thiết của việc xác minh tính đúng đắn rõ rành của vụ án sẽ giúp cho cơ quan có thẩm quyền kết tội bị can chính xác tăng tính thuyết phục và tạo nên uy tín.
Trường hợp sắp hết thời gian sau khi gia hạn lần thứ nhất nhưng chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh thì chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải có văn bản đề nghị VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị nêu trên, VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền phải xem xét, quyết định đánh giá mức độ cần thiết của việc gia hạn điều tra, xác minh vụ án. Trường hợp đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng VKS (trong trường hợp được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công) ra Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh; thời hạn gia hạn kiểm tra, xác minh là không quá 02 tháng kể từ ngày hết thời hạn lần thứ nhất.
Như vậy, không chỉ có thể gia hạn một lần là 2 tháng mà cơ quan đang thụ lí có thể gửi đơn đề nghị viện kiểm sát đồng ý việc gia hạn.
Chú ý: Các chức danh sau trong cơ quan thụ lí tín báo tố giác tội phạm có quyền gia hạn lần đầu và gửi đơn đề nghị gia hạn thời hạn giải quyết tin báo tố cáo tội phạm lần 2 là: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng (trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền hoặc phân công), cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công)
2. Mẫu đơn tố giác tội phạm :
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – hạnh phúc
ĐƠN TỐ GIÁC TỘI PHẠM
Kính gửi: Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra….
– Cục cảnh sát điều tra về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ
– Cục an ninh điều tra
– Công an
Chúng tôi là: … – Chức vụ :…
Nghề nghiệp :…
Chỗ ở hiện tại: …
Đăng ký hộ khẩu thường trú :.…
Chúng tôi làm đơn này tố giác các hành vi vi phạm pháp luật hình sự của ông/bà…
Chức vụ:… về việc….
Cụ thể:
Ngày …./…/……
Từ sự việc và phân tích kể trên đã thấy rõ hành vi sai phạm như sau:
1. …
2…
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Ông/bà……đã vi phạm điều …., luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Chúng tôi xin tường trình, báo cáo sự việc và đề nghị cơ quan điều tra các nội dung liên quan tới những hành vi phạm pháp của đương sự bằng văn bản để xử lý hành vi vi phạm pháp luật của Ông/bà…
Nay chúng tôi làm đơn này và trân trọng gửi kèm theo các chứng cứ chứng minh sai phạm của ông/bà… tới cơ quan chức năng để tố giác các hành vi vi phạm pháp luật hình sự của ông/bà …Kính đề nghị quý cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ để bảo đảm việc tuân theo pháp luật được thực thi nghiêm túc.
Kính đơn!
Hà Nội ngày …tháng …năm 20…
Người tố giác
3. Các quy định pháp luật về tố giác tin báo tội phạm:
Nguồn tin về tội phạm có thể được thể hiện dưới các hình thức sau căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 gồm:
– Tố giác, tin báo về tội phạm; (Cá nhân tổ chức tự giác làm đơn trình báo cơ quan công an thông qua văn bản hay lời nói hoặc cũng có thể từ các phương tiện truyền thông báo đài)
– Kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
– Lời khai của người phạm tội tự thú;
– Thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện.
Tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về tố giác, tin báo về tội phạm cụ thể như sau:
– Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
– Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
– Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
– Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
– Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Đồng thời, tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân là các căn cứ để xác định dấu hiệu tội phạm theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
4. Mức xử phạt với việc tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật:
Khoản 5 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định rằng Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Theo đó, mức xử phạt dành cho hành vi tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật bao gồm:
4.1. Mức xử phạt hành chính:
Đối với hành vi tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật, người có hành vi tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính đến 15.000.000 đồng, đối với luật sư thì mức phạt lên đến 30.000.000 đồng. và hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật nêu trên.
4.2. Xử lý kỷ luật:
Đối với hành vi tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật thì hình thức xử lí kỷ luật này chỉ áp dụng với Cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; …thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ theo Điều 23 Nghị định 31/2019/NĐ-CP.
4.3. Xử lí hình sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định rằng cá nhân tổ chức nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
– Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
– Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Khi cá nhân thực hiện một trong các hành vi bịa đặt phạm tội thuộc khoản 2 và khoản 3 Điều này thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống với mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.
Thêm nữa, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, ta có thể thấy có 3 hình thức xử phạt đối với hành vi tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật gồm xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính và xử lí hình sự.