Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được xem là văn bản hợp pháp được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cho phép chủ sở hữu hộ kinh doanh thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực mà pháp luật không cấm dưới hình thức hộ kinh doanh. Dưới đây là quy định của pháp luật về thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Mục lục bài viết
1. Thẩm quyền thu hồi chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh:
Trong một số trường hợp nhất định, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh sẽ bị thu hồi. Thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là một trong những chế định vô cùng quan trọng, được nhiều người quan tâm. Căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, có quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện. Theo đó, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ bao gồm quyền hạn và nhiệm vụ như sau:
– Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật, thực hiện thủ tục cần thiết để xem xét tính hợp lý của hồ sơ, cấp đăng ký hộ kinh doanh hoặc từ chối cấp đăng ký hộ kinh doanh;
– Hướng dẫn hộ kinh doanh và người thành lập hộ kinh doanh về thành phần hồ sơ, trình tự và thủ tục, quy trình đăng ký hộ kinh doanh;
– Phối hợp xây dựng, quản lý và vận hành đối với hệ thống thông tin liên quan tới hộ kinh doanh hoạt động trên phạm vi địa bàn, định kỳ báo cáo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp huyện, phòng đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế cấp huyện về tình hình liên quan tới hoạt động đăng ký hộ kinh doanh trên địa bàn mà mình quản lý;
– Cung cấp thông tin về đăng ký hộ kinh doanh trên phạm vi địa bàn do mình quản lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan quản lý thuế tại địa phương, các cơ quan khác có liên quan, các tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;
– Trực tiếp thực hiện thủ tục kiểm tra, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành hoạt động kiểm tra hộ kinh doanh theo các nội dung trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh;
– Yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo đầy đủ về vấn đề tuân thủ quy định của pháp luật tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, khi nhận thấy cần thiết;
– Yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngưng hoạt động kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi phát hiện hộ kinh doanh đó không còn đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề đó;
– Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật;
– Thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh cho các tổ chức và cá nhân khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 93 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, có quy định cụ thể về vấn đề thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Theo đó, trong trường hợp hộ kinh doanh ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh trong khoảng thời gian 06 tháng liên tục, tuy nhiên không thực hiện thủ tục thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký kinh doanh, hoặc không gửi báo cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thông báo bằng văn bản phản ánh đầy đủ hành vi vi phạm của hộ kinh doanh, sau đó yêu cầu chủ hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện để giải trình rõ ràng về hành vi vi phạm đó. Sau khoảng thời gian 10 ngày làm việc được tính kể từ ngày kết thúc thời hạn ghi nhận trong thông báo, tuy nhiên người được yêu cầu vẫn không đến giải trình hoặc giải trình đó không được chấp nhận, thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ có thẩm quyền ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan trong quá trình xem xét nội dung giải trình của hộ kinh doanh.
Theo đó, thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thuộc về Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
2. Thủ tục thu hồi chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh:
Quy trình thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh sẽ trải qua các giai đoạn cơ bản sau:
Bước 1: Thành phần hồ sơ thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu cơ bản sau đây: Thông báo về hành vi vi phạm của hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh vi phạm, thông báo về chuyển địa điểm kinh doanh sang các đơn vị cấp huyện khác đối với trường hợp hộ kinh doanh chuyển địa điểm kinh doanh, quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo mẫu do pháp luật quy định.
Bước 2: Trong trường hợp hộ kinh doanh không tiến hành hoạt động kinh doanh trong khoảng thời gian 06 tháng, được tính kể từ ngày hộ kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong trường hợp hộ kinh doanh ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh trong khoảng thời gian 06 tháng liên tục tuy nhiên không thực hiện nghĩa vụ thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Phòng tài chính kế hoạch cấp huyện sẽ có thẩm quyền thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm của hộ kinh doanh, đồng thời yêu cầu đại diện hộ kinh doanh đến Phòng tài chính kế hoạch cấp huyện để giải trình rõ lý do cụ thể. Sau khoảng thời gian 10 ngày làm việc được tính kể từ ngày kết thúc thời gian hẹn ghi nhận trong thông báo, tuy nhiên người được yêu cầu vẫn không đến để giải trình hoặc nội dung giải trình không được chấp nhận, thì cơ quan có thẩm quyền đó là Phòng tài chính kế hoạch cấp huyện sẽ có thẩm quyền ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Trong trường hợp hộ kinh doanh thực hiện hoạt động chuyển địa điểm kinh doanh sang quận, huyện khác thì sau khi nhận được thông báo của hộ kinh doanh về việc chuyển địa điểm, cơ quan có thẩm quyền đó là Phòng tài chính kế hoạch cấp huyện sẽ có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, trong trường hợp hộ kinh doanh kinh doanh ngành nghề bị pháp luật nghiêm cấm, Phòng tài chính kế hoạch cấp huyện sẽ ra thông báo về hành vi vi phạm của hộ kinh doanh và đồng thời ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Trong trường hợp hộ kinh doanh được thành lập bởi những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thì cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, nếu hộ kinh doanh do một cá nhân thành lập và đồng thời cá nhân đó cũng không được quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật thì Phòng tài chính kế hoạch cấp huyện sẽ có thẩm quyền ra thông báo về hành vi vi phạm của cá nhân, sau đó ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Trong trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập, một trong số cá nhân đó được xác định là chủ thể không có quyền thành lập hộ kinh doanh thì Phòng tài chính kế hoạch cấp huyện sẽ có thẩm quyền ra thông báo về hành vi vi phạm của hộ kinh doanh, đồng thời yêu cầu hộ kinh doanh đăng ký thay đổi cá nhân trong khoảng thời gian 15 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được thông báo. Nếu quá thời hạn nêu trên mà hộ kinh doanh vẫn không thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, Phòng tài chính kế hoạch cấp huyện sẽ ra thông báo về hành vi vi phạm của hộ kinh doanh, sau đó ban hành quyết định thu hồi đối với giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Theo đó, tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau, hoạt động thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh của Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cũng sẽ được tiến hành khác nhau.
3. Hộ kinh doanh bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường nào?
Trong một số trường hợp nhất định, hộ kinh doanh sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Căn cứ theo quy định tại Điều 93 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, có quy định cụ thể về vấn đề thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Theo đó, hộ kinh doanh sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh khi thuộc một trong những trường hợp sau:
– Nội dung kê khai trong thành phần hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh được xác định là giả mạo;
– Hộ kinh doanh ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh trong khoảng thời gian 06 tháng liên tục tư nhân không thực hiện nghĩa vụ thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký hộ kinh doanh và các cơ quan thuế;
– Hộ kinh doanh kinh doanh ngành nghề bị pháp luật nghiêm cấm;
– Hộ kinh doanh do những đối tượng được xác định là người không có thẩm quyền thành lập hộ kinh doanh thành lập;
– Hộ kinh doanh không thực hiện nghĩa vụ gửi báo cáo căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong khoảng thời gian 03 tháng được tính kể từ ngày hết thời hạn gửi báo cáo hoặc được tính kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền;
– Một số trường hợp khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo đề nghị của Toà án.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
THAM KHẢO THÊM: