Thị thực là một yêu cầu của một số quốc gia đòi hỏi cần phải có khi nhập cảnh trong một số trường hợp, đối với một số quốc gia không yêu cầu phải có thị thực thì thường đây là kết quả thỏa hiệp giữa quốc gia đó với các quốc gia của đương sự. Vậy thị thực là gì? Các loại thị thực? Quy định của pháp luật về thị thực?
Mục lục bài viết
1. Thị thực là gì?
Các quốc gia thường có các điều kiện để các cấp thị thực, chẳng hạn như thời hạn hiệu lực của thị thực, khoảng thời gian mà đương sự có thể lưu lại đất nước của họ. Thường thì thị thực hợp lệ cho nhiều lần nhập cảnh (tùy theo điều kiện) nhưng có thể bị thu hồi vào bất cứ lúc nào và với bất kỳ lý do gì.
Thị thực có thể được cấp trực tiếp tại quốc gia, hoặc thông qua đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của quốc gia đó, đôi khi thông qua một cơ quan chuyên môn, công ty du lịch có sự cho phép của quốc gia phát hành. Nếu không có đại sứ quán hoặc lãnh sự quán ở nước mình, đương đơn phải đến một quốc gia thứ ba có các cơ quan này.
Miễn thị thực là trường hợp quốc gia có quy chế cho phép một số đối tượng đặc biệt được phép xuất nhập cảnh ưu tiên không phân biệt mục đích xuất nhập cảnh.
Các đối tượng được miễn thị thực bao gồm:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được miễn thị thực nhập cảnh nếu có đủ các điều kiện:
1. Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thay hộ chiếu nước ngoài (dưới đây gọi tắt là hộ chiếu) còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu thì phải có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh.
Giấy miễn thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
1. Người được cấp Giấy miễn thị thực sau đó nếu bị phát hiện những vấn đề không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 2 Quy chế này sẽ bị hủy Giấy miễn thị thực.
2. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện việc hủy Giấy miễn thị thực đối với người được cấp đang ở nước ngoài. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an; lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh thuộc Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) tại cửa khẩu thực hiện việc hủy Giấy miễn thị thực đối với người được cấp đang tạm trú ở Việt Nam hoặc đang ở cửa khẩu Việt Nam.
3. Trường hợp Giấy miễn thị thực bị hủy, phí xử lý hồ sơ sẽ không được hoàn trả.
Thị thực tiếng Anh là: Visa
2. Các loại thị thực:
Theo quy định hiện nay, có bao gồm các loại thị thực được ký hiệu như sau:
Thị Thực NG1 – Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Thị Thực NG2 – Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án
Thị Thực NG3 – Cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.
Thị Thực NG4 – Cấp cho người vào làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ; người vào thăm thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ.
Thị Thực LV1 – Cấp cho người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thị Thực LV2 – Cấp cho người vào làm việc với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Thị Thực ĐT – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
Thị Thực DN – Cấp cho người vào làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thị Thực NN1 – Cấp cho người là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
Thị Thực NN2 – Cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
Thị Thực NN3 – Cấp cho người vào làm việc với tổ chức phi chính phủ nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
Thị Thực DH – Cấp cho người vào thực tập, học tập.
Thị Thực HN – Cấp cho người vào dự hội nghị, hội thảo.
Thị Thực PV1 – Cấp cho phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam.
Thị Thực PV2 – Cấp cho phóng viên, báo chí vào hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam.
Thị Thực LĐ – Cấp cho người vào lao động.
Thị Thực DL – Cấp cho người vào du lịch.
Thị Thực TT – Cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.
Thị Thực VR – Cấp cho người vào thăm người thân hoặc với mục đích khác.
3. Quy định của pháp luật Việt Nam về thị thực:
3.1. Điều kiện để được cấp thị thực:
1. Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
2. Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này.
3. Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.
4. Các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh:
- Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư;
- Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;
- Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của
Bộ ;luật lao động - Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.
3.2. Giá trị sử dụng và hình thức sử dụng của thị thực:
1. Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích.
2. Thị thực được cấp riêng cho từng người, trừ trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi được cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.
3. Thị thực được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời.
3.3. Thời hạn của thị thực:
Thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày.
Thị thực ký hiệu HN, DL có thời hạn không quá 03 tháng.
Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 06 tháng.
Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, DN, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2 và TT có thời hạn không quá 12 tháng.
Thị thực ký hiệu LĐ có thời hạn không quá 02 năm.
Thị thực ký hiệu ĐT có thời hạn không quá 05 năm.
Thị thực hết hạn, được xem xét cấp thị thực mới.
Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày.
3.4. Đơn phương miễn thị thực:
1. Quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân của một nước phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;
- Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ;
- Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
2. Quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn không quá 05 năm và được xem xét gia hạn. Quyết định đơn phương miễn thị thực bị hủy bỏ nếu không đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Căn cứ quy định của Điều này, Chính phủ quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với từng nước.
3.5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này, bao gồm:
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;
- Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng và tương đương; Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam;
- Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài; văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam;
- Tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú.
2. Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định hoặc giấy phép hoạt động được cấp. Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú được mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam thăm và phải có giấy tờ chứng minh quan hệ với người được mời, bảo lãnh.
Thị thực là điều không thể không nhắc đến trong một nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Chính vì vậy, mỗi cá nhân cần tự trang bị cho mình những kiến thức liên quan để tránh lúng túng khi thực hiện.