Ủy viên Ủy ban nhân dân là gì? Quy định về thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân?
Ủy viên Ủy ban nhân dân là một phần trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân, bên cạnh Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Ủy viên Ủy ban nhân dân có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc lãnh đạo thực hiện hoạt động chuyên môn theo từng lĩnh vực cụ thể, từ đó, nâng cao trách nhiệm, vị trí, vai trò của Ủy ban nhân dân đối với hoạt động quản lý nhà nước. Trong bài viết dưới đây, để giúp người đọc có cái nhìn rõ hơn về Ủy viên Ủy ban nhân dân, Luật Dương Gia sẽ phân tích quy định của pháp luật hiện hành về thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân.
Cơ sở pháp lý: Văn bản hợp nhất Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.
1. Ủy viên Ủy ban nhân dân là gì?
Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, được giải thích trong
– Thứ nhất, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đại diện cho quyền lực của nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội ở địa phương bằng pháp luật, theo pháp luật. Tổ chức và chỉ đạo việc thi hành pháp luật, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
– Thứ hai, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, Ủy ban nhân dân có vai trò trong việc quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội ở địa phương mình. Ủy ban nhân dân vừa chịu trách nhiệm theo trục dọc của cơ quan hành chính cấp trên, vừa tuân thủ nghị quyết của Hội đồng nhân dân theo trục ngang.
Theo giải thích tại đoạn 2, Khoản 1, Điều 123 Luật tổ chức chính quyền địa phương: “Ủy viên Ủy ban nhân dân là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước cơ quan quản lý nhà nước cấp trên về ngành, lĩnh vực.”. Cụ thể cho cách giải thích này, Luật tổ chức chính quyền địa phương còn ghi nhận về các Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xã. Chẳng hạn: Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. (Khoản 1, Điều 20). Nếu theo cách định nghĩa này, thì Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ bao gồm Giám đốc của các Sở và cơ quan tương đương với Sở và các Ủy viện phụ trách về quân sự và công an.
Ủy viên Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu, theo giới thiệu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Ủy viên Ủy ban nhân dân không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân. Ủy viên Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
2. Quy định về thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân?
Luật Tổ chức chính quyền địa phương không có bất cứ quy định cụ thể nào để khẳng định về thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân. Quá trình tìm hiểu pháp luật khiến tác giả đúc kết được các vấn đề pháp lý như sau:
2.1. Về thành phần Ủy viên Ủy ban nhân dân.
Ủy viên Ủy ban nhân dân là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân. Tức là người đứng đầu các sở hoặc cơ quan tương đương với Sở (Ủy ban nhân dân tỉnh); người đứng đầu Phòng hoặc cơ quan tương đương với Phòng (Ủy ban nhân dân huyện); người đứng đầu ban (Ủy ban nhân dân xã) và các Ủy viên phụ trách quân sự và công an. Số lượng các Ủy viên tùy thuộc vào số lượng các cơ quan chuyên môn được thành lập ở mỗi cấp Ủy ban nhân dân.
Theo Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân là cơ quan có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác từ trung ương đến cơ sở.
Theo giải tích tại Khoản 1, Điều 9 Luật Tổ chức chính quyền địa phương: “Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện, là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên.“
Theo chiều ngang, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân, góp phần đảm bảo sự quản lý thống nhất đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác từ trung ương đến cơ sở. Trong hoạt động của mình, các cơ quan chuyên môn chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân.
2.2. Về nhiệm vụ, quyền hạn.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân được xác định dựa trên trách nhiệm của chủ thể này trong giải quyết công việc, theo đó tại Điều 123 Luật Tổ chức chính quyền địa phương ghi nhận 02 trách nhiệm cơ bản:
Thứ nhất, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công phụ trách lĩnh vực cụ thể và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ được giao; cùng các thành viên khác của Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ủy ban nhân dân; báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân khi được yêu cầu.
Hoạt động của Ủy viên ủy ban nhân dân phụ thuộc chặt chẽ vào hoạt động của Ủy ban nhân dân, các nhiệm vụ, quyền hạn mà Ủy viên có được dựa trên sự ủy quyền và phân công của Ủy ban nhân dân xuất phát từ tư cách là một bộ phận quản lý chuyên môn của Ủy ban nhân dân. Do đó, việc chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân là điều hoàn toàn hợp lý, trách nhiệm đó có thể là trách nhiệm cá nhân hoặc đại diện trách nhiệm cơ quan trong việc lãnh đạo nhưng dẫn đến nhưng sai sót của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, việc báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân xuất phát từ việc Ủy viên Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, cơ quan này có quyền được nắm bắt tất cả hoạt động của Ủy viên, việc báo cáo công tác còn là cơ sở để đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện quyền chất vấn đối với Ủy viên Ủy ban nhân dân.
Thứ hai, tham dự đầy đủ các phiên họp Ủy ban nhân dân; thảo luận và biểu quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân.
Là một phần trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân, các phiên họp còn là nơi để bàn bạc, thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của cơ quan, vì vậy, Ủy viên Ủy ban nhân dân có nhiệm vụ phải tham dự đầy đủ các phiên họp này, đưa ra ý kiến và tiến hành thảo luận, biểu quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật, đó cũng là cách thể hiện chế độ làm việc tập thể và quyết định theo đa số trong hầu hết các cơ quan nhà nước ở Việt Nam.
Theo Khoản 1, Điều 96 Luật Tổ chức chính quyền nhân dân: “Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn … Ủy viên Ủy ban nhân dân…. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn.” Như vậy, quy định này làm phát sinh nhiệm vụ của Ủy viên Ủy ban nhân dân trong việc trả lời chất vấn đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực chức trách của mình.
Chất vấn là việc đại biểu Hội đồng nhân dân nêu ra và yêu cầu những người đứng đầu các cơ quan chuyên môn trả lời về trách nhiệm của họ đối với những vi phạm pháp luật, những biểu hiện yếu kém, trì trệ, không thi hành nghiêm chỉnh, hoặc thi hành không đến nơi, đến chốn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, không thực hiện hoặc có thái độ xem thường các kiến nghị xác đáng của Thường trực Hội đồng nhân dân, biểu hiện tham ô, tham nhũng…xảy ra thuộc lĩnh vực thẩm quyền mà họ có trách nhiệm quản lý.
Qua hoạt động chất vấn, các vấn đề bất cập nêu trên sẽ phải được quan tâm giải quyết, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân địa phương, tăng cường nền nếp, sự hoạt động công khai, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả của cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đồng thời qua đó năng lực, trách nhiệm của những người nắm giữ các cương vị lãnh đạo các cơ quan nhà nước này ở tỉnh được xem xét đánh giá.
Đại biểu sử dụng quyền chất vấn như một biện pháp cuối cùng để quy kết trách nhiệm của cơ quan, cá nhân bị chất vấn một cách công khai; và nhờ sự tác động mang tính quyền lực mạnh mẽ nhất của cơ quan có thẩm quyền mà khắc phục được các khuyết điểm của cơ quan hoặc người bị chất vấn.