Trong những năm qua thì tình trạng hàng lậu vẫn đang xảy ra ở rất nhiều khu vực nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế xã hội. Để tránh những trường hợp sử dụng phải hàng lậu và buôn bán trái phép hàng lậu, ngay dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung về hàng lậu là hàng gì? Quy định xử lý đối với hàng hóa nhập lậu.
Mục lục bài viết
1. Hàng lậu là hàng gì?
Chắc hẳn chúng ta đã nghe nhắc rất nhiều tới hàng lậu đây được hiểu là loại hàng hóa nhập khẩu thuộc trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu, Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;…
– Hàng hóa nhập khẩu mà không đi qua cửa khẩu quy định, không làm các thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
– Hàng hóa nhập khẩu mà lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ này là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
– Hàng hóa nhập khẩu mà theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
Như vậy căn cứ từ quy định của pháp luật thì ta thấy thực chất pháp luật không nêu định nghĩa Hàng lậu là gì? mà chỉ nêu các trường hợp được coi là hàng lậu. Việc liệt kê như vậy cũng giúp chúng ta dễ dàng xác định được các trường hợp trong thực tế, nhưng cũng không thể lường trước được hết các tình huống.
2. Quy định xử lý đối với hàng hóa nhập lậu:
Căn cứ heo quy định mà pháp luật đề ra thì việc mua bán, vận chuyển hàng hóa không được diễn ra một cách tùy tiện mà được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại hàng hóa. Từ ngày 15/10/2020, khi Nghị định 98 có hiệu lực, mức phạt với việc kinh doanh hàng lậu dựa trên giá trị hàng hóa như sau:
STT | Giá trị của hàng hóa nhập lậu | Mức phạt |
1 | Dưới 03 triệu đồng | 500.000 – 01 triệu đồng |
2 | 03 – dưới 05 triệu đồng | 01 – 02 triệu đồng |
3 | 05 – dưới 10 triệu đồng | 02 – 04 triệu đồng |
4 | 10 – dưới 20 triệu đồng | 04 – 06 triệu đồng |
5 | 20 – dưới 30 triệu đồng | 06 – 10 triệu đồng |
6 | 30 – dưới 50 triệu đồng | 10 – 20 triệu đồng |
7 | 50 – dưới 70 triệu đồng | 20 – 30 triệu đồng |
8 | 70 – dưới 100 triệu đồng | 30 – 40 triệu đồng |
9 | Trên 100 triệu đồng | 40 – 50 triệu đồng |
Đặc biệt, có thể phạt tiền gấp 02 lần trong bảng nêu trên đối với:
– Người vi phạm mà trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Hàng nhập lậu thuộc trong danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;
– Hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn…
Mức phạt nêu trên được áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm sẽ gấp đôi mức phạt với cá nhân.
Như vậy dựa trên quy định dưa ra này ta thấy việc buôn bán hàng lậu đã có những chế tài rất cụ thể và việc kinh doanh hàng hóa “trốn thuế” còn có thể bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo Điều 188
Ngoài ra, hành vi nhập lậu hàng hóa về Việt Nam để bán trái phép qua biên giới là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để trao đổi trái với các quy định của pháp luật về xuất – nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Do đó, nếu hàng hóa nhập lậu có trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự hiện hành thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu với mức hình phạt phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm. Tùy theo mức độ thực hiện hành vi phạm tội mà áp dụng mức hình phạt phù hợp với hành vi phạm tội.
3. Hàng xách tay có phải hàng lậu không?
Hiện nay có rất nhiều cá nhân kinh doanh hàng xách tay và hàng này hiện rất phổ biến, thậm chí được ưa chuộng trên thị trường. Tuy nhiên, nếu xét về vấn đề pháp lý, liệu các cơ sở kinh doanh hàng xách tay hiện có đang làm đúng luật?
Trên thực tế thì Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định hay định nghĩa chính xác nào để nói về hàng xách tay. Khái niệm này được người tiêu dùng ngầm hiểu là những mặt hàng do cá nhân mua trực tiếp từ nước ngoài mang về Việt Nam bằng đường hàng không. Đó có thể là hàng do những người đi du lịch, du học sinh, tiếp viên hàng không… xách về sau những chuyến du lịch, chuyến bay của tiếp viên.
Có thể thấy do tâm lý và tình hình chung của nước ta và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay thường rất ưa chuộng hàng xách tay bởi theo quảng cáo của những người bán hàng thì do “xách về” nên những hàng hóa này có giá thành rẻ hơn vì không phải chịu thuế, không phải làm thủ tục khai hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu theo thủ tục thông thường.
Theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì nếu theo đúng như quảng cáo của những người bán hàng, do xách về nên hàng hóa không phải nộp thuế, không làm thủ tục hải quan… thì những hàng hóa này chính là hàng hóa nhập lậu.
Bên canh dó để xác định loại hàng hóa nào là hàng lậu cũng đang là vấn đề rất phức tạp, và không phải tất cả hàng xách tay đều là hàng hóa nhập lậu. Hàng xách tay không phải hàng nhập lậu trong trường hợp đảm bảo các điều kiện như có hoá đơn chứng từ kèm theo rõ ràng, không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, hàng hoá có dán tem nhập khẩu và đóng thuế đầy đủ theo quy định…
4. Giải pháp để đấu tranh chống hàng lậu:
Về kinh tế – xã hội: Nâng cao hơn nữa vai trò của các hiệp hội, ngành hàng để góp phần tự bảo vệ và phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng các chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới để người dân vùng biên giới có việc làm, cải thiện đời sống, thu hẹp khoảng cách thu nhập, từ đó người dân không tham gia hoặc tiếp tay cho buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.
Về hoàn thiện hệ thống pháp luật: Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách không để các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền một cách hợp lý giữa các cơ quan, bộ ngành, không để chồng chéo trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ; quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan và địa phương, cá nhân có liên quan trong việc phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Về công tác tuyên truyền, giáo dục: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác và hành động cụ thể của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.
Về nâng cao năng lực thực thi công vụ của lực lượng chức năng: Đây là giải pháp quan trọng, có tính chất quyết định trực tiếp đến việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại qua biên giới. Cần kiện toàn Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của Chính phủ để chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các lực lượng được tốt hơn. Làm tốt công tác xây dựng lực lượng, đào tạo lại cán bộ, củng cố bộ máy, tăng cường kiểm tra nội bộ, chống tiêu cực, bảo kê, tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại; thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ, có cơ chế giám sát, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chuyên trách.
Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát phải có trọng tâm trọng điểm, tập trung phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá các đường dây ổ nhóm lớn; xử lý nghiêm bọn đầu lậu, chủ hàng, các trường hợp tiếp tay, bảo kê. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại địa phương mình trực tiếp quản lý.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng; sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sẽ đạt hiệu quả, góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bình ổn giá cả thị thị trường, bảo vệ nền sản xuất hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng lòng tin của nhân dân với các lực lượng chức năng.