Xã hội toàn cầu hóa kéo theo sự phát triển và ra đời của nhiều công ty. Vấn đề đặt ra, hiểu thế nào là thành lập doanh nghiệp và làm thế nào để thành lập doanh nghiệp. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Thành lập doanh nghiệp là gì?
Căn cứ tại Khoản 10 Điều 4
Thành lập doanh nghiệp có thể hiểu đó là nền tảng, quá trình đầu tiên để cá nhân hoặc tổ chức có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình mong muốn một cách hợp pháp nhất.
Theo quy định pháp luật về doanh nghiệp hiện nay, hiện tại có các loại hình doanh nghiệp sau:
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
– Công ty cổ phần
– Công ty hợp danh
– Doanh nghiệp tư nhân
2. Các điều kiện để thành lập doanh nghiệp:
Điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ các đối tượng sau đây:
– Thứ nhất, các đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
+ Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình
+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước
+ Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật doanh nghiệp năm 2020, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác
+ Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân
+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng
+ Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự
– Thứ hai, đối tượng sau có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, trừ trường hợp sau:
+ Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
+ Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng
Điều kiện về vốn điều lệ và vốn pháp định:
Thứ nhất, vốn điều lệ: được hiểu là số vốn do các cổ đông, thành viên góp hoặc cam kết góp vốn, được ghi vào Điều lệ của công ty. Với những ngành, nghề không yêu cầu thì vốn của doanh nghiệp do chủ doanh nghiệp tự nguyện đăng ký khi tiến hành thành lập doanh nghiệp. Và về mặt thời hạn góp vốn theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 có sự thay đổi, quy định như sau: Các thành viên, cổ đông của công ty sẽ phải góp đủ vốn trong thời hạn là 90 ngày kể từ khi thành lập. Nếu trong trường hợp không góp đủ vốn mặc định như đã cam kết thì sẽ phải giảm xuống đến mức đã góp, cổ đông/thành viên nào không góp thì không còn là thành viên/cổ đông của công ty và công ty phải điều chỉnh vốn cũng như loại hình tương ứng.
Thứ hai, vốn pháp định: được hiểu là số vốn tối thiểu phải có để được thành lập doanh nghiệp. Vốn pháp định do Cơ quan Nhà nước quy định tùy từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác nhau
Điều kiện về ngành nghề kinh doanh:
Tại Khoản 1 Điều 7 Luật doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm
Điều kiện về địa điểm kinh doanh:
Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có)
Điều kiện về tên doanh nghiệp:
Căn cứ tại Điều 37 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về điều kiện tên doanh nghiệp như sau:
– Tên tiếng Việt: bao gồm hai yếu tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng
+ Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu
+ Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành
+ Không được vi phạm những điều cấm tại Điều 38
– Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài:
+ Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh
+ Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài
3. Làm thế nào để thành lập doanh nghiệp?
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp:
– Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân gồm những giấy tờ sau:
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
+ Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân
– Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh gồm những giấy tờ sau:
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
+ Điều lệ công ty
+ Danh sách thành viên
+ Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư
– Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn gồm những giấy tờ sau:
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
+ Điều lệ công ty
+ Danh sách thành viên
+ Bản sao các giấy tờ sau đây:
* Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật
* Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức
* Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư
– Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần gồm những giấy tờ sau:
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
+ Điều lệ công ty
+ Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài
+ Bản sao các giấy tờ sau đây:
* Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật
* Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức
* Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Hiện tại người có nhu cầu thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ qua cổng thông tin điện tử online: dangkykinhdoanh.gov.vn
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ:
– Cơ quan đăng ký kinh doanh ghi vào sổ hồ sơ tiếp nhận của cơ quan mình, đồng thời trao cho người thành lập Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ hợp lệ
– Thời điểm tiếp nhận hồ sơ hợp lệ được coi là căn cứ để xác định thời hạn thực hiện trách nhiệm đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh
– Sau đó cơ quan có thẩm quyền xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Bước 4: Nhận kết quả tại Bộ phận một cửa hoặc chuyển phát:
Mang theo giấy biên nhận và giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/hộ chiếu/căn cước công dân công chứng) của người nộp hồ sơ bản gốc tới bộ phận một cửa để đối chiếu thông tin và nhận kết quả, hoặc đăng ký dịch vụ nhận chuyển phát kết quả tận tay.