Ý nghĩa của chứng minh thư trong bảo hiểm xã hội? Thay đổi số chứng minh thư có được rút bảo hiểm xã hội không?
Bảo hiểm xã hội là một trong các nội dung thuộc chính sách an sinh xã hội được các quốc gia trên thế giới chú trọng và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Điều cuối cùng mà người đóng bảo hiểm hướng tới là khoản tiền được thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi xảy ra các sự kiện nhất định. Bảo hiểm xã hội là vấn đề gắn với nhân thân, do đó, việc rút bảo hiểm xã hội thường cũng phải do chính người hưởng bảo hiểm xã hội thực hiện và phải chứng minh được tính định danh của mình. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, Luật Dương Gia có nhận được câu hỏi rằng: Thay đổi số chứng minh thư có được rút bảo hiểm xã hội không? Để biết được câu trả lời, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.
1. Ý nghĩa của chứng minh thư trong bảo hiểm xã hội?
1.1. Khái quát về chứng minh thư và số chứng minh thư?
Để tạo điều kiện cho việc đi lại của công dân được thuận lợi đồng thời phục vụ cho công tác quản lý xã hội của Nhà nước và công tác nghiệp vụ của ngành Công an được chặt chẽ, ngày 03/02/1999 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/NĐ-CP, trong đó có nêu rõ rằng: “Chứng minh nhân dân quy định tại Nghị định này là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.“
Cho đến năm 2014, Quốc hội ban hành Luật Căn cước công dân, đây là văn bản pháp luật có tính hiệu lực cao nhất về giấy tờ chứng minh nhân thân của một con người, mà trước đây văn bản hiệu lực cao nhất quy định là Nghị định của Chính phủ nhưng hiện tại đã được Luật của Quốc hội quy định, hiệu lực thi hành cao hơn đồng thời cho thấy ý nghĩa đặc biệt quan trọng của thẻ Căn cước công dân (Chứng minh nhân dân). Việc Luật Căn cước công dân được ban hành đã bắt kịp những thay đổi to lớn của đất nước về kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời theo đúng xu hướng phát triển của thế giới và khu vực trong việc cấp và quản lý giấy tờ tùy thân của công dân. Trong văn bản này, căn cước công dân được giải thích là “thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này.“
Số chứng minh thư là dãy số được ấn định trên chứng minh nhân dân (trước đây là 9 số nhưng bây giờ là 12 số), mỗi cá nhân có một số chứng minh riêng và mang các ý nghĩa nhất định đối với dãy số đó.
1.2. Khái quát về bảo hiểm xã hội?
Sự ra đời của hệ thống bảo hiểm xã hội là một trong những sáng tạo sáng chói của loài người trong lịch sử phát triển xã hội. bảo hiểm xã hội luôn là chính sách cốt lõi của hệ thống chính sách an sinh xã hội của bất kỳ quốc gia, hệ thống xã hội nào. Bảo hiểm xã hội ra đời vào những năm giữa thế kỷ 19, khi nền công nghiệp và kinh tế hàng hóa đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở các nước Châu Âu. Khái niệm về bảo hiểm xã hội cũng dược ghi nhận trong rất nhiều các tài liệu, dưới góc độ pháp lý, Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải thích rằng: “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.” Từ khái niệm cho ta thấy, bảo hiểm xã hội có vai trò rất quan trọng, là trụ cột cơ bản, là “xương sống” của hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
1.3. Ý nghĩa của số chứng minh thư trong bảo hiểm xã hội?
Như đã nói ở mục 1.1. số chứng minh nhân dân là mã số định danh gắn với một cá nhân nhất định thể hiện trên giấy chứng minh nhân dân, thực tế, số chứng minh nhân dân không được biểu hiện một cách trực tiếp vai trò của nó trong bảo hiểm xã hội, tức là, trong Luật Bảo hiểm xã hội không ghi nhận bất cứ cụm thuật ngữ là “số chứng minh nhân dân”, tuy nhiên, phải nhận định rằng, bất kỳ một hoạt động nào liên quan đến các cơ quan nhà nước và liên quan đến tài chính, thì việc sử dụng chứng minh thư, đặc biệt là số chứng minh thư là điều bắt buộc. Số chứng minh thư là căn cứ để tiến hành xác định chính xác cá nhân đóng bảo hiểm xã hội và được thể hiện trong sổ bảo hiểm xã hội và một lần nữa khẳng định, sự “có mặt” của số chứng minh thư hoàn toàn đúng với ý nghĩa của nó là “xác định đích danh và đảm bảo cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong giao dịch về bảo hiểm xã hội”.
2. Thay đổi số chứng minh thư có được rút bảo hiểm xã hội không?
Trả lời cho câu hỏi: Thay đổi số chứng minh thư có được rút bảo hiểm xã hội không?
Câu trả lời là: Có. Thay đổi số chứng minh thư có được rút bảo hiểm xã hội.
Trên thực tế, việc thay đổi số chứng minh thư là rất ít, bởi về nguyên tắc: “Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất chứng minh nhân dân thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy chứng minh nhân dân khác nhưng số ghi trên chứng minh nhân dân vẫn giữ đúng theo số ghi trên chứng minh nhân dân đã cấp.“. Sư thay đổi chứng minh thư chỉ diễn ra khi nhà nước tiến hành đổi chứng minh thư sang căn cước công dân, tức là thay đổi trên toàn quốc và việc thay đổi này là từ 09 số sang 12 số theo quy định của pháp luật. Như vậy, sự thay đổi này không nằm trong ý chí chủ quan của cá nhân người sử dụng chứng minh nhân dân.
Khi tiến hành rút bảo hiểm xã hội thì cá nhân sẽ sử dụng sổ bảo hiểm xã hội, đây được coi như một văn bản có giá trị cho các giao dịch liên quan đến bảo hiểm xã hội, do đó, hầu như việc sử dụng chứng minh nhân dân là rất ít, mà “Số chứng minh nhân dân/ hộ chiếu/ thẻ căn cước: Ghi số trên chứng minh nhân dân của người tham gia. Trường hợp người tham gia vừa có chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước thì ghi theo thứ tự ưu tiên chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước.” là một trong các nội dung đã được thể hiện trên sổ bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH: “Cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH“. Như vậy, khi có sự điều chỉnh nội dung, tức là thay đổi số chứng minh nhân dân thì người tham gia bảo hiểm xã hội phải đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Bản chất của việc cấp lại không làm thay đổi bất cứ chế độ bảo hiểm xã hội nào người tham gia đang được hưởng mà chỉ là sự thay đổi về hình thức ghi nhận của nhà nước để đảm bảo tính chính xác.
Tuy nhiên, xoay ngược lại vấn đề, nếu việc thay đổi số chứng minh thư mà người tham bảo hiểm xã hội không được cấp lại số bảo hiểm xã hội thì có được rút bảo hiểm xã hội không? Nếu theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 ở trên thì câu trả lời có lẽ là không, bởi người tham gia bảo hiểm đang không thực hiện đúng quy định của pháp luật và việc sử dụng sổ bảo hiểm cũ không đúng nội dung thì sẽ không được rút bảo hiểm xã hội.
Về lý luận hay về thực tiễn thì việc thay đổi số chứng minh thư thực sự rất khó để hoàn thành hoạt động rút tiền bao hiểm xã hội một cách dễ dàng, bạn hãy thử nghĩ đơn giản rằng, khi rút tiền ở ngân hàng, hoạt động dịch vụ cho phép bạn nhanh chóng đọc số chứng minh thư và giao dịch viên sẽ rút tiền cho bạn, nếu không có chứng minh thư hay số chứng minh thư thì giao dịch viên sẽ không tiến hành công việc của họ. Điều đó có nghĩa là, số chứng minh thư thực sự rất quan trọng, đó là cách để người ta xác định chính xác người được thụ hưởng là chính bạn chứ không phải một ai khác. Đôi khi để tránh bị nhầm lẫn thì phải có chứng minh thư chứ không chỉ đọc mỗi số chứng minh thư.
Tuy nhiên với sự phát triển của hệ thống quản lý giao dịch điện tử, hệ thống bảo hiểm xã hội đã, đang và trong tương lai ngày càng hoàn thiện hơn về dữ liệu, việc thay đổi số chứng minh nhân dân sẽ được cập nhật trong hệ thống dữ liệu đó bởi sự liên kết tổng thể trong hệ thống quản lý nhà nước. Vì vậy, việc xác định người tham gia cũng dễ dàng hơn. Nhưng, với một quốc gia vẫn xem trọng giấy tờ bằng giấy thì việc thực hiện các giấy tờ chứng minh việc thay đổi số chứng minh hoặc đã cấp lại sổ bảo hiểm là điều cần thiết mà bạn nên làm.