Báo cáo tài chính bao gồm các tài liệu ghi nhận lại tình hình tài chính, kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải nộp báo cáo tài chính theo quy định. Vậy thời hạn nộp báo cáo này được quy định như thế nào. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Thời hạn doanh nghiệp gửi báo cáo tài chính năm:
Theo quy định hiện nay có 2 chế độ kế toán được áp dụng. Theo đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể áp dụng chế độ kế toán theo quy định tại
Căn cứ Điều 80 Thông tư 133/2016/TT-BTC quy định về thời hạn nộp báo cáo tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ như sau:
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lập và gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Ngoài báo cáo tài chính năm, doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính tháng, quý để nhằm quản lý và điều hành hoạt động doanh nghiệp.
– Nơi nộp báo cáo tài chính là: cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan Thống kê. Đối với các doanh nghiệp cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu có yêu cầu thì còn phải nộp Báo cáo tài chính năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể lựa chọn kế độ kế toán theo chế độ kế toán của các doanh nghiệp lớn theo đó thời hạn nộp báo cáo tài chính theo chế độ này căn cứ vào Điều 109 Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BTC 2020 hợp nhất Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định như sau:
* Đối với doanh nghiệp nhà nước:
+ Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm;
+ Đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước nộp báo cáo tài chính chậm nhất là 90 ngày;
+ theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định, thì đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp Báo cáo tài chính năm cho công ty mẹ, Tổng công ty.
* Đối với các loại doanh nghiệp khác
– Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm
– Đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày
– Theo quy định của đơn vị cấp trên thì đơn vị kế toán trực thuộc nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn.
– Hồ sơ báo cáo tài chính:
+ Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại thông tư Thông tư 133/2016/TT-BTC Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm các loại tài liệu đó là: Báo cáo tình hình tài chính, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bản thuyết minh báo cáo tài chính, bản cân đối tài khoản, báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
+ Đối với các doanh nghiệp lớn chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BTC 2020 bao gồm: bản cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bản thuyết minh báo cáo tài chính.
– Nơi nộp hồ sơ báo cáo tài chính:
+ Các doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp Báo cáo tài chính cho Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp Nhà nước Trung ương còn phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính.
+ Các loại doanh nghiệp Nhà nước như: Ngân hàng thương mại, công ty xổ số kiến thiết, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty kinh doanh chứng khoán phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính.
+ Các công ty kinh doanh chứng khoán và công ty đại chúng phải nộp Báo cáo tài chính cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán.
+ Các doanh nghiệp phải gửi Báo cáo tài chính cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý thuế tại địa phương, các tổng công ty Nhà nước còn phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính.
+ Doanh nghiệp có đơn vị kế toán cấp trên phải nộp Báo cáo tài chính cho đơn vị kế toán cấp trên theo quy định của đơn vị kế toán cấp trên.
+ Đối với các doanh nghiệp mà pháp luật quy định phải kiểm toán Báo cáo tài chính thì phải kiểm toán trước khi nộp Báo cáo tài chính theo quy định, phải đính kèm báo cáo kiểm toán vào Báo cáo tài chính khi nộp báo cáo tài chính cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cấp trên.
+ Cơ quan tài chính mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải nộp Báo cáo tài chính là Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chính.
+ Đối với các doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, ngoài các cơ quan nơi doanh nghiệp phải nộp Báo cáo tài chính theo quy định trên, doanh nghiệp còn phải nộp Báo cáo tài chính cho các cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện quyền của chủ sở hữu theo quy định.
+ Các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu thì còn phải nộp Báo cáo tài chính năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
2. Nguyên tắc lập Báo cáo tài chính khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán:
– Tại kỳ đầu tiên kể từ khi thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán, kế toán thực hiện chuyển đổi số dư sổ kế toán sang đơn vị tiền tệ kế toán mới theo tỷ giá chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán.
– Khi trình bày thông tin so sánh trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của kỳ có sự thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, đơn vị áp dụng tỷ giá chuyển khoản trung bình kỳ trước liền kề với kỳ thay đổi.
Doanh nghiệp phải trình bày rõ trên Bản thuyết minh báo cáo tài chính lý do thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán và những ảnh hưởng do việc thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán đối với báo cáo tài chính.
3. Mức xử phạt khi chậm nộp báo cáo tài chính:
Căn cứ Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về nộp báo cáo tài chính như sau:
– Thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định hoặc công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
– Thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định; Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính; Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định; Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính; Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra hành vi vi phạm tại quy định này còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp và công khai báo cáo kiểm toán đính kèm báo cáo tài chính.
– Đối với việc thực hiện một trong các hành vi sau đây: Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
– Đối với việc thực hiện một trong các hành vi sau: Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không công khai báo cáo tài chính theo quy định thì bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BTC 2020 hợp nhất Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp;
– Thông tư 133/2016/TT-BTC Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa;
– Nghị định 41/2018/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.