Hiện nay, nhiều người vẫn chưa biết rõ về chức vụ và quyền hạn của Thanh tra và Cục trường Kiểm ngư. Bài viết dưới đây sẽ phân tích về thẩm quyền xử phạt của Thanh tra, Cục trưởng Kiểm ngư.
Mục lục bài viết
1. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra, Cục trưởng Kiểm ngư:
1.1. Thẩm quyền của Thanh tra:
Căn cứ theo quy định tại Điều 76 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
– Thanh tra viên đang thi hành công vụ có quyền:
+ Ra quyết định phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền có giá trị đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội phạt tiền có giá trị đến 400.000 đồng; đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ phạt tiền có giá trị đến 500.000 đồng; đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội thì phạt tiền đến 750.000 đồng;
+ Tiến hành tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
– Chánh Thanh tra Sở có quyền:
+ Tiến hành phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền có giá trị đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội thì phạt tiền đến 20.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ thì bị phạt tiền đến 25.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội thì bị phạt tiền đến 37.500.000 đồng;
+ Tiến hành tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tiến hành tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
– Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có quyền:
+ Ra quyết định phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền có giá trị đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị phạt đến 40.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ thì sẽ bị phạt đến 50.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội thì sẽ phạt đến 75.000.000 đồng;
+ Tiến hành tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tiến hành tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có thẩm quyền xử phạt như Chánh Thanh tra bộ.
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt như Chánh Thanh tra Sở.
1.2. Thẩm quyền của Kiểm ngư:
Đối với lĩnh vực thủy sản thì việc xử phạt vi phạm hành chính sẽ được cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP. Trong đó, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản của Kiểm ngư được ghi nhận tại Điều 53 Nghị định 42/2019/NĐ-CP như sau:
– Kiểm ngư viên đang thi hành công vụ có quyền:
+ Phạt tiền có giá trị đến 500.000 đồng;
+ Ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;
– Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng có quyền:
+ Phạt tiền có giá trị đến 10.000.000 đồng;
+ Tiến hành tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
– Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng có quyền:
+ Phạt tiền có giá trị đến 100.000.000 đồng;
+ Tiến hành tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả
– Cục trưởng Cục Kiểm ngư có quyền:
+ Phạt tiền có giá trị đến 1.000.000.000 đồng;
+ Đình chỉ các hoạt động có thời hạn hoặc tiến hành tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện mục đích sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả
Như vậy, căn cứ theo quy định nên trên thì trong lĩnh vực thủy sản, người đứng đầu tổ chức hành chính Kiểm ngư tỉnh không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
2. Tổ chức Kiểm ngư được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Nghị định 26/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 12/2020/NĐ-CP tổ chức Kiểm ngư được tổ chức như sau:
– Kiểm ngư trung ương được tổ chức như sau:
+ Cục Kiểm ngư đó là cơ quan thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cục Kiểm ngư có các phòng chuyên môn, các Chi cục Kiểm ngư Vùng và Trung tâm phục vụ hoạt động Kiểm ngư;
+ Chi cục Kiểm ngư Vùng trong đó có các phòng chuyên môn, đội tàu Kiểm ngư và Trạm Kiểm ngư;
+ Cục Kiểm ngư và các Chi cục Kiểm ngư Vùng sẽ có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước;
+ Trạm Kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng sẽ có con dấu riêng để giao dịch hành chính và thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
+ Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đó là tổ chức hành chính thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
Như vậy, cơ cấu tổ chức Kiểm ngư bao gồm Kiểm ngư trung ương và Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. Trong đó, Kiểm ngư tỉnh là tổ chức hành chính thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh, không phải là Chi cục.
3. Tổ chức Thanh tra được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 21 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Chánh Thanh tra sở; Chánh Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Chánh Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam; Chánh Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Chánh Thanh tra quốc phòng quân khu; Chánh Thanh tra Cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ;
Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng thuộc Cục Thú y; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng thuộc Cục Bảo vệ thực vật; Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung Bộ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế;
Chi cục trưởng Chi cục về trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai, lâm nghiệp, phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Trung, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Nam thuộc Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực, Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh; các chức danh tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt có quyền
Theo đó, thì Chi cục trưởng Chi cục quản lý về trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai, lâm nghiệp, phát triển nông thôn có thẩm quyền được xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực của mình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi 2020;
– Nghị định 42/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản;
– Nghị định 26/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.