Thành lập văn phòng đại diện cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài. Hồ sơ thành lập văn phòng đại diện cơ sở điện ảnh tại nước ngoài.
Việc giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới không chỉ thể hiện qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch trên lãnh thổ của nhau, mà việc quảng bá, giới thiệu nét văn hóa truyền thống còn được thể hiện thông qua các thước phim điện ảnh. Việc dùng các bộ phim điện ảnh để quản bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, truyền thống của dân tộc không hề mới mẻ, nhưng lại tạo được một tiếng vang to lớn. Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc – Xứ sở Kim chi) là một trong những quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, truyền thống của họ thông qua các bộ phim điện ảnh. Vì thể mà khi nhắc đến Hàn Quốc, người ta sẽ nhắc ngay đến kim chi, trang phục truyền thống của người Koryo, hay hình ảnh của một đất nước vừa hiện đại vừa truyền thồng, bởi lẽ, tất cả đều được thể hiện trong những bộ phim điện ảnh lôi cuốn của quốc gia này. Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã bắt đầu tạo dựng những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng ngành công nghiệp giải trí với hai mũi nhọn đó là âm nhạc và điện ảnh. Chính điều này, rất nhiều văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam đã được thành lập ở nước ngoài nhằm quảng bá, giới thiệu đến bạn bè trên thế giới hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Theo quy định tại Điều 44, Luật Điện ảnh 2006, sửa đổi, bổ sung 2009, trình tự, thủ tục thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài được quy định như sau:
Thứ nhất là hồ sơ của việc thực hiện trình tự, thủ tục thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài bao gồm (Điều 44, Khoản 2, Luật Điện ảnh 2006, sửa đổi, bổ sung 2009):
a) Đơn đề nghị đặt văn phòng đại diện ghi mục đích, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, trụ sở, giám đốc văn phòng đại diện và cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại;
b) Văn bản chấp thuận cho đặt văn phòng đại diện của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của nước sở tại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai là về trình tự, thủ tục tiến hành việc thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo hai bước chính:
a, Cơ sở điện ảnh Việt Nam có ý định mở văn phòng đại diện tại nước ngoài phải chuẩn bị một bộ hồ sơ gửi trực tiếp hoặc thông qua đường bưu chính đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
b, Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành việc ra quyết định chấp thuận cho phép cơ sở điện ảnh Việt Nam mở văn phòng đại diện tại nước ngoài.
Thứ ba là về thẩm quyền cấp phép thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cơ quan chủ quan chủ quản ngành văn hóa trực thuộc Chính phủ (Điều 44, Khoản 1, Luật Điện ảnh 2006, sửa đổi, bổ sung 2009).
Thứ tư là về thời hạn giải quyết thủ tục này. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hoá – Thông tin có trách nhiệm trả lời bằng văn bản việc chấp thuận, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do (Điều 44, Khoản 3, Luật Điện ảnh 2006, sửa đổi, bổ sung 2009).
Với những quy định trên của Luật Điện ảnh 2006, sửa đổi, bổ sung 2009 sẽ góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng du lịch – ngành công nghiệp không khói trong tương lai.