Thực tế xảy ra rất nhiều trường hợp sau khi ly hôn, cha, mẹ vì nguyên nhân nhất định mà xảy ra mẫu thuẫn dẫn đến việc cản trở việc thăm nuôi con. Thay đổi người trực tiếp nuôi con khi bị cản trở thăm nom con có được không và thực hiện thủ tục ra sao?
Mục lục bài viết
- 1 1. Có được cản trở việc thăm nuôi con sau khi ly hôn không?
- 2 2. Cản trở việc thăm con bị xử lý như thế nào?
- 3 3. Thay đổi người trực tiếp nuôi con khi bị cản trở thăm nom con:
- 4 4. Hồ sơ, thủ tục khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi bị cản trở thăm nom con:
- 5 5. Mẫu đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn:
1. Có được cản trở việc thăm nuôi con sau khi ly hôn không?
Sau khi ly hôn sẽ dẫn đến tình trạng vợ hoặc chồng sẽ được trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con và người còn lại không trực tiếp nuôi con. Khi đó, với cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn sẽ có nghĩa vụ sau đây:
– Tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
– Phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
– Có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Đối với người cha, mẹ trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn sẽ có quyền và nghĩa vụ sau:
– Được quyền yêu cầu cha, mẹ không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ vừa liệt kê ở trên.
– Có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
– Tuyệt đối không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
2. Cản trở việc thăm con bị xử lý như thế nào?
Như mục 1 đã phân tích, hành vi cản trở cha, mẹ sau khi ly hôn thăm con là hành vi vi phạm quy định pháp luật. Do đó, tại Điều 56 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định chế tài xử phạt với hành vi đó như sau:
Đối tượng có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau: mức xử phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
3. Thay đổi người trực tiếp nuôi con khi bị cản trở thăm nom con:
Căn cứ Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định các trường hợp được thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
– Hai bên cha, mẹ có sự thỏa thuận đồng ý thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn.
– Trường hợp không có sự thỏa thuận, muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn phải có các căn cứ sau đây:
+ Chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nữa.
+ Nếu như con đã từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con muốn ở với cha hay với mẹ.
Trường hợp nếu như cả cha và mẹ không đáp ứng đủ các điều kiện trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì khi đó Tòa án có thẩm quyền sẽ quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định.
Do đó, trong trường hợp người bị cản trở quyền thăm nom có thể khởi kiện về việc yêu cầu Tòa thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, việc chứng minh hoàn toàn không dễ dàng, đòi hỏi bên yêu cầu biết cách thu thập chứng cứ về việc mình đã bị cản trở quyền thăm nom con. Chỉ khi nào có được những bằng chứng rõ ràng chứng minh quyền thăm nom con bị cản trở một cách hệ thống, có chủ ý thì mới có cơ sở được tòa chấp chận.
4. Hồ sơ, thủ tục khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi bị cản trở thăm nom con:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
– Đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con hoặc đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.
– Quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
– Giấy tờ tùy thân gồm chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn hạn.
– Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực).
– Các chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện thay đổi quyền trực tiếp nuôi con (áp dụng trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc khởi kiện thay đổi quyền nuôi con khi người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con).
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Cá nhân có yêu cầu khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn sẽ nộp đơn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Căn cứ điểm i khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
– Thẩm quyền giải quyết thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi một trong hai bên thỏa thuận.
– Trường hợp không thỏa thuận được: nộp đơn khởi kiện tại Tòa án cấp huyện nơi người con đang cư trú.
Bước 3: Thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết:
Tùy vào từng hình thức yêu cầu thay đổi người nuôi con sau ly hôn sẽ quyết định thời gian giải quyết nhanh hay chậm:
– Khởi kiện: Thông thường thời gian giải quyết sẽ là 04 – 06 tháng.
– Yêu cầu: Thông thường thời gian giải quyết sẽ là 02 – 03 tháng.
5. Mẫu đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…… (1), ngày….. tháng …… năm…….
ĐƠN KHỞI KIỆN
Kính gửi: Toà án nhân dân (2) …………
Người khởi kiện: (3) …………
Địa chỉ: (4) …………
Số điện thoại: …………… (nếu có); số fax: ………… (nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ………… (nếu có)
Người bị kiện: (5) …………
Địa chỉ (6) …………
Số điện thoại: ………… (nếu có); số fax: ………… (nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: …………. (nếu có)
Người có quyền, lợi ích được bảo vệ (nếu có) (7) …………
Địa chỉ: (8) ……………
Số điện thoại: ………… (nếu có); số fax: ……… (nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ……….(nếu có)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) (9) …………
Địa chỉ: (10) ……………
Số điện thoại: ………… (nếu có); số fax: …………. (nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ..……… (nếu có)
Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây:(11) …………
Người làm chứng (nếu có) (12) …………
Địa chỉ: (13)……………
Số điện thoại: …………… (nếu có); số fax: ……….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ………….. (nếu có).
Danh mục tài liệu, chứng kèm theo đơn khởi kiện gồm có: (14)
1…………
2 …………
NGƯỜI KHỞI KIỆN
Giải thích
(1) Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày … tháng … năm……).
(2) Ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào
Ví dụ: Toà án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B
(3) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ tên;
Đối với trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó;
Nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.
(4) Ghi nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại thôn B, xã C, huyện M, tỉnh H);
Nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH Hin Sen có trụ sở: Số 20 phố LTK, quận HK, thành phố H).
(5), (7), (9) và (12) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (3).
(6), (8), (10) và (13) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4).
(11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết.
(14) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: bản sao hợp đồng mua bán nhà, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …).
(15) Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án (ví dụ: Người khởi kiện thông báo cho Toà án biết khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã đi nước ngoài chữa bệnh…).
(16) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó;
Trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ;
Trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
Nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.
Trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của
Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.