Quy định về khai báo tạm trú cho người nước ngoài? Thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài? Thủ tục cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài khi hết hạn?
Việc đăng ký tạm trú với người nước ngoài còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong vấn đề quản lý trật tự,an ninh, an toàn xã hội. Tuy nhiên, người nước ngoài muốn đăng ký tạm trú tại Việt Nam cần những điều kiện gì? Thủ tục đăng ký tạm trú ra sao? Thời hạn của thẻ tạm trú như thế nào?
Tư vấn điều kiện, thủ tục cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Điều kiện cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài:
Để được cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam, người nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Chấp hành đúng quy định của pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh như có hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực. Người nước ngoài có hộ chiếu còn thời hạn sử dụng tối thiểu là 13 tháng. Nếu hộ chiếu còn thời hạn 13 tháng thì cơ quan xuất nhập cảnh sẽ cấp thẻ tạm trú với thời hạn tối đa là 12 tháng.
– Có nơi tạm trú hợp pháp: Việc xác định nơi tạm trú hợp pháp thông qua giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp; nơi ở đã có đủ các giấy phép đảm bảo đủ điều kiện cho người nước ngoài thuê; đã đăng ký khai báo tạm trú và được cấp sổ tạm trú hoặc giấy chứng nhận đăng ký tạm trú.
– Người nước ngoài vào Việt Nam có mục đích ở lại lâu dài, ổn định và hợp pháp. Có thể là mục đích làm việc, công tác hoặc thực hiện một công việc nhất định tại Việt Nam. Ví dụ, người nước ngoài là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thành viên của Hội đồng quản trị công ty cổ phần. Người nước ngoài vào Việt Nam do Việt Nam thuê để khắc phục một số trường hợp khẩn cấp như xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật phức tạp làm ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các tổ chức, cá nhân trong nước không xử lý được. Trong một số trường hợp đặc biệt, người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích truyền tải, ghi nhận thông tin, báo chí được sự cho phép của Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, người nước ngoài vào Việt Nam còn có thể gắn với mối quan hệ nhân thân như có cha, mẹ, vợ, chồng…là người Việt Nam, người nước ngoài là vợ, chồng, con… đi theo những đối tượng nêu trên vào lãnh thổ Việt Nam.
Nói chung, với chính sách phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu quốc tế thì việc người nước ngoài tạm trú ở Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau càng trở lên phổ biến và được Nhà nước, Chính phủ Việt Nam hỗ trợ với những điều kiện trên là hoàn toàn hợp lý nhằm đảm bảo thuận tiện cho công tác quản lý và các hoạt động xã hội khác.
2. Thủ tục cấp thẻ tạm trú:
Căn cứ theo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 và Thông tư số 31/2015/TT-BCA hướng dẫn thủ tục cấp thẻ tạm trú quy định như sau:
- Hồ sơ cấp thẻ tạm trú nói chung bao gồm:
– Văn bản đề nghị cấp thẻ tạm trú theo mẫu NA6, NA8 ( đối với cơ quan, tổ chức) hoặc mẫu NA7, NA8 ( đối với cá nhân) ban hành kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BCA
– Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh
– Hộ chiếu còn thời hạn
– Ngoài ra, người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú còn cần có giấy tờ chứng minh như sau:
+ Nếu là người nước ngoài thuộc đối tượng được cấp thị thực có ký hiệu là LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ, TT khi thực hiện thủ tục cấp thẻ tạm trú thì phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân đã mời, bảo lãnh trực tiếp đến làm thủ tục tại cơ quan cấp thẻ tạm trú là Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú.
+ Nếu người nước ngoài thuộc đối trượng được cấp thẻ tạm trú ký hiệu NG3 thì phải có giấy tờ chứng minh là thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tai Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.
- Trình tự giải quyết
– Đối với người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú ký hiệu NG3 thì cơ quan địa diện ngoại giao, lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền của nước ngoài tại Việt Nam nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao
– Đối với người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú có ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ, TT thì cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh trực tiếp nộp hồ sơ tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú.
– Thời gian giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý về ký hiệu của thẻ tạm trú
+ LV1, LV2 ( Làm việc): Là thẻ tạm trú được cấp cho người nước ngoài tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, LV1 dành cho người làm việc tại các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ,
+ ĐT ( đầu tư) : Sử dụng cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư nước ngoài đủ điều kiện hành nghề tại Việt Nam.
+ NN1, NN2 : Áp dụng cho đối tượng thuộc tổ chức, văn phòng đại diện, chi nhánh của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, NN1 cấp cho Trưởng văn phòng đại diện, dự án, tổ chức phi chính phủ. NN2 cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa, chuyên môn khác.
+ DH: Dành cho người có mục đích học tập, thực tập tại Việt Nam
+ PV ( phóng viên) : Cấp cho người nước ngoài là phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam
+ LĐ ( lao động): Người lao động được cấp phép lao động tại Việt Nam
+ TT : Áp dụng cho thân nhân của người nước ngoài như vợ, chồng, con dưới 18 tuổi hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.
3. Thời hạn của thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư! Tôi là người nước ngoài đang làm trong doanh nghiệp tại Việt Nam, tôi đã được cấp thẻ tạm trú, vậy xin Luật sư cho tôi hỏi pháp luật Việt Nam quy định thẻ tạm trú cho người nước ngoài có thời hạn bao lâu? Tôi xin cảm ơn.!
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 8 và Điều 38, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014:
Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, LV2, ĐT và DH có thời hạn không quá 05 năm:
– Thẻ tạm trú ký hiệu NG3: Cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.
– Thẻ tạm trú ký hiệu LV1: Cấp cho người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Thẻ tạm trú ký hiệu LV2: Cấp cho người vào làm việc với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
– Thẻ tạm trú ký hiệu ĐT: Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
– Thẻ tạm trú ký hiệu DH: Cấp cho người vào làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1, NN2, TT có thời hạn không quá 03 năm:
– Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1: Cấp cho người là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
– Thẻ tạm trú có ký hiệu NN2: Cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
– Thẻ tạm trú có ký hiệu TT: Cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.
Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ và PV1 có thời hạn không quá 02 năm:
– Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ: Cấp cho người vào lao động.
– Thẻ tạm trú có ký hiệu PV1: Cấp cho phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam.
Như vậy, bạn là người nước ngoài đang làm trong doanh nghiệp tại Việt Nam, vậy bạn sẽ được cấp thẻ tạm trú có ký hiệu DH và thời hạn của thẻ tạm trú có ký hiệu DH là không quá 5 năm.
4. Quy định về khai báo tạm trú cho người nước ngoài:
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty tôi có một trường hợp như sau, công ty tôi có một người nước ngoài đi sang Việt Nam với Visa 3 tháng. Tuy nhiên họ không phải người lao động trực tiếp cho công ty nên công ty không đứng ra bảo lãnh, họ có đăng ký thuê nhà của một nhà trọ, chủ nhà trọ đã khai báo tạm trú. Hết 3 tháng thì họ đã về nước, tuy nhiên đến đợt sau họ lại có visa 3 tháng sang Việt Nam tiếp, khoảng thời gian đó cách nhau tầm 4 – 5 tháng? Vậy họ có phải làm thủ tục khai báo tạm trú hay không, vì lúc làm tốn rất nhiều tiền. Tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Trong trường hợp này, bạn cần hiểu rõ nội dung sau:
+ Visa của người nước ngoài chỉ có thời hạn là 3 tháng
+ Các đợt sang là khác nhau
Theo quy định của Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 thì thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực; trường hợp thị thực còn thời hạn không quá 15 ngày thì cấp tạm trú 15 ngày; trường hợp thị thực có ký hiệu ĐT, LĐ thì cấp tạm trú không quá 12 tháng và được xem xét cấp thẻ tạm trú;
Mặt khác, cũng theo Điều 33 Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
“Điều 33. Khai báo tạm trú
1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.
2. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
3. Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
4. Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, trong trường hợp này phải tiến hành khai báo tạm trú, vì thời hạn tạm trú trước đó chỉ giới hạn trong thời hạn thị thực và được đóng dấu vào thị thực.
5. Thủ tục cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài khi hết hạn
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, xin luật sư tư vấn giúp tôi việc xin cấp lại thẻ tạm trú cho thân nhân của người nước ngoài làm việc tại công ty tôi, cụ thể như sau: Chồng của chị người Thái Lan đang làm việc tại công ty tôi đã được cấp thẻ tạm trú và sẽ hết hạn cuối tháng 10/2016. Anh ta được cấp thẻ tạm trú theo diện thân nhân người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Vậy việc cấp lại thẻ tạm trú cho thân nhân người nước ngoài cần những giấy tờ gì? Xin cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Thân nhân của người nước ngoài lao động tại Việt Nam là đối tượng được cấp thẻ tạm trú có thời hạn không quá 3 năm theo quy định tại Điều 38 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, nếu thẻ tạm trú hết hạn sẽ được cấp thẻ mới. Như vậy, chồng của người lao động trong công ty bạn khi thẻ tạm trú hết hạn sẽ được cấp thẻ tạm trú mới. Điều 37 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú gồm:
– Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh:
+ Mẫu NA6 và NA8 sử dụng cho cơ quan, tổ chức;
+ Mẫu NA7 và NA8 sử dụng cho cá nhân.
– Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh của người nước ngoài
– Hộ chiếu của người nước ngoài;
– Giấy tờ chứng minh điều kiện tạm trú ở Việt Nam, quan hệ nhân thân với người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét cấp thẻ tạm trú.