Xây dựng là ngành kinh tế - kỹ thuật đóng vai trò quan trọng, làm tiền đề cho việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với những thành tựu to lớn thì tình hình vi phạm pháp luật đã gây thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước. Do đó, mà thanh tra xây dựng là một bộ phận không thể thiếu và cần được quy định cụ thể.
Mục lục bài viết
1. Thanh tra xây dựng là gì?
Thuật ngữ “Thanh tra” có khá nhiều quan niệm, theo Đại Từ điển Tiếng Việt thì Thanh tra là điều tra, xem xét để làm rõ sự việc. Thanh tra với ý nghĩa là một động từ còn là khái niệm để chỉ hoạt động kiểm tra, kiểm soát của cơ quan, tổ chức, người được giao nhiệm vụ, quyền hạn nhằm “xem xét và phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định” của các tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
Về mặt lý luận, V.I. Lênin đã khẳng định: “quản lý đồng thời phải có Thanh tra, quản lý và Thanh tra là một chứ không phải là hai”. Chính vì vậy, Thanh tra là một chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước nên cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra việc thực hiện các quy định của mình và thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định.
Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010:
Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành và Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó Thanh tra chuyên ngành là công cụ không thể thiếu phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trong Ngành, lĩnh vực. Hoạt động quản lý nhà nước có phạm vi rộng lớn bao gồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng nên phải có hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên sâu. Do đó việc có các cơ quan thanh tra chuyên ngành là yêu cầu khách quan.
Thực tiễn cho thấy, sự xuất hiện của thanh tra chuyên ngành như là một tất yếu của quản lý, ngay từ đầu, đó là nhu cầu phải kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành thường xuyên.Trong trường hợp phát hiện các chủ thể có sai phạm thì áp dụng chế tài xử lý trực tiếp và kịp thời.
Thanh tra xây dựng là hoạt động xem xét, phát hiện, xử lý của cơ quan quản lý về xây dựng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về xây dựng (bao gồm cả điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng). Hoạt động thanh tra xây dựng do các cơ quan thanh tra có thẩm quyền thực hiện nhằm phục vụ hoạt động quản lý của nhà nước về xây dựng, đảm bảo quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hoạt động của thanh tra xây dựng được chia thành hai nhóm: Thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra trong nội bộ bộ máy nhà nước, thuộc quyền quản lý trực tiếp của bộ xây dựng, sở xây dựng. Từ quan niệm chung về hoạt động thanh tra chuyên ngành nói trên, có thể quan niệm: Thanh tra chuyên ngành Xây dựng là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực xây dựng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành Xây dựng, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng.
Thanh tra xây dựng là hoạt động của chủ thể quản lý nhà nước nhằm kiểm tra xem xét việc làm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Thanh tra xây dựng thường được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để giúp cho nhà quản lý trong lĩnh vực xây dựng đạt được mục tiêu nhiệm vụ đã đặt ra.
2. Đặc điểm của thanh tra xây dựng:
Thanh tra xây dựng là một loại hoạt động thanh tra có tính chuyên ngành, hoạt động thanh tra xây dựng có một số đặc điểm cơ bản cụ thể như sau:
Hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng là một bộ phận của hoạt động thanh tra nhà nước nên hoạt động thanh tra chuyên ngành ngoài mang những đặc điểm chung của thanh tra nhà nước còn mang đặc điểm thể hiện tính chất đặc trưng, là dấu hiệu để phân biệt với các hoạt động thanh tra hành chính, kiểm tra đảng ....
Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy thanh tra chuyên ngành Xây dựng có những đặc điểm như sau:
Thứ nhất, hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước của các chủ thể được giao chức năng quản lý trong lĩnh vực xây dựng. Cũng như những lĩnh vực quản lý nhà nước khác, lĩnh vực xây dựng đòi hỏi phải có hoạt động thanh tra chuyên ngành phù hợp để bảo đảm được tính linh hoạt, kịp thời trong phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Chính vì vậy, nói đến thanh tra chuyên ngành nói chung và thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng, cần hiểu rộng hơn so với quy định của thanh tra chuyên ngành trong Luật Thanh tra 2010. Về bản chất, thanh tra chuyên ngành Xây dựng là một loại hình hoạt động kiểm tra hành chính, do đó các cơ quan, tổ chức, đơn vị nói chung được trao quyền quản lý trong lĩnh vực xây dựng thì đều có thể có hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng.
Đối tượng thanh tra của hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng là cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có nghĩa vụ tuân thủ và chấp hành pháp luật về quản lý, các quy định, tiêu chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng. Đây là những điểm khác biệt về cả nội dung và đối tượng của thanh tra chuyên ngành Xây dựng so với thanh tra hành chính. Nội dung của thanh tra hành chính là việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các chủ thể được trao quyền trên cơ sở sự phân công, phân cấp quản lý.
Đối tượng của thanh tra hành chính chỉ là các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật. Với tính chất này, hoạt động thanh tra hành chính có thể được tổ chức thực hiện trong cả cơ quan có thẩm quyền quản lý chung và cơ quan có thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực xây dựng. Hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng chỉ có thể được tổ chức thực hiện trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng quản lý trong lĩnh vực xây dựng.
Thứ hai, hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng là hình thức thực thi quyền lực nhà nước thường xuyên tác động trực tiếp đến đối tượng quản lý và gắn liền với tính cưỡng chế nhà nước. Tính thường xuyên, trực tiếp của hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng được tiến hành đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, hoạt động trong phạm vi quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng, theo thủ tục luật định, nhằm phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật hành chính, vi phạm các quy tắc, chế độ quản lý của nhà nước trong lĩnh vực xây dựng ... nhằm phát hiện những sơ hở, tìm nguyên nhân và biện pháp xử lý, ngăn chặn, góp phần bảo vệ trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, đối tượng thanh tra của thanh tra chuyên ngành Xây dựng có phạm vi rộng hơn rất nhiều so với thanh tra hành chính và chủ yếu là khu vực tư. Những đối tượng thanh tra chuyên ngành có thể không phụ thuộc về mặt tổ chức đối với chủ thể thực hiện thanh tra chuyên ngành Xây dựng. Tuy nhiên, vì họ thực hiện những hoạt động liên quan đến lĩnh vực xây dựng mà các cơ quan này quản lý nên theo quy định pháp luật họ vẫn là đối tượng thanh tra của cơ quan thanh tra chuyên ngành Xây dựng. Ví dụ như Thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, …
Thứ ba, Thanh tra chuyên ngành Xây dựng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng trong lĩnh vực xây dựng là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của Nhà nước.
Do đặc thù của hoạt động quản lý luôn đứng trước yêu cầu bảo đảm tính chính xác, kịp thời, linh hoạt nên trong đa số các trường hợp, cần gắn hoạt động kiểm tra hành chính phải gắn liền với thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là quyền xử phạt vi phạm hành chính. Nói cách khác, chủ thể có thẩm quyền tiến hành hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến trật tự quản lý trong lĩnh vực xây dựng.
Một mặt có tác dụng hạn chế, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng. Mặt khác, các giải pháp được đưa ra từ hoạt động thanh tra chuyên ngành nói chung và hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng không chỉ hướng vào việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, mà còn có tác dụng khắc phục những kẽ hở của chính sách, pháp luật, ngăn chặn tận gốc mầm mống phát sinh những vi phạm pháp luật. Đây chính là căn cứ thực tế mà trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng đều đề cập đến thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành.
Ví dụ, tại Điều 38 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định rất rõ thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành. Cụ thể là thanh tra viên chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện. Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ còn có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Tinh thần này được tiếp tục kế thừa và bổ sung tại Điều 46 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các Nghị định hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính. Điều từ 11 đến Điều 74, Nghị định 139/2017/NĐ–CP ngày quy định cụ thể thẩm quyền thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành Xây dựng.
Thứ tư, hoạt động thanh tra chuyên ngành nói chung và thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng được tổ chức thực hiện tương ứng với sự phân cấp trong quản lý. Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm các cơ quan quản lý có thẩm quyền chung và cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực. Trong đó, tổ chức thanh tra chuyên ngành là bộ phận không thể tách rời khỏi cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực. Để quản lý hiệu quả thì quyền hành chính đòi hỏi phải có sự phân công, phân cấp hợp lý.
Với yêu cầu của cải cách hành chính, đặc biệt là thực hiện chủ trương phân cấp giữa các cấp quản lý, vấn đề tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành phải bảo đảm tương thích với sự phân cấp trong quản lý. Có thể hiểu đơn giản là cấp nào được trao thẩm quyền quản lý đến đâu thì được trao thẩm quyền kiểm tra và xử lý vi phạm đến đó, phụ thuộc vào tính chất, phạm vi, đặc điểm của từng bộ, ngành đó. Đây vừa là đặc điểm, nguyên tắc không thể thiếu của hoạt động thanh tra chuyên ngành nói chung và thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng, đồng thời cũng là yêu cầu của cải cách nền hành chính nhà nước.
Thứ năm, chủ thể tiến hành thanh tra chuyên ngành Xây dựng có thể được thực hiện thông qua Đoàn thanh tra chuyên ngành, Thanh tra viên và người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Xây dựng tiến hành độc lập. Khi tiến hành thanh tra phải có quyết định của thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Đoàn thanh tra chuyên ngành, thanh tra viên và người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Xây dựng tiến hành độc lập chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh tra về quyết định và biện pháp xử lý của mình. Khi xử lý vi phạm, Trưởng đoàn Đoàn thanh tra chuyên ngành, Thanh tra viên và người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Xây dựng tiến hành độc lập phải thực hiện đầy đủ trình tự theo quy định của pháp luật.
3. Nội dung thanh tra chuyên ngành xây dựng:
Nội dung thanh tra chuyên ngành xây dựng được quy định tại Điều 11 Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng như sau:
– Thứ nhất: Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc cụ thể :
+ Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng: Quy hoạch xây dựng vùng; quy hoạch xây dựng đô thị; quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cửa khẩu biên giới quốc tế.
+ Về công tác quản lý quy hoạch xây dựng: Công bố công khai quy hoạch xây dựng; cắm mốc chỉ giới xây dựng và các mốc giới quy định khác ngoài thực địa; cấp giấy phép quy hoạch; cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng; thực hiện xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Việc quản lý, sử dụng vốn cho công tác quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền.
+ Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia thiết kế quy hoạch xây dựng, điều kiện hành nghề kiến trúc sư, điều kiện hành nghề kỹ sư quy hoạch đô thị; việc đào tạo, cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, chứng chỉ hành nghề kỹ sư quy hoạch đô thị.
– Thứ hai: Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư xây dựng, cụ thể:
+ Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.
+ Việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán, dự toán công trình xây dựng.
+ Việc áp dụng quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng đối với công trình xây dựng; việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng của nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam.
+ Việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng.
+ Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng theo quy định của
+ Việc cấp, thu hồi giấy phép thầu đối với các nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam.
+ Việc thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam.
+ Việc ký kết, thực hiện hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
+ Việc lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
+ Việc quản lý chất lượng công trình xây dựng; nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình; thanh toán, quyết toán công trình theo thẩm quyền.
+ Việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp và quản lý các loại chứng nhận, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật.
+ Việc thành lập, hoạt động của các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
– Thứ ba: Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phát triển đô thị, bao gồm:
+ Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Việc tuân thủ quy định pháp luật trong việc nâng cấp đô thị.
+ Việc đầu tư xây dựng các khu đô thị.
– Thứ tư: Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; chất thải rắn thông thường; chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị; nghĩa trang; công trình ngầm đô thị; các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
– Thứ năm: Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý, sử dụng công sở trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
– Thứ sáu: Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng; kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện theo quy định của pháp luật.
– Thứ bảy: Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng theo thẩm quyền.
– Thứ tám: Thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật khác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Xây dựng.
Ta nhận thấy, nhằm mục đích để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra xây dựng, chúng ta có nhiều văn bản quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động của các cơ quan quản lý thanh tra xây dựng, cơ quan thanh tra xây dựng. Hệ thống các văn bản pháp luật quy định tương đối cụ thể một số nội dung của pháp luật về thanh tra xây dựng đã đem đến những hiệu quả và cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra xây dựng trên thực tế.