Điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế là những khái niệm rất quen thuộc đối với chúng ta trong thời kì hội nhập hiện nay, Nước ta đã và đang xây dựng hệ thống pháp luật theo tinh thần xây dựng tiến bộ từ những ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế.
Mục lục bài viết
1. Thỏa thuận quốc tế là gì?
Căn cứ theo khoản 1 điều 2 Luật thỏa thuận quốc tế 2020 quy định cụ thể:
” 1. Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.”
Thỏa thuận quốc tế được thể hiện bằng văn bản, nêu ý định hợp tác thông qua các hoạt động cụ thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị trực thuộc đó. Thỏa thuận quốc tế phải có những nội dung chủ yếu sau: Tên gọi của văn bản; tên các bên ký kết; lĩnh vực, nội dung, phương thức hợp tác; thời điểm bắt đầu có hiệu lực, thời hạn hiệu lực; ngày ký, địa điểm ký, ngôn ngữ ký; họ tên, chức danh của người đại diện ký.Thỏa thuận quốc tế có thể có các nội dung khác, như cơ chế trao đổi thông tin, bảo mật, chi phí, giải quyết tranh chấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận quốc tế. Nội dung của thỏa thuận quốc tế phải thể hiện thỏa thuận quốc tế đó không có giá trị ràng buộc về pháp lý.
2. So sánh điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế:
2.1. Giống nhau:
Mục đích chỉ đạo việc xây dựng thỏa thuận quốc tế và điều ước quốc tế là nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.
2.2. Khác nhau:
Điều ước quốc tế | Thỏa thuận quốc tế | |
Chủ thể | Một bên là quốc gia (nhân danh Nhà nước hoặc chính phủ), một bên là các chủ thể của luật quốc tế như quốc gia khác, tổ chức quốc tế liên chính phủ, dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết, chủ thể đặc biệt khácNhư vậy tất cả các chủ thể tham gia điều ước quốc tế đều là chủ thể của luật quôc tế | Một bên là cơ quan nhà nước ở Trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan Trung ương của tổ chức. một bên là Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, |
Nội dung | Được thỏa thuận về mọi lĩnh vực thuộc đời sống quốc tếNhư vậy nội dung thỏa thuận rộng hơn | Chỉ được thỏa thuận về những vấn đề nằm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trừ một số nội dung.Như vậy nd thỏa thuận hẹp hơn |
ký kết | Khi ký kết cần phải phê chuẩn, phê duyệt những thỏa thuận giữa các bên phức tạp hơn | Không phải phê chuẩn, phê duyệt dẫn tới kí kết sẽ đơn giản hơn |
Gia nhập | Có thể gia nhập điều ước quốc tế mà mình không tham gia ký kết | Không được gia nhập những thỏa thuận mà mình không tham gia ký kết |
Bảo lưu | Được áp dụng bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực pháp lý của một hoặc một số quy định trong điều ước quốc tế khi áp dụng | Không được bảo lưu thỏa thuận quốc tế |
Tên gọi | hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác | Thỏa thuận, Bản ghi nhớ, |
3. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ:
Căn cứ theo quy định tại điều 9. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ Luật thỏa thuận quốc tế 2020 quy định cụ thể:
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.
2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 của Luật này.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ; kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.
4. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế. Trên cơ sở quyết định bằng văn bản của Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức việc ký kết thỏa thuận quốc tế.
5. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.
Như vậy có thể thấy pháp luật đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, theo đó trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đề xuất hoặc cơ quan khác được Thủ tướng Chính phủ phân công thực hiện thỏa thuận, Thẩm quyền kí kết ở đây là Chủ tịch nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước và thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ.
Thực hiện đúng theo quy định về thủ tục kí kết thỏa thuận quốc tế còn nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp, như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Điều ước quốc tế, Luật Quản lý nợ công. Bên cạnh đó có thể khắc phục những bất cập, khó khăn đã bộc lộ trong quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế, bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở nước ta theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 còn bổ sung một chương mới quy định về trình tự, thủ tục rút gọn với những tiêu chí, điều kiện cụ thể để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Luật quy định hai hình thức rút gọn, bao gồm rút gọn về quy trình và rút gọn về thời hạn, hồ sơ. Luật thỏa thuận quốc tế 2020 cũng bổ sung một số điều khoản về thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức và các thỏa thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm thỏa thuận quốc tế 2020 quy định cụ thể.
Kết luận: Qua bài viết này chúng tôi đề cập đến nội dung thỏa thuận quốc tế có thể thấy những quy định này để thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, nhà nước pháp quyền, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, theo đó việc thực hiện điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế đều phải theo một trình tự thủ tục nhất định do pháp luật quy định.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Luật thỏa thuận quốc tế 2020