Ngày nay có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông đường bộ nên những phương tiện này cần phải đảm bảo tuân thủ quy định về an toàn giao thông. Trong trường hợp tại ngã tư nơi giao nhau thì xe nào được ưu tiên đi trước?
Mục lục bài viết
- 1 1. Các phương tiện được ưu tiên qua ngã tư:
- 2 2. Tại ngã tư, nơi giao nhau thì xe nào được đi trước?
- 3 3. Xe không tuân thủ nguyên tắc nhường nhau khi tham gia giao thông tại ngã tư, nơi giao nhau bị xử phạt như thế nào?
- 3.1 3.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
- 3.2 3.2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện) và các loại xe tương tự như xe mô tô, xe gắn máy:
- 3.3 3.3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với ngưòi điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dụng:
- 3.4 3.4. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (bao gồm cả xe đạp điện), xe thô sơ khác:
1. Các phương tiện được ưu tiên qua ngã tư:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì dù ở tuyến đường nào thì xe ưu tiên vẫn được đi trước để đảm bảo thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn. Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì những loại xe ưu tiên khi đi qua ngã tư hay dù ở bất kỳ tuyến đường nào thì vẫn được bảo đảm ưu tiên để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đã được quy định. Cụ thể các loại xe ưu tiên được quy định như sau:
– Thứ nhất là xe chữa cháy hay còn gọi là xe cứu hỏa. Đây là một loại xe chuyên dùng của lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy dùng để dập tắt các đám cháy. Xe được trang bị các thiết bị hỗ trợ cứu cháy chữa cháy như nước, vòi phun nước và một số dụng cụ chuyên dụng khác. Bên cạnh đó, thẩm quyền sử dụng xe cứu hoả là những người lính cứu hỏa đã trải qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ theo chuẩn quy định của nhà nước về phòng cháy, chữa cháy;
– Thứ hai là xe quân sự, xe công an, đoàn xe của Nhà nước đi làm nhiệm vụ khẩn cấp có xe cảnh sát dẫn đường. Đây là các xe do những người giữ chức vụ bộ đội, công an và cảnh sát sử dụng trong lúc thực hiện nhiệm vụ. Biển số của các loại xe này thường là màu đỏ, xanh,… để phân biệt với các loại xe thông thường khác;
– Thứ ba là xe cứu thương. Đây được xác định là loại xe chuyên dùng của ngành y tế, dùng để vận chuyển và cấp cứu những người bệnh nặng cần được cứu chữa kịp thời, những người bị thương. Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu;
– Thứ tư là xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp: là các xe được sử dụng khi xảy ra các sự cố cần phải khắc phục khẩn cấp như vỡ đê, thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt,…;
– Thứ năm là đoàn xe tang lễ. Đoàn xe tang lễ bao gồm các loại xe tải được sửa đổi một số đặc điểm như thêm các họa tiết trang trí, dụng cụ đặc biệt,…chuyên dùng trong tang lễ và dùng để chở quan tài đi chôn hay hỏa táng. Ngoài xe tải chở quan tài, những chiếc xe ô tô và xe máy đi cạnh xe tải để rước quan tài đi chôn hay hỏa táng sẽ tạo thành một đoàn xe và đó được gọi là đoàn xe tang.
Theo nguyên tắc ưu tiên thì thứ tự ưu tiên của các phương tiện kể trên như sau: Đầu tiên là xe cứu hoả, đến xe quân sự, công an và sau đó là xe cứu thương. Nguyên tắc ưu tiên này được xây dựng dựa trên sự ưu tiên sự an toàn, ổn định của một đất nước, tập thể, khu vực dân cư sau đó mới đến tính đến sự mất mát, an toàn của cá nhân.
Lưu ý, chỉ trừ đoàn xe tang lễ thì những phương tiện ưu tiên trên khi đi làm nhiệm vụ phải đảm bảo có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
2. Tại ngã tư, nơi giao nhau thì xe nào được đi trước?
Bên cạnh việc nhường đường cho những phương tiện được ưu tiên như đã phân tích tại mục 1 của bài viết này thì để bảo đảm an toàn giao thông thì người tham gia giao thông cũng cần lưu ý các nguyên tắc nhường đường khi qua ngã tư, nơi giao nhau theo quy định tại Điều 24 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Cụ thể theo quy định này thì khi đến gần đường giao nhau, ngã tư thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải cho xe giảm tốc độ và thực hiện việc nhường đường theo nguyên tắc sau:
– Tại đường nơi giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến thì các xe tham gia giao thông phải nhường đường cho xe đi từ phía bên phải;
– Tại đường nơi giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến thì các xe tham gia giao thông phải nhường đường cho xe đi bên trái;
– Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới. Theo đó, các phương tiện lưu thông trên đường chính, đường ưu tiên phải được ưu tiên di chuyển trước. Các xe di chuyển từ các nhánh khác đi tới phải có tính hiệu, thông báo để rẽ ra phía đường chính.
3. Xe không tuân thủ nguyên tắc nhường nhau khi tham gia giao thông tại ngã tư, nơi giao nhau bị xử phạt như thế nào?
Khi tham gia giao thông, đến ngã tư, đường giao nhau thì người điều khiển phương tiện giao thông phải bảo đảm tuân thủ chỉ dẫn cũng như nguyên tắc mà Luật Giao thông đường bộ quy định. Theo đó, nếu không tuân thủ quy tắc tham gia giao thông tại ngã tư, nơi giao nhau thì người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm sẽ bị cảnh sát giao thông lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tương ứng với từng loại phương tiện và trường hợp cụ thể. Cụ thể xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông không tuân thủ quy tắc được quy định như sau:
3.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5
Căn cứ theo quy định tại điểm m khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển xe ô tô hay xe tương tự xe tô tô không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 800 nghìn đồng đến 01 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền vi phạm hành chính thì người điều khiển xe ô tô và các phương tiện tương tự xe ô tô khi vi phạm quy định trên sẽ bị áp dụng hình phạt bổ là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng theo quy định tại điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
3.2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện) và các loại xe tương tự như xe mô tô, xe gắn máy:
Căn cứ theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy và những phương tiện tương tự như xe mô tô, xe gắn máy không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi giao (trừ các tường hợp không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau) thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền xử phạt từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển phương tiện nêu trên không thực hiện việc giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng.
Bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền thì người điểm khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung khi vi phạm mà dẫn đến hậu quả là gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng theo quy định tại điểm c khoản 10 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
3.3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với ngưòi điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dụng:
Căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 7 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển phương tiện này không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau thì bị xử phạt vi phạm hành chính thì bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng.
Ngoài ra, trong trường hợp người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dụng khi thực hiện hành vi vi phạm nêu trên nếu gây ra tai nạn thì bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định số 00/2019/NĐ-CP.
3.4. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (bao gồm cả xe đạp điện), xe thô sơ khác:
Theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 8 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) và xe thô sơ khác mà không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
– Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.