Giáo dục khoa cử là nét truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc ta. Dù ở thời đại nào thì giáo dục khoa cử ở nước ta luôn được quan tâm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời các bạn tham khảo bài viết: Theo em, vì sao các vương triều Đại Việt quan tâm đến giáo dục khoa cử? dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Theo em, vì sao các vương triều Đại Việt quan tâm đến giáo dục khoa cử?
Các vương triều Đại Việt quan tâm đến giáo dục, khoa cử, vì:
- Giáo dục phát triển góp phần nâng cao trình độ nhận thức, văn hóa của nhân dân.
- Thông qua giáo dục, khoa cử có thể bồi dưỡng và lựa chọn ra những người hiền tài để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
- Phát triển giáo dục và khoa cử cũng đồng thời là chính sách để góp phần bảo vệ chế độ chính trị, sự ổn định của trật tự xã hội. Bởi:
- Giáo dục là một trong những phương tiện chủ yếu để tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của nhà nước. Nội dung học tập chủ yếu của nền giáo dục ở Việt Nam thời phong kiến là các quan điểm, tư tưởng của Nho giáo, ví dụ: quan điểm “trung quân ái quốc”; quan điểm về “tam cương – ngũ thường”… các quan điểm của Nho giáo có vai trò lớn , chi phối tới đời sống tư tưởng, tinh thần của nhân dân. Do đó, phát triển giáo dục Nho học cũng sẽ góp phần duy trì sự ổn định của trật tự, lễ giáo phong kiến.
- Mặt khác, việc phát triển giáo dục và khoa cử cũng góp phần giúp đất nước Đại Việt lưu giữ, truyền đạt tri thức, văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
2. Giáo dục khoa cử ở các vương triều Đại Việt:
Thời Đinh, Tiền Lê:
- Do những biến động của đất nựớc ở thế kỉ X, sự tồn tại của các triều đại không dài và những người đứng đầu các triều đại hầu hết là các thủ lĩnh quân sự nên giáo dục của đất nước chưa có điều kiện phát triển.
- Thời kì này các nhà sư là tầng lớp trí thức tinh thông cả Nho học, Phật giáo và họ mở trường, lớp tại các chùa để dạy học, đào tạo được nhiều tài năng như sư Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh.
Thời Lý, Trần, Hồ:
- Do đòi hỏi phải tuyển những người tài đức để phục vụ đất nước nên việc giáo dục và thi cử được các triều đại coi trọng.
Nhà Lý:
+ Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử đặt tại Thăng Long.
+ Năm 1075, mở khoa thi quốc gia đầu tiên.
+ Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng Quốc Tử giám tại kinh thành.
Nhà Trần:
+ Giáo dục ngày càng mở rộng.
+ Năm 1247, vua Trần Thái Tông đã cho đặt bộ máy Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa).
Nhà Hồ: ban hành những quy định để đưa thi cử vào nề nếp, đưa toán vào thi cử.
Thời Lê sơ:
Phát triển mạnh mẽ nhất dưới triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497).
- Mở rộng trường công của nhà nước đến các địa phương.
- Quy định 3 năm mở một kì thi Hội đế lựa chọn tiến sĩ.
- Năm 1484, cho dựng bia ghi tên những người đỗ tiến sĩ đặt trong Văn Miếu.
- Thời Lê Thánh Tông đã tổ chức được 12 khoa thi Hội, lấy đỗ được hàng trăm tiến sĩ.
Ý nghĩa: Việc phát triển giáo dục đã tạo điều kiện để nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và thông qua thi cử đã tuyển chọn được nhiều người có tài năng phục vụ cho đất nước.
3. Bài tập vận dụng có đáp án:
Câu 1. Một trong những cơ sở hình thành văn minh Đại Việt là
A. sự tiếp thu hoàn toàn những thành tựu văn minh Hy Lạp, La Mã.
B. sự kế thừa những nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam.
C. quá trình áp đặt về kinh tế và văn hóa lên các quốc gia láng giềng.
D. quá trình xâm lược và bành trướng lãnh thổ ra bên ngoài.
Đáp án đúng là: B
Những cơ sở hình thành văn minh Đại Việt:
- Sự kế thừa những thành tựu văn minh cổ trên đất nước Việt Nam (văn minh Văn Lang – Âu Lạc, văn minh Chăm-pa, văn minh Phù Nam).
- Quá trình sinh sống, lao động và thích ứng với điều kiện tự nhiên của người Việt.
- Quá trình đấu tranh giành độc lập và bảo tồn văn hóa thời Bắc thuộc; quá trình chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ và củng cố nền độc lập, xây dựng và phát triển đất nước qua các triều đại phong kiến.
- Sự tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của các nền văn minh bên ngoài (Ấn Độ, Trung Quốc,…).
Câu 2. Các triều đại phong kiến ở Việt Nam đều theo thể chế nào sau đây?
A. Quân chủ chuyên chế.
B. Quân chủ lập hiến.
C. Dân chủ chủ nô.
D. Dân chủ đại nghị.
Đáp án đúng là: A
Các triều đại phong kiến ở Việt Nam đều theo thể chế quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Đứng đầu bộ máy chính quyền trung ương là hoàng đế, có quyền quyết định mọi công việc. Giúp việc cho hoàng đế có các cơ quan và hệ thống quan lại. Chính quyền địa phương được chia thành các cấp quản lí, mỗi cấp đều sắp đặt các chức quan cai quản.
Câu 3. Quốc triều hình luật là bộ luật được ban hành dưới triều đại nào?
A. Lý.
B. Trần.
C. Lê sơ.
D. Nguyễn.
Đáp án đúng là: C
Quốc triều hình luật là bộ luật được ban hành dưới triều Lê sơ. Đây được coi là bộ luật tiến bộ nhất của nước ta thời phong kiến.
Câu 4. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng chính sách phát triển nông nghiệp của các triều đại phong kiến ở Việt Nam?
A. Khuyến khích khai hoang mở rộng diện tích canh tác.
B. Nhà nước thành lập các cơ quan chuyên trách đê điều.
C. Quy định cấm giết trâu bò, bảo vệ sức kéo cho nông nghiệp.
D. Xóa bỏ hoàn toàn chế độ tư hữu ruộng đất trong cả nước.
Đáp án đúng là: D
Chính sách phát triển nông nghiệp của các triều đại phong kiến ở Việt Nam:
- Các hoàng đế thường thực hiện nghi lễ Tịch điền vào mùa xuân để khuyến khích nghề nông phát triển.
- Nhà nước thành lập các cơ quan chuyên trách đê điều, cử quan lại thường xuyên trông coi việc đắp đê, nạo vét kênh mương, đào nắn các dòng chảy,… phục vụ sản xuất.
- Quy định cấm giết trâu bò để bảo vệ sức kéo cho nông nghiệp, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng.
- Khuyến khích khai hoang mở rộng diện tích canh tác, nâng cao kĩ thuật canh tác, du nhập và cải tạo giống lúa,…
Dưới thời phong kiến, chế độ tư hữu ruộng đất luôn tồn tại và ngày càng phổ biến. Do đó phương án xóa bỏ hoàn toàn chế độ tư hữu ruộng đất trong cả nước không phải là chính sách của các triều đại phong kiến.
Câu 5. Tín ngưỡng nào sau đây không phải là tín ngưỡng dân gian của người Việt?
A. Thờ thần Đồng Cổ.
B. Thờ Mẫu.
C. Thờ Phật.
D. Thờ Thành hoàng làng.
Đáp án đúng là: C
Tín ngưỡng dân gian của người Việt bao gồm:
- Vạn vật hữu linh, thờ cúng tổ tiên, thờ người có công với làng, với nước.
- Thờ thần Đồng Cổ (thần Trống Đồng). Tín ngưỡng này được đưa vào cung đình từ thời Lý, được triều đình bảo trợ và phát triển dưới hình thức một nghi lễ nhằm giữ đạo trung hiếu với vua, với quốc gia.
- Thờ Mẫu (từ thế kỉ XVI trở thành tín ngưỡng được đông đảo người Việt tin theo).
- Thờ Thành hoàng làng tại đình, đền, miếu ở các làng xã.
Câu 6. Từ thời Lê sơ, tôn giáo nào sau đây trở thành hệ tư tưởng chính thống của nhà nước quân chủ ở Việt Nam?
A. Phật giáo.
B. Đạo giáo.
C. Nho giáo.
D. Công giáo.
Đáp án đúng là: C
Nho giáo được du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Nhà Lý là triều đại đầu tiên chính thức sử dụng chế độ thi cử Nho học để tuyển chọn quan lại. Đến thời Lê sơ, nhà nước thực hiện chính sách độc tôn Nho học, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống của nhà nước quân chủ.
Câu 7. Nền giáo dục, khoa cử của Đại Việt bắt đầu được triển khai từ triều đại nào?
A. Nhà Lý.
B. Nhà Trần.
C. Nhà Lê sơ.
D. Nhà Nguyễn.
Đáp án đúng là: A
Nền giáo dục, khoa cử của Đại Việt bắt đầu được triển khai từ thời nhà Lý.
Câu 8. Trên cơ sở chữ Hán, người Việt đã sáng tạo ra loại chữ viết nào sau đây?
A. Chữ Phạn.
B. Chữ Nôm.
C. Chữ La-tinh.
D. Chữ Quốc ngữ.
Đáp án đúng là: B
Trên cơ sở chữ Hán, chữ Nôm được người Việt sáng tạo, xuất hiện sớm nhất vào thế kỉ VIII, được sử dụng rộng rãi từ thế kỉ XIII.
Câu 9. Văn học Đại Việt bao gồm hai bộ phận, đó là
A. văn học dân gian và văn học viết.
B. văn học chữ Hán và văn học chữ Quốc ngữ.
C. văn học dân tộc và văn học ngoại lai.
D. văn học chữ Nôm và văn học chữ Quốc ngữ.
Đáp án đúng là: A
Văn học Đại Việt phong phú, đa dạng, gồm hai bộ phận: văn học dân gian và văn học viết.
Câu 10. Kinh đô của Đại Việt dưới thời Lý, Trần và Lê sơ là
A. Hoa Lư.
B. Tây Đô.
C. Thăng Long.
D. Phú Xuân.
Đáp án đúng là: C
Kinh đô của Đại Việt dưới thời Lý, Trần và Lê sơ là Thăng Long.
THAM KHẢO THÊM: