Làm đơn ra toà để kiện về việc kết hôn sai pháp luật? Kết hôn trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào? Xử lý trường hợp chưa ly hôn mà đã kết hôn với người khác?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính mong luật sư tư vấn giúp em một việc. Em gái em có chồng là Việt kiều Mỹ, đã đăng ký kết hôn tại Việt Nam 6 năm nay nhưng chồng không bảo lãnh đi Mỹ, không có con và hồ sơ bảo lãnh đã hết hạn mấy năm nay.
Năm 2012, em gái của em phát hiện anh ấy có vợ khác ở bên Mỹ và muốn ly hôn với em tôi. Cho tôi hỏi, nếu em tôi không đồng ý ly hôn thì anh ấy có thể làm được không ạ? Em tôi có thể kiện anh ấy vì đã có vợ bên Mỹ không ạ?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, nếu em gái bạn và chồng của em gái bạn đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì chồng em gái bạn phải làm hồ sơ ly hôn nộp tại cơ quan cấp tỉnh nơi em gái bạn cư trú. Trong trường hợp chồng của em bạn muốn ly hôn thì còn phải căn cứ phải pháp luật nước Mỹ vì nó còn liên quan đến xung đột pháp luật nếu không có hiệp định tương trợ tư pháp.
Thứ hai, theo như thông tin bạn cung cấp em gái bạn và chồng của em gái bạn đã đăng ký kết hôn được 6 năm nay (hồ sơ bảo lãnh đã hết hạn mấy năm) và vì lí do nào đó mà em gái bạn không sang định cư tại Mỹ cùng chồng. Hiện tại thì chồng của em gái bạn đã có vợ khác bên Mỹ, có thể họ chỉ chung sống mà không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, chồng của em gái bạn đang làm thủ tục ly hôn với em gái bạn tại Mỹ thì có thể căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định 68/2002/NĐ-CP: Công nhận việc kết hôn, ly hôn đã được tiến hành ở nước ngoài.
“2. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài thì được công nhận tại Việt Nam, nếu không có đơn yêu cầu không công nhận việc ly hôn đó tại Việt Nam.”
Luật sư
Như vậy, trong trường hợp pháp luật Mỹ cho phép chồng của em gái bạn ly hôn với em gái bạn thì pháp luật Việt Nam sẽ không công nhận bản án đó nếu em gái bạn có đơn yêu cầu không công nhận việc ly hôn đó tại Việt Nam.
Em bạn có tố cáo chồng em bạn vì đã có vợ bên Mỹ tại cơ quan công an với tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Để đảm bảo quyền lợi tối ưu của mình thì bạn có thể trình báo với cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Mục lục bài viết
- 1 1. Làm đơn ra toà để kiện về việc kết hôn sai pháp luật?
- 2 2. Thủ tục hủy kết hôn trái pháp luật
- 3 3. Yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật
- 4 4. Kết hôn trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?
- 5 5. Xử lý trường hợp chưa ly hôn mà đã kết hôn với người khác?
- 6 6. Thẩm quyền xử lý trường hợp kết hôn trái pháp luật?
- 7 7. Điều kiện hủy đăng ký kết hôn trái luật
1. Làm đơn ra toà để kiện về việc kết hôn sai pháp luật?
Tóm tắt câu hỏi:
Thân chào Luật sư. Chuyện nhà tôi rất đặc biệt và cũng khó giải quyết. Tôi kể chi tiết và mong luật sư tư vấn giúp. Mẹ tôi là Dược sỹ Đại học, trước làm việc tại Đội điều trị lữ đoàn không quân vận tải 919.
Năm 1975, bố tôi vào chiến trường B2, công tác tại xưởng dược quân khu 7 Sài Gòn. Năm 1976, bố mẹ tôi kết hôn, năm 1977 sinh tôi. Từ năm 1979, bố tôi có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác và sau đó có kết hôn với cô này mặc dù chưa ly hôn với mẹ tôi, đồng thời có 2 người con. Bố tôi sống cùng họ cho tới nay tại Hồ Chí Minh và nhập hộ khẩu tại đây. Trong hộ khẩu, vợ hai của bố tôi là chủ hộ, quan hệ của bố tôi là chồng.
Năm 1981 mẹ tôi được Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam cấp cho nhà và ở cho tới nay. Năm 2012, nhà đã được cấp sổ đỏ mang tên mẹ tôi. Nhà tôi hiện nay xuống cấp, cần bán đi 1 phần để xây nhà, nhưng khi tôi ra phòng Công chứng để làm thủ tục bán nhà thì họ nói cần chữ kí của bố tôi xác nhận đó là tài sản riêng của mẹ tôi và không tranh chấp. Mà bố tôi lại có hộ khẩu phụ thuộc với người vợ 2 nên cần cả chữ kí của vợ hai bố tôi nhưng vì nhiều lý do mà vợ hai bố tôi không chịu kí xác nhận. Mục đích chính của tôi là làm thế nào để xác nhận được Nhà chúng tôi đang ở là tài sản riêng của mẹ tôi, bố tôi cũng như các con riêng của bố tôi không liên quan. Bố tôi thì hợp tác, vợ hai bố tôi thì không. Mong luật sư vui lòng tư vấn giúp tôi cách nào tốt nhất để làm được việc này. Mẹ tôi có nên làm đơn ra toà để kiện về việc kết hôn sai pháp luật của bố tôi và vợ 2? Hay mẹ tôi làm đơn li hôn đơn phương hay thuận tình để toà giải quyết việc phân chia tài sản. Nếu làm đơn thì làm tại Hà Nội nơi mẹ con tôi sống hay làm trong Hồ Chí Minh nơi bố tôi sống? Xin tư vấn cách nào đơn giản và dễ dàng nhất cho mẹ con tôi.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ tại điểm a khoản 3 Nghị quyết 35/2000/QH10 quy định về hôn nhân thực tế thì trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3 tháng 1 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được xem như vợ chồng hợp pháp. Trong trường hợp của bố mẹ anh thì hôn nhân được xác lập năm 1976 được coi là hôn nhân hợp pháp nếu mẹ anh chứng minh được vợ chồng đã chung sống với nhau trước ngày 3-1-1987.
Do việc kết hôn giữa bố mẹ anh là hợp pháp nên việc bố anh chung sống, kết hôn với người phụ nữ thứ hai (trong khi chưa ly hôn với người vợ thứ nhất) là không hợp pháp, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Vì thế mẹ anh có quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật của bố anh. Theo Điều 10
“1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.”
Theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức nêu trên Tòa án xem xét và quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật và gửi bản sao quyết định cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn. Căn cứ vào quyết định của Tòa án, cơ quan đăng ký kết hôn xóa đăng ký kết hôn trong Sổ đăng ký kết hôn.
Việc hủy kết hôn trái pháp luật sẽ dẫn đến các hậu quả pháp lý như: giải quyết tài sản; quyền lợi của con…Điều này sẽ gây bất lợi cho bố và người vợ mới của bạn, dễ dàng cho các bên đi đến được thỏa thuận có lợi cho nhau.
Đây là cách giải quyết đơn giản và hợp lý cho mẹ con anh.
2. Thủ tục hủy kết hôn trái pháp luật
Tóm tắt câu hỏi:
Tháng 7 năm 2011, tôi có đăng ký kết hôn tại UBND Phường nơi tôi đang cư ngụ (P. Sơn Kỳ, Q.Tân Phú). Lúc đó chúng tôi dự định cuối năm sẽ tổ chức cưới. Khi ĐKKH xong khoảng 2 tháng thì tôi phát hiện người đàn ông đang chung sống với người phụ nữ khác ở Quận 3 và đã có con khoảng 1 tuổi. Trước đó người đàn ông này đã ĐKKH với người phụ nữ đó trước khi ĐKKH với tôi. Lúc đó do tôi chưa hiểu sự quan trọng của tờ giấy ĐKKH nên tôi quyết định làm thủ tục ly hôn với người đó. Tôi sợ nếu làm hồ sơ hủy giấy ĐKKH thì người đàn ông ấy sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật nên tôi đồng ý ly hôn mà không làm hồ sơ hủy kết hôn. Đến tháng 12 thì TA Q.Tân Phú ra quyết định ly hôn cho tôi. Nhưng đến bây giờ việc ĐKKH đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của tôi, do tôi còn giữ bản sao giấy ĐKKH mà ủy ban cấp cho tôi (có chữ ký sống của chủ tịch và dấu đỏ của ủy ban) và tôi muốn khởi kiện lại việc ĐKKH đó để nhờ TA hủy hồ sơ tôi đã từng ĐKKH có được không? Nếu hồ sơ của tôi được thụ lý thì người đó sẽ bị tội gì và phạt như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Nếu bạn đã xác minh rõ ràng rằng người đàn ông kia và người phụ nữ khác đã ĐKKH trước mà chưa tiến hành ly hôn lại tiếp tục đăng ký kết hôn với bạn thì theo khoản 6 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc ĐKKH của bạn với người đàn ông kia là kết hôn trái pháp luật (kết hôn với người đang có vợ, chồng).
Căn cứ theo khoản 2 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Ngoài ra người đàn ông kia có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
– Xử phạt hành chính: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP:
“Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;”
– Xử lý hình sự: Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
…”
3. Yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi tình huống này với ạ. Anh A chung sống như vợ chồng với chị B từ năm 1990. Đến tháng 2/2002 anh A đăng kí kết hôn với chị M và dùng tài sản mà anh kinh doanh được mua cho chị M 1 căn nhà trị giá 3 tỷ và chị M đứng tên chủ sở hữu. Đến tháng 6/2002 chị B đã phát hiện ra quan hệ giữa anh A và chị M nên đã yêu cầu toà án huỷ kết hôn trái pháp luật giữa anh A và chị M và đòi lại căn nhà. Trong thời gian xảy ra tranh chấp, chị M sinh cháu X. Vậy toà án có chấp nhận yêu cầu của chị B không? Và khi đăng kí khai sinh cho cháu X, họ tên anh A có đương nhiên được ghi vào phần họ tên cha không? Em cảm ơn nhiều ạ.
Luật sư tư vấn
– Yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật của chị B
+ Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì pháp luật bảo vệ quan hệ vợ chồng giữa anh A và chị M vì giữa họ đã đăng ký kêt hôn hợp pháp nên chị B không có quyền yêu cầu Tòa án hủy quan hệ hôn nhân giữa họ Mặc dù anh A và chị B đã chung sống với nhau như vợ chồng trong 1 thời gian dài nhưng họ không tiến hành đăng ký kết hôn nên không được pháp luât thừa nhận quan hệ vợ chồng.
– Yêu cầu trả lại căn nhà
+ Vì bạn chỉ nói là anh A dùng tài sản mà anh kinh doanh được mua nhà cho chị M nên nếu chị B chứng minh được trong số tiền 3 tỷ mua nhà kia có dùng tới phần tài sản chung mà chị B và anh A đóng góp thì Toàn án sẽ giải quyết căn nhà đó đúng theo phần chứng minh tài sản đóng góp của chị M. Nếu chị M không chứng minh được thì ngôi nhà này vẫn thuộc quyền sở hữu của chị M.
– Đăng ký khai sinh cho cháu X
+ Theo khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 thì:
“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.”
Quan hệ giữa anh A và chị M là quan hệ vợ chồng hợp pháp nên anh A đương nhiên được ghi vào phần họ tên cha (trừ trường hợp anh A chứng minh được cháu X không phải con của mình).
4. Kết hôn trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư!
Trường hợp của tôi như sau, mong nhận được sự tư vấn của luật sư. Vợ chồng tôi kết hôn được 1 năm và hiện tại tôi đang mang thai tháng thứ 8. Do điều kiện kinh tế nên sau khi cưới được 2 tháng thì tôi có đi làm xa nhà. Hiện tại tôi được biết chồng tôi chuẩn bị kết hôn với người phụ nữ khác. Vậy tôi muốn hỏi tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mẹ con tôi? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Trước tiên, cần khẳng định với bạn rằng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 nếu chồng bạn mà kết hôn với người phụ nữ khác là việc kết hôn trái pháp luật.
“Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này” (Khoản 6 Điều 3)
Đối chiếu với Điều 8
Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Các trường hợp cấm kết hôn theo quy định bao gồm:
– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
…..
Pháp luật quy định để xử lý hành vi: Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ như sau:
Thứ nhất: Trách nhiệm hành chính
Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi này như sau:
Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
đ) Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;
e) Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc ly hôn để vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để trốn tránh nghĩa vụ tài sản.
Thứ hai: Trách nhiệm hình sự
Hành vi của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Như vậy, hướng giải quyết cho bạn trong trường hợp này như sau:
Bạn nên tiến hành tố giác hành vi này với chính quyền địa phương và cơ quan công an để cơ quan công an tiến hành điều tra, xác minh hành vi của chồng bạn có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị truy cứu trách nhiệm hành chính.
Lưu ý: Bạn cũng cần lưu ý đến quyền ly hôn của người chồng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho bạn và con của bàn. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ chồng đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp bạn yêu cầu ly hôn đơn phương hoặc chấp thuận ly hôn thuận tình.
5. Xử lý trường hợp chưa ly hôn mà đã kết hôn với người khác?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, năm 2012, chồng tôi có quan hệ với bạn gái và có thai. Gia đình hai bên đã đến Ủy ban xã kết hôn. Vì có quen biết và là người có tiếng nói ông đã lên xã nhờ đăng kí kết hôn. Qua các báo đài và truyền thông thì tôi được biết như thế là kết hôn trái pháp luật. Vậy trường hợp này của chồng tôi được pháp luật quy định như thế nào? Chồng tôi vẫn là chồng hợp pháp của tôi chứ? Vậy Rất mong được luật sư tư vấn.
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:
“a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”
Vì vậy việc kết hôn của chồng chị là trái pháp luật và không có giá trị về mặt pháp lý. Nếu có tranh chấp xảy ra thì quan hệ của chồng chị và người vợ kia sẽ không được công nhận.
Cũng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Nếu chị và chồng chị đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật thì chồng chị vẫn là chồng hợp pháp.
6. Thẩm quyền xử lý trường hợp kết hôn trái pháp luật?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, em năm nay 19 tuổi. Em đã kết hôn với anh B khi em 15 tuổi. Nhờ một số mối quan hệ mà em và anh B vẫn đăng ký kết hôn được với nhau. Tuy nhiên việc đăng ký này lại sai thẩm quyền. Do đó, ủy ban nhân dân nơi em cư trú đã hủy giấy đăng ký kết hôn của em. Do có sự kiện trên mà cơ quan này đã phát hiện được ra em chưa đủ điều kiện đăng ký kết hôn. Nhận ra việc kết hôn của em trái pháp luật nên ủy ban nhân dân không cấp lại giấy đăng ký kết hôn cho em. Cho em hỏi, ủy ban nhân dân làm như vậy có đúng hay không?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào điều 13 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì:
“Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn trước.”
Như thế, việc cấp giấy kết hôn sai thẩm quyền là do lỗi của cơ quan nhà nước. Khi xảy ra trường hợp này thì cơ quan có thẩm quyền phải cấp lại cho bạn. Và quan hệ hôn nhân của bạn đã tồn tại từ thời điểm đăng ký kết hôn trước.
Việc hai bạn kết hôn trái pháp luật hay không thì phải phụ thuộc vào quyết định của Tòa án chứ không phải Ủy ban nhân dân khi có yêu cầu của một trong những cá nhân, tổ chức quy định tại Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình 2014 bao gồm:
– Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn
– Vợ, chồng của người đang có vợ, có chống mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người kết hôn trái pháp luật;
– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
– Hội liên hiệp phụ nữ.
Khi có yêu cầu thì Tòa sẽ thụ lý để giải quyết. Nếu nhận thấy việc kết hôn của bạn là trái pháp luật thì Tòa sẽ hủy việc kết hôn trái pháp luật của hai bên. Nhưng bạn năm nay đủ tuổi kết hôn và hai bạn vẫn muốn tiếp tục gắn bó với nhau thì Tòa sẽ công nhận quan hệ hôn nhân của hai bạn theo khoản 2 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
7. Điều kiện hủy đăng ký kết hôn trái luật
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có vấn đề này muốn hỏi luật sư ạ.
Tôi và chồng tôi có đăng ký kết hôn do gia đình bên chồng tôi xin cưới vì anh ta đã làm tôi có thai được 2 tháng và mẹ anh ta liên tục bắt tôi đi đăng ký kết hôn với anh ta để hợp pháp khai sinh cho con sau này. Nhưng đến khi cưới và đăng ký kết hôn thì tôi nói thế nào anh ta cũng không chịu đi làm, thì lúc bấy giờ bố mẹ anh ta nói anh ta bị bệnh thần kinh và anh ta cũng thường xuyên gây gổ và đánh tôi khi tôi đang mang thai đến mức nhiều lần tôi phải gọi công an vào giải quyết nên tôi buộc phải ly hôn với anh ta khi đang mang thai 6 tháng.
Nhưng khi tôi sinh con sau 4 tháng tiếp đó thì mẹ con anh ta sang xin tôi cho nhận cháu và viết thỏa thuận xin nhận và cấp dưỡng nuôi con. Nhưng đến tận bây giờ là 18 tháng từ ngày tôi sinh và làm xong khai sinh có tên cha cho con tôi theo yêu cầu của phường nơi đăng ký khai sinh thì gia đình anh ta hoàn toàn không có 1 chút trách nhiệm nào với con cháu trong khi tôi đã khởi kiện yêu cầu trách nhiệm nuôi con tại toà mà bị gây khó dễ cả nửa năm nay không giải quyết. Vậy tôi xin hỏi tôi có thể kiện bố mẹ và hủy hôn nhân trái pháp luật với anh ta khi đã ly hôn và được bồi thường không ạ? Tôi xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Theo Điều 10 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật như sau:
“Điều 10. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.”
Như vậy nếu bạn chưa ly hôn thì có thể yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do bị cưỡng ép, hành hạ. Trường hợp bạn nêu đã ly hôn, nếu sau khi bản án, quyết định của tòa án về việc giải quyết vấn đề ly hôn và việc cấp dưỡng nuôi con đã có hiệu lực pháp luật nhưng người phải thi hành án vẫn không tự nguyện thi hành án (cấp dưỡng nuôi con) hoặc thi hành không đầy đủ thì bạn có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án đối với bản án, quyết định của tòa án.
Theo Điều 110 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:
“Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”
Và quy định mức cấp dưỡng như sau:
“Điều 116. Mức cấp dưỡng
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình qua tổng đài:1900.6568
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Việc cưỡng ép kết hôn được quy định tại Điều 181 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 181. cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”
Nếu trong trường hợp bạn bị cưỡng ép kết hôn, uy hiếp tinh thần để kết hôn thì bạn có thể làm đơn khởi kiện ra cơ quan công an có thẩm quyền trình báo sự việc của mình.
Như vậy, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ để tiến hành khởi kiện để đảm bảo quyền lợi cho mình.