Mang thai hộ là một vấn đề khá phổ biến hiện nay, đây là một quy định mang tính nhân đạo nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong vấn đề mang thai. Vậy thỏa thuận về mang thai hộ có cần công chứng không?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về mang thai hộ:
Mang thai hộ theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bao gồm: mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại. Tuy nhiên luật này cũng nghiêm cấm hành vi mang thai hộ.
Với ý nghĩa là căn cứ xác lập quan hệ cha, mẹ con dựa trên sự kiện sinh đẻ, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được hiểu là chế định pháp lý quy định về việc sinh con có áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Theo đó một người phụ nữ đảm bảo đủ các điều kiện, tự nguyện mang thai giúp cặp vợ chồng vô sinh không nhằm mục đích trục lợi khi người vợ của cặp vợ chồng vô sinh không thể mang thai ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noăn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy phôi vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai hộ để người này mang thai và sinh con.
Mục đích của mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là bên mang thai hộ tự nguyện, không vì lợi ích vật chất hoặc một lợi ích nào khác. Trong khi đó, mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Điều này dễ dẫn đến nhiều biển tướng vi phạm các quy định của pháp luật đồng thời xâm hại đến các quan hệ mà pháp luật bảo vệ.
Việc mang thai hộ là việc làm vô cùng ý nghĩa nhằm duy trì nòi giống, gắn kết và giữ gìn hạnh phúc mỗi gia đình, bởi vì con cái là động lực để cha mẹ chúng làm việc tốt hơn, sống có trách nhiệm hơn góp phần vào sự ổn định, phồn vinh của xã hội
Việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã mở ra một cánh cửa mới, góp phần giúp các cặp vợ chồng vô sinh thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của mình một cách hợp pháp, đảm bảo sự lành mạnh của mối quan hệ hôn nhân gia đình. Việc quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ tạo khung pháp lý an toàn trong các hoạt động mang thai hộ và giúp phân biệt với trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại, đồng thời tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, tránh tình trạng xảy ra vi phạm như không trả con, không nhận con…
Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình thì điều kiện để mang thai hộ được quy định cụ thể như sau:
– Vợ chồng nhờ người mang thai hộ đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
+ Vợ chồng đang không có con chung.
+ Vợ chồng đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
– Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
+ Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ
+ Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần
+ Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ
+ Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng
+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Bên cạnh đó, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải tuân theo và không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này. Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.
2. Thỏa thuận về mang thai hộ có cần công chứng không?
Khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình quy định việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ hoặc bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng, nếu ủy quyền cho người thứ ba thực hiện thỏa thuận thì sẽ không có giá trị pháp lý.
Nếu thỏa thuận về mang thai hộ giữa bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ được lập cùng với thỏa thuận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thỏa thuận này phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế này.
Như vậy, thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng, trong trường hợp ủy quyền theo quy định trên thì cũng phải tiến hành lập thành văn bản có công chứng.
Theo khoản 1 Điều 96 thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải có các nội dung cơ bản sau đây:
+ Thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan quy định,
+ Cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định, việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa;
+ Hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ…
+ Các quyền và nghĩa vụ giữa các bên
+Trách nhiệm dân sự của các bên trong trường hợp vi phạm cam kết
3. Vi phạm quy định về mang thai hộ có bị xử phạt không:
Mang tai hộ vì mục đích thương mại là một hành vi bị nghiêm cấm. Bởi mục đích của hoạt động này chỉ vì các lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác và không có bất cứ các điều kiện nào đối với bên mang thai hộ cũng như người nhờ mang thai hộ mà chỉ căn cứ trên cơ sở nhu cầu của người nhờ mang thai hộ. Chính vì thế mang thai hộ vì mục đích thương mại là một hoạt động mang tính rủi ro rất cao đối với các bên tham gia vào quan hệ này. Trên thực tế xảy ra không ít trường hợp các cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ đã bỏ rơi đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp mang thai hộ vì lý do bệnh tật hay giới tính. Hay trường hợp bên mang thai hộ không chịu trả con, ngay cả khi đã nhận đủ tiền từ bên nhờ mang thai hộ, thì vợ chồng nhờ mang thai hộ cũng khó có căn cứ để có thể đòi lại con. Trong trường hợp này, bên bị vi phạm không có ràng buộc pháp lý để có thể yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ của mình. Không những thế, mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ khiến người mang thai hộ có nguy cơ trở thành một công cụ sản xuất và đứa trẻ là một món hàng. Vì vậy đây là một hành vi trái pháp luật, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ phải chịu những chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 60
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó việc tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự. Theo đó:
– Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như phạm tội đối với 02 người trở lên, phạm tội 02 lần trở lên, lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BYT 2019 về sinh con bằng thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ