Khi xảy ra tranh chấp trong lĩnh vực môi trường thường xảy ra những thiệt hại chủ yếu nào?
Giá trị thiệt hại trong tranh chấp môi trường thường là rất lớn, các lợi ích bị xâm hại thường khó xác định. Chúng có thể là tài sản,tính mạng, sức khỏe của con người, có thể là các giá trị mang tính nhân văn như: cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, di tích lịch sử bị hủy hoại do bị nhiễm bẩn, ô uế… hoặc các yếu tố khác của môi trường như rừng tự nhiên bị tàn phá, nguồn nước cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm.. Các lợi ích này thường đồng thời bị xâm hại trên diện rộng, kéo theo những giá trị thiệt hại lớn, việc phục hồi là rất khó khăn.
Điều này bắt nguồn từ thực tế là hậu quả do hành vi gây hại đối với môi trường thường rất nghiêm trọng, đa dạng và biến đổi với nhiều cấp độ khác nhau,gồm: thiệt hại trực tiếp, thiệt hại gián tiếp; thiệt hại trước mắt, thiệt hại lâu dài; thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về sinh thái; thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe; thiệt hại đối với một quốc gia, thiệt hại trên phạm vi quốc tế…
Hơn nữa, sự xâm hại đến thành phần môi trường này sẽ ảnh hưởng đến thành phần môi trường khác (theo phản ứng dây chuyền),vì vậy giá trị thiệt hại thường là rất lớn, việc xác định hành vi nhân quả là rất khó khăn. Ví dụ: Đối với việc xả thải ra sông Thị Vải, ngoài công ty Vedan còn có nhiều doanh nghiệp khác cũng có hành vi xả thải ra dòng sông này. Như vậy, việc xác định thiệt hại và trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp là vô cùng khó khăn khăn và tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Trong khi đó các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, thiệt hại mang tính cá biệt hóa, việc xác định giá trị thiệt hại gặp không mấy khó khăn thì trong tranh chấp môi trường, thiệt hại thường mang tính hỗn hợp, đan xen vào nhau và rất khó để xác định một cách rạch ròi, chính xác, đặc biệt là những thiệt hại gián tiếp, lâu dài. Chính vì vậy, đặc trưng này đòi hỏi phải có phương pháp cụ thể, hợp lý để xác định các lợi ích bị xâm hại. Do đó, nếu chỉ đơn thuần áp dụng các quy định chung của pháp luật như hiện nay thì chưa phù hợp.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Từ những phân tích ở trên nhận thấy rằng tranh chấp môi trường là tranh chấp có tính phức tạp cao và khó giải quyết triệt để. Chính vì thế mà việc nghiên cứu xây dựng và áp dụng pháp luật môi trường là vấn đề phức tạp cần được nghiên cứu sâu mới có thể giải quyết được một cách có hiệu quả những tranh chấp môi trường.