Quy định về việc cấp thẻ Đảng viên? Quy định về phát và quản lý thẻ Đảng viên? Chức năng của thẻ Đảng viên? Xử lý trong trường hợp cầm cố thẻ Đảng? Quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề cầm cố? Hình thức xử lý khi Đảng viên cầm cố thẻ Đảng?
Thẻ đảng là giấy chứng nhận quan trọng của người đảng viên, được phát khi đảng viên đã được công nhận đảng viên chính thức. Đảng viên có trách nhiệm quản lý và sử dụng thẻ Đảng viên theo đúng quy định của Đảng. Thẻ đảng được các đảng viên hoặc đại biểu dùng mỗi khi biểu quyết trong các Đại hội đảng bộ. Tuy nhiên, vẫn có những tổ chức đảng thiếu sự kiểm tra việc sử dụng, bảo quản thẻ của người đảng viên, vẫn có một số đảng viên chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như việc sử dụng sao cho đúng tấm thẻ đảng, thậm chí có đảng viên còn dùng thẻ đảng để cầm cố vay tiền rồi không trả hoặc bỏ trốn làm mất đi thanh danh, uy tín của Đảng, tư cách của người đảng viên và mất niềm tin của Nhân dân.
Mục lục bài viết
1. Quy định về việc cấp thẻ Đảng viên
Việc làm thẻ đảng viên là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Tiết b Tiểu mục 2.2 Mục 2 Phần II Hướng dẫn 09-HD/BTCTW năm 2017. Cụ thể như sau:
– Sau khi chi bộ ra nghị quyết đề nghị công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức; chi ủy gửi hồ sơ đề nghị công nhận đảng viên chính thức, danh sách đề nghị phát thẻ và 2 ảnh chân dung (cỡ 2 x 3 cm) của đảng viên lên đảng ủy cơ sở; đảng ủy cơ sở xét, gửi hồ sơ đề nghị công nhận đảng viên chính thức và danh sách (theo mẫu 1 -TĐV) đề nghị cấp ủy có thẩm quyền; ban tổ chức cấp ủy có thẩm quyền tập hợp, lập danh sách đề nghị (theo mẫu 1A-TĐV) báo cáo ban thường vụ cấp ủy; ban thường vụ xét, quyết định công nhận đảng viên chính thức cùng với việc xét, quyết định phát thẻ đảng viên.
– Ban tổ chức huyện ủy và tương đương làm thẻ đảng viên theo trình tự sau:
+ Sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu đảng viên để lập danh sách cấp mới thẻ đảng viên đã được ban thường vụ duyệt. Nếu không có kết nối mạng tới máy chủ cấp tỉnh thì kết xuất dữ liệu ra file, gửi lên ban tổ chức tỉnh ủy và tương đương. Ban tổ chức tỉnh ủy và tương đương xét, cấp số thẻ đảng viên theo nội dung tại điểm 2.2.a nêu trên vào danh sách phát thẻ đảng viên. Nếu không có kết nối mạng tới máy chủ cấp huyện thì kết xuất dữ liệu ra file, gửi về ban tổ chức huyện ủy và tương đương để cập nhật dữ liệu đã được phê duyệt.
+ Căn cứ danh sách phát thẻ đảng viên đã được ban tổ chức tỉnh ủy và tương đương phê duyệt, sử dụng phần mềm Quản lý dữ liệu đảng viên để in các yếu tố của đảng viên vào thẻ đảng viên; dán ảnh (cỡ 2×3 cm) vào thẻ.
+ Mang thẻ đảng viên đến ban tổ chức tỉnh ủy và tương đương đóng dấu nổi thu nhỏ của tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương vào góc phải của ảnh đảng viên (vành ngoài của con dấu tính từ dưới cằm trở xuống trong ảnh đảng viên).
+ Ép nhựa bảo vệ (chú ý dấu bảo vệ in sẵn trong tấm nhựa phải đặt trùng với vị trí ảnh của đảng viên trong thẻ đảng viên).
+ Đóng dấu kiểm tra kỹ thuật thẻ vào ô tương ứng với kỳ kiểm tra kỹ thuật thẻ (từ tháng 3-2016 đến 3-2021 là ô số 3).
+ Căn cứ thẻ đảng viên và danh sách phát thẻ đảng viên, vào sổ phát thẻ đảng viên (mẫu 8-TĐV); giao thẻ đảng viên cho cấp ủy cơ sở (mẫu 9-TĐV), người nhận thẻ ký vào sổ.
+ Trường hợp thẻ đảng viên bị làm sai, làm hỏng: Mang thẻ đảng viên làm sai, làm hỏng và ảnh đảng viên về ban tổ chức tỉnh ủy và tương đương để kiểm tra, làm lại thẻ.
+ Ban tổ chức tỉnh ủy và tương đương dùng thẻ đảng viên không số in (màu đen) số thẻ đảng viên; nhập và in các yếu tố của đảng viên trên thẻ; dán ảnh, đóng dấu nổi và giao thẻ cho huyện ủy và tương đương tiếp tục hoàn thiện tấm thẻ đảng viên; thu lại thẻ làm sai, làm hỏng để quản lý.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc làm thẻ đảng viên. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Hướng dẫn 09-HD/BTCTW năm 2017.
2. Quy định về phát và quản lý thẻ Đảng viên
Căn cứ theo Khoản 7, Hướng dẫn số 01-HD/TW nêu rõ về thẻ đảng viên là chứng nhận quan trọng của đảng viên, được phát khi đảng viên đã được công nhận đảng viên chính thức. Đảng viên được công nhận chính thức tại tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Ngoài nước thì do Đảng ủy Ngoài nước xét, làm thẻ đảng viên. Đảng ủy Ngoài nước có trách nhiệm quản lý thẻ đảng khi đảng viên chuyển sinh hoạt đảng ra ngoài nước và khi đảng viên trở về nước Đảng ủy Ngoài nước trao lại thẻ đảng cho đảng viên.
Trong trường hợp Đảng viên từ trần, gia đình của đảng viên đó được giữ lại thẻ đảng viên. Nếu như Đảng viên bị khai trừ, xóa tên và đưa ra khỏi Đảng bằng các hình thức khác thì chi bộ có trách nhiệm thu lại thẻ đảng nộp lên cấp ủy cấp trên trực tiếp. Đảng viên hoặc tổ chức đảng phát hiện việc sử dụng thẻ đảng viên sai quy định, thẻ đảng bị thất lạc, mất hoặc làm giả thì phải kịp thời báo cáo cấp ủy.
Trách nhiệm của các cấp ủy trong việc phát và quản lý thẻ đảng viên:
Cấp ủy cơ sở: lập danh sách đảng viên được đề nghị cấp thẻ, xét và làm thủ tục đề nghị cấp ủy cấp trên trực tiếp phát thẻ đảng viên, cấp lại thẻ đảng viên bị mất hoặc bị hỏng. Sau khi có quyết định phát thẻ của cấp ủy có thẩm quyền, chi bộ tổ chức phát thẻ đảng viên tại cuộc họp chi bộ; định kỳ hằng năm chi bộ kiểm tra thẻ của đảng viên trong chi bộ.
Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng: xét, ra quyết định phát thẻ đảng viên, cấp lại thẻ đảng viên bị mất hoặc bị hỏng; lập danh sách đảng viên được phát thẻ trong đảng bộ; viết thẻ đảng viên và quản lý sổ phát thẻ đảng viên.
Tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương: chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cấp ủy cấp dưới thực hiện việc phát và quản lý thẻ đảng viên; hằng năm báo cáo Ban Tổ chức Trung ương.
3. Chức năng của thẻ Đảng viên
Theo quy định tại Điều 6 Quyết định 29-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định về chức năng sử dụng thẻ Đảng như sau:
6- Điều 6: Phát thẻ và quản lý thẻ đảng viên, quản lý hồ sơ đảng viên và thủ tục chuyển sinh hoạt đảng
6.1- Phát thẻ và quản lý thẻ đảng viên.
a) Thẻ đảng viên được phát cho đảng viên chính thức, chi bộ tổ chức phát thẻ cho đảng viên trong kỳ sinh hoạt chi bộ gần nhất, sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
b) Đảng viên được nhận thẻ đảng viên phải thực hiện đúng những quy định về sử dụng và bảo quản thẻ, khi mất hoặc làm hỏng thẻ phải báo cáo ngay với cấp ủy để xét cấp lại hoặc đổi thẻ đảng viên.
c) Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng xem xét, ra quyết định phát thẻ đảng viên và quản lý sổ phát thẻ đảng viên; đảng viên thuộc Đảng bộ Ngoài nước do Đảng ủy Ngoài nước xem xét, ra quyết định.
d) Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo và kiểm tra việc phát thẻ đảng viên.
đ) Ban Tổ chức Trung ương giúp Trung ương hướng dẫn, kiểm tra việc phát, quản lý thẻ đảng viên trong toàn Đảng.
e) Sử dụng thẻ đảng viên: Đảng viên sử dụng thẻ đảng viên để biểu quyết trong sinh hoạt đảng, trong đại hội đảng các cấp (trừ các trường hợp biểu quyết bằng phiếu kín).
Đảng viên được sử dụng thẻ Đảng để biểu quyết trong sinh hoạt đảng, trong đại hội đảng các cấp (trừ khi biểu quyết bằng phiếu kín).Khi làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng đến Đảng bộ khác, Đảng viên cũng cần phải xuất trình thẻ Đảng. Đồng thời, thẻ Đảng cũng là căn cứ để tính tuổi đảng cho Đảng viên, trong trường hợp không có quyết định kết nạp hoặc không còn lưu giữ được quyết định kết nạp.
Đặc biệt, theo quy định của Thông tư 01/2016/TT-BGTVT, thẻ Đảng còn được sử dụng là một trong những loại giấy tờ thay thế Chứng minh nhân dân để lên các chuyến bay nội địa.
4. Xử lý trong trường hợp cầm cố thẻ Đảng
4.1. Quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề cầm cố
Về vấn đề Cầm cố tài sản được quy định cụ thể tại Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 309: Cầm cố tài sản
Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Theo đó, có thể hiểu đơn giản là trong trường hợp bạn cầm cố tài sản để vay tiền thì có nghĩa là bạn giao tài sản mà bạn sở hữu cho bên cho vay để đảm bảo việc bạn sẽ trả nợ cho bên kia. Tuy nhiên, không phải loại tài sản nào cũng có thể đem ra cầm cố được, cụ thể tại Điều 295
Điều 295. Tài sản bảo đảm
1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
Như vậy theo quy định của pháp luật những tài sản sau đây sẽ được đem ra cầm cố: Tiền , Vật, Giấy tờ có giá : Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác (quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2016/TT-NHNN), ví dụ như : trái phiếu, cổ phiếu, hối phiếu, tín phiếu, Quyền tài sản: quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Có thể thấy rằng theo quy định pháp luật hiện hành thì thẻ Đảng không phải là tài sản hay giấy tờ có giá. Tuy nhiên, trên thực tế thì một số các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ vẫn cho người vay sử dụng chiếc thẻ này để cầm cố như một loại tài sản. Nhưng khi xảy ra tranh chấp giữa các bên giao dịch dân sự này thì rất khó để giải quyết vụ việc. Vì vậy, các bên cần cân nhắc khi chọn tài sản cầm cố là thẻ Đảng. Đồng thời, nếu như đảng viên bị phát hiện dùng thẻ đảng viên để cầm cố vay tiền, tài sản cũng sẽ phải chịu hình thức kỷ luật.
4.2. Hình thức xử lý khi Đảng viên cầm cố thẻ Đảng
Theo quy định của Đảng thì Thẻ đảng như một hình thức chứng nhận, được đảng viên sử dụng để biểu quyết như kết nạp đảng, công nhận đảng viên chính thức,… thông qua các vấn đề quan trọng của chi bộ, đảng bộ. Vì vậy, thẻ đảng viên có vai trò quan trọng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm trong các cơ quan nhà nước. Vai trò của nó cũng quan trọng như bằng lái xe, chứng minh nhân dân.. Tuy nhiên, Đảng viên dùng thẻ đảng viên để thế chấp vay tiền không thuộc trường hợp cấm nhưng nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử lý kỷ luật đảng, cụ thể là hình thức khai trừ khỏi Đảng. Điều này được quy định cụ thể tại điều 11 của Quy định 102-QĐ/TW:
Điều 11. Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ
3. Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
đ) Dùng thẻ đảng viên để vay tiền hoặc tài sản.
Trong trường hợp làm mất thẻ Đảng hoặc sử dụng thẻ Đảng sai mục đích, các mức kỷ luật như sau:
– Nếu gây hậu quả ít nghiêm trọng: Bị kỷ luật khiển trách;
– Nếu tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ);
– Nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng: Bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Việc cầm cố thẻ Đảng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh tổ chức Đảng, tư cách của một người đảng viên nên sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc với hình thức cao nhất là khai trừ.