Thế nào là thế chấp tài sản và xử lý thế chấp? Nhận định về thế chấp tài sản và xử lý tài sản bảo có những đặc điểm chung nào?
1. Khái niệm chung về thế chấp tài sản:
Tài sản và quyền sở hữu là chế định quan trọng, chiếm vị trí lớn trong pháp luật dân sự. Trên cơ sở hoàn thiện các quy định pháp luật về tài sản và quyền sở hữu, pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo hộ quyền sở hữu tư nhân đối với tài sản. Điều này có nghĩa là chủ sở hữu tài sản có quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản của mình, họ có thể sử dụng tài sản đó sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong tương lai. Trong việc thực hiện các giao dịch dân sự, trước hết là dựa vào sự tự giác của các bên, nhưng trên thực tế không phải ai cũng có thiện chí để thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của mình. Trong mối quan hệ nghĩa vụ, người có quyền được chủ động yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ như thế nào lại phụ thuộc rất nhiều vào người có nghĩa vụ. Để khắc phục tình trạng trên và tạo cho người có quyền trong mối quan hệ nghĩa vụ có được thế chủ động trong các giao dịch dân sự, pháp luật đã cho phép các bên thỏa thuận các biện pháp bảo đảm khi tiến hành các giao dịch dân sự. Một trong bảy biện pháp bảo đảm được thực hiện khá phổ biến hiện nay được pháp luật quy định là thế chấp tài sản.
Thuật ngữ “thế chấp” đã xuất hiện từ rất sớm, thời La Mã cổ đại. Theo các học giả La Mã thì “Một văn tự thế chấp là một lời cam kết nếu nó được định nghĩa theo đúng nghĩa gốc của nó. Đó là “giao kết thế chấp” được quy định trong thông luật sớm nhất, được dịch sang tiếng Pháp giai đoạn của người Nooc Măng là thế chấp.
Chế định này được chuyển tiếp và phát triển rộng rãi trong các quy định pháp luật của hầu hết các nước theo hai hệ thống pháp luật Common Law (hệ thống pháp luật lục địa) và Civil Law (hệ thống Luật dân sự) hoặc gọi đơn giản hơn là hệ thống pháp luật Pháp – Đức. Ở các nước theo hệ thống luật lục địa (thường gọi là hệ thống Civil Law) mà điển hình là các nước: Cộng hòa Pháp, Liên bang Đức, Nhật Bản, bang Quebec của Canada đều vận dụng nguyên lý này. Có thể thấy rằng, trong suốt thế kỷ XIX và gần như cả thế kỷ XX ở Cộng hòa Pháp, thuật ngữ “thế chấp” được dùng để chỉ biện pháp bảo đảm không có yếu tố chuyển giao tài sản và đối tượng bảo đảm là bất động sản. Đối với những nước theo hệ thống luật Common Law như Anh, Úc, Mỹ, Canada thì thế chấp là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được phát triển theo hai lý thuyết cơ bản: thuyết quyền sở hữu và thuyết giữ tài sản thế chấp. Ở những nước theo thuyết quyền sở hữu, chủ nợ được nhận quyền sở hữu đối với tài sản trong hợp đồng thế chấp.
Tuy nhiên, pháp luật và
Ở Việt Nam, quan niệm về thế chấp tài sản cũng xuất hiện từ rất sớm, từ “thế chấp” có nguồn gốc từ Hán – Việt: “Thế là bỏ đi, thay cho”, còn “chấp là cầm giữ, bắt”. Trong từ điển tiếng Việt thì “thế chấp dùng làm vật bảo đảm, thay thế cho số tiền vay nếu không có khả năng trả đúng kỳ hạn”. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành : “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)”.
Nhìn chung dù quan niệm thế chấp tài sản dưới góc độ nào đi nữa thì khi nhận định về thế chấp tài sản đều có những đặc điểm chung như sau:
Thứ nhất, tài sản thế chấp có thể là bất động sản; động sản; vật phụ gắn với động sản, bất động sản thế chấp; tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của người thế chấp.
Thứ hai, thế chấp là một hợp đồng phụ bên cạnh một hợp đồng chính là quan hệ nghĩa vụ trong đó nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ là đối tượng được bảo đảm.
Thứ ba, tài sản thế chấp được để lại cho người thế chấp giữ, các bên có thể giao cho bên thứ ba giữ nếu các bên có thoả thuận. Như vậy, việc thế chấp tài sản không phải là dùng quyền sở hữu tài sản để bảo đảm vì quyền sở hữu tài sản thực tế vẫn còn nằm trong tay chủ sở hữu thực sự.
Thứ tư, hợp đồng thế chấp trong một số trường hợp phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Khái niệm xử lý tài sản thế chấp:
“Xử lý tài sản thế chấp là quá trình thực thi quyền của bên nhận thế chấp thông qua việc tiến hành các thủ tục định đoạt quyền sở hữu tài sản thế chấp và số tiền thu được sẽ thanh toán cho bên nhận thế chấp và các chủ thể khác cùng có quyền lợi trên tài sản đó theo thứ tự ưu tiên do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định”.
Tài sản thế chấp được xử lý khi nghĩa vụ trả nợ được bảo đảm bị vi phạm hoặc trong các trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Nếu thừa nhận việc thế chấp tài sản để bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh chỉ là biện pháp củng cố lòng tin đối với chủ nợ có bảo đảm, thì trong trường hợp bên được bảo lãnh không trả nợ thì chủ nợ có quyền truy đòi. Quyền truy đòi được ghi nhận trong BLDS như là một phần hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm trong quan hệ với người thứ ba. Với quyền truy đòi, biện pháp bảo đảm nghĩa vụ không gây cản trở đối với sự lưu thông của tài sản trong khuôn khổ thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản, đặc biệt là quyền định đoạt. Chủ sở hữu có quyền chuyển nhượng tài sản; người nhận chuyển nhượng phải biết về tình trạng pháp lý của tài sản và phải tự mình xây dựng đối sách hợp pháp để quản lý rủi ro.
Theo quy định của Điều 301 BLDS năm 2015, trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Quy định này cho thấy, quyền truy đòi của chủ nợ có bảo đảm, còn đối với vấn đề xử lý như thế nào, thì câu trả lời vẫn phải dựa vào các quy định chung về bắt buộc trả nợ bằng con đường toà án.
Ở Pháp, chủ nợ có bảo đảm mà quyền chủ nợ được ghi nhận trong một chứng thư công chứng có quyền sử dụng chứng thư đó như một bản án để yêu cầu tiến hành cưỡng chế việc thực hiện quyền của chủ nợ. Chẳng hạn, trong trường hợp tài sản được thế chấp và nợ không được trả thì chủ nợ nhận thế chấp có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế việc xử lý tài sản trong khuôn khổ thi hành chứng thư công chứng về thế chấp tài sản.
Ở Mỹ, luật cho phép chủ nợ có bảo đảm, trong trường hợp nợ không được trả, thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm và xử lý để thu hồi nợ Quyền thu giữ, gọi là self- help trong luật của Mỹ, được thực hiện trong những điều kiện ngặt nghèo và theo thể thức chặt chẽ, ngăn chặn sự lạm dụng, đặc biệt là ngăn chặn nguy cơ xung đột dẫn đến bạo động, mất trật tự.