Phân biệt thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường? Hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh và hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường có điểm gì giống và khác nhau?
I. Cơ sở pháp lý:
II. Nội dung tư vấn:
Mục lục bài viết
- 1 1. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là gì?
- 2 2. Hậu quả pháp lý của các hình thức thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
- 3 3. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh
- 4 4. Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
- 5 5. Hậu quả pháp lý đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
- 6 6. Quy định về xử phạt hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
1. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là gì?
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là sự thống nhất cùng hành động của nhiều doanh nghiệp nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ sức ép của cạnh tranh hoặc hạn chế khả năng hành động một cách độc lập giữa các đối thủ cạnh tranh. Các hành vi được coi là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại Điều 8 Luật cạnh tranh 2004:
Điều 8. Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh
Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm:
1. Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;
2. Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ;
3. Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ;
4. Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;
5. Thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;
6. Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
7. Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận;
8. Thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
2. Hậu quả pháp lý của các hình thức thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
2.1. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tuyệt đối
Theo khoản 1 Điều 9 Luật Cạnh tranh Việt Nam thì có 3 loại thỏa thuận được nêu tại các khoản 6, 7, 8 Điều 8 là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tuyệt đối:
– Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh (khoản 6 Điều 8);
– Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận (Khoản 7 Điều 8);
– Thông đồng để một hoặc các bên của thỏa thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ (Khoản 8 Điều 8).
2.2, Thỏa thuận hạn chế bị cấm có điều kiện và việc hưởng miễn trừ
Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khác ngoài 3 loại thỏa thuận liệt kê tại khoản 6, 7, 8 Điều 8 là thỏa thuận hạn chế có điều kiện. Cụ thể theo Khoản 2 Điều 9:“Cấm các thoả thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 8 của Luật này khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.”
Như vậy, bên cạnh việc tồn tại hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thuộc khoản 1 đến khoản 5 Điều 8 Luật cạnh tranh, các bên tham gia thỏa thuận phải thỏa mãn yêu cầu “có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên” thì thỏa thuận đó mới bị cấm.
Theo quan điểm của nhà làm luật Việt Nam: Thị phần là cơ sở để xác định khả năng chi phối của doanh nghiệp đối với thị trường. Đồng thời, với mức thị phần trên thị trường liên quan từ 30% trở lên, doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp đã có khả năng tác động đến giá cả thị trường của một loại hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ bán hoặc mua. Khi đó, pháp luật mới phải can thiệp bởi họ có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.Quy định này có phần tương tự “nguyên tắc tối thiểu” (de minimis principles) của pháp luật Liên minh Châu Âu.
2.3, Các trường hợp miễn trừ
Các trường hợp miễn trừ chỉ được áp dụng với nhóm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có điều kiện. Điều kiện miễn trừ được quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Cạnh tranh. Cụ thể: các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh từ khoản 1 tới khoản 5 Điều 8 sẽ được miễn trừ nếu nhằm mục đích giảm giá thành, có lợi cho người tiêu dùng, và đáp ứng một trong các điều kiện dưới đây:
“a) Hợp lý hoá cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh;
b) Thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ;
c) Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm;
d) Thống nhất các điều kiện kinh doanh, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá;
đ) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa;
e) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.”
Các trường hợp miễn trừ được xây dựng dựa trên nguyên tắc lập luận hợp lý (rule of reason) theo thông lệ quốc tế. Theo đó, một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh vẫn có thể được thực hiện nếu xét thấy lợi ích đối với nền kinh tế và người tiêu dùng lớn hơn tác động hạn chế cạnh tranh.
Theo cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh Việt Nam, ba loại thỏa thuận này bị cấm tuyệt đối và không được miễn trừ bởi chúng luôn mang tính chất hạn chế cạnh tranh mà không có bất cứ một cơ sở nào để có thể biện hộ về hiệu quả của chúng đối với thị trường (không thể áp dụng nguyên tắc lập luận hợp lý). Do vậy, việc xác định hành vi thỏa thuận bị cấm trong các trường hợp này không đòi hỏi phải chứng minh về sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận.
3. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh
4. Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
– Lạm dụng vị trí thống lĩnh: là hành động của 1 hay nhiều doanh nghiệp thực hiện các hành vi bị cấm trên cơ sở là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nhằm làm giảm, sai lệnh, cản trở cạnh tranh trên thị trường. Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh được quy định tại Điều 13 Luật cạnh tranh 2004:
Điều 13. Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm
Cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi sau đây:
1. Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
2. Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng;
3. Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng;
4. Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh;
5. Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;
6. Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới.
5. Hậu quả pháp lý đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
Theo điều 13 và Điều 14 Luật Cạnh tranh có nêu hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường gây ra các hậu quả kinh tế, xã hội:
– Thứ nhất, phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng:
Doanh nghiệp lợi dụng vị trí độc quyền, vị thế thống lĩnh thị trường áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng như:
-Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng;
-Hạn chế sản xuất , phân phối hàng hóa , dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng.
-Thứ hai: Gây ra tình trang bất bình đẳng trong cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp khác:
-Lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong kinh doanh;
-Áp đặt điều kiện cho các doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;
-Lợi dụng vị thế độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng; Bán hàng hóa dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
-Ngăn cản việc tham gia thị trường cảu các đối thủ cạnh tranh mới.
– Gây thiệt hại đối với Nhà nước: không phát triển khao học công nghệ, lãng phí nguồn lực và giảm các nguồn thu từ thuế.
6. Quy định về xử phạt hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
Để chống lại các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh để cạnh tranh về giá, pháp luật về cạnh tranh đã có những quy định để xử phạt những doanh nghiệp có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh để cạnh tranh về giá, cụ thể các hình thức xử phạt như sau:
Thứ nhất, phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp;
Thứ hai, tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;
Thứ ba, buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh liên quan;
Thứ tư, buộc cơ cấu lại doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.
Pháp luật cạnh tranh quy định rõ ràng về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh để cạnh tranh về giá để hạn chế cạnh tranh và các biện pháp để chống lại hành vi này. Vì vậy, trong quá trình hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp cần lưu ý để kinh doanh đúng pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư Luật sư tư vấn Luật Dương Gia, cho tôi hỏi: Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của nhóm doanh nghiệp có những điểm giống và khác nhau như thế nào? Xin cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Về sự giống nhau:
– Cả hai hành vi này đều là hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường.
– Chủ thể thực hiện hành vi là doanh nghiệp.
Về sự khác nhau:
Tiêu chí | Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh | Lạm dụng vị trí thống lĩnh |
Chủ thể | Nhóm các doanh nghiệp không hạn chế số lượng, tối thiểu là 2 doanh nghiệp trở lên. | Nhóm doanh nghiệp thực hiện hành vi tối đa là 4 doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện hành vi phải có khả năng hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. |
Ý chí | GIữa các doanh nghiệp có sự thống nhất ý chí về hành vi thực hiện. | Các doanh nghiệp vô tình cùng thực hiện hành vi giống nhau. |
Hành vi | Được quy định tại Điều 8 Luật cạnh tranh 2004. Hành vi được thỏa thuận phải đã, đang hoặc sẽ xảy ra. | Được quy định tại Điều 13 Luật cạnh tranh 2004. Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh phải đã hoặc đang xảy ra. |
Thị phần | Một số hành vi thỏa thuận bị xử lý khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên. | Doanh nghiệp bị xử lý về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trong trường hợp: – Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; – Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan; – Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan. |
Thái độ của nhà nước | Các hành vi thỏa thuận được quy định theo Điều 8 Luật cạnh tranh bao gồm: – Hành vi bị cấm tuyệt đối. – Hành vi cấm có điều kiện. | Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh theo quy định tại Điều 13 Luật cạnh tranh bị cấm tuyệt đối.
|