Người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu? Quy trình lựa chọn nhà thầu
Hiện nay việc lựa chọn nhà thầu chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Bởi vì, tùy vào các dự án thuộc từng lĩnh vực mà việc lựa chọn nhà thầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đảm bảo cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể tìm ra những nhà thầu phù hợp nhất, đáp ứng đầy đủ điều kiện để đảm bảo cho việc thực hiện các dự án diễn ra đúng tiến độ. Vậy ai là người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu? Pháp luật hiện hành quy định như thế nào? Chúng tôi ghi nhận những thắc mắc của bạn và hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về vấn đề trên.
Căn cứ pháp lý:
- Luật đấu thầu 2013
Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Để xác định rõ thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuộc về ai thì trước hết ta cần định nghĩa thế nào là phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Căn cứ Điều 37 Luật Đấu thầu 2013 quy định về thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, ta có thể hiểu phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là việc kiểm tra, đánh giá bằng văn bản của người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu sau khi dự án, dự toán mua sắm được phê duyệt hoặc đồng thời với quyết định phê duyệt dự án, dự toán mua sắm trong trường hợp đủ điều kiện.
Mục lục bài viết
1. Người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
Để xác định ai là người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì hiện nay Điều 37 Luật đấu thầu 2013 quy định cụ thể như sau:
“Điều 37. Thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
1. Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu
a) Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu là việc tiến hành kiểm tra, đánh giá các nội dung theo quy định tại các điều 33, 34, 35 và 36 của Luật này;
b) Tổ chức được giao thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập báo cáo thẩm định trình người có thẩm quyền phê duyệt;
c) Tổ chức được giao thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập báo cáo thẩm định trình người đứng đầu chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với trường hợp gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.
2. Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
a) Căn cứ báo cáo thẩm định, người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bằng văn bản để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu sau khi dự án, dự toán mua sắm được phê duyệt hoặc đồng thời với quyết định phê duyệt dự án, dự toán mua sắm trong trường hợp đủ điều kiện;
b) Căn cứ báo cáo thẩm định, người đứng đầu chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.”
Theo đó khoản 2, Điều 37 Luật đấu thầu 2013 quy định thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn phải căn cứ vào báo cáo thẩm định để thông qua đó việc phê duyệt được thực hiện. Do đó có thể hiểu tùy vào từng trường hợp, từng lĩnh vực khác nhau mà việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu sẽ do người và cơ quan có thẩm quyền khác nhau phê duyệt.
Ngoài ra căn cứ theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì Điều 76, Điều 100, Điều 101, Điều 102, Điều 103 đã quy định rõ thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo từng trường hợp cụ thể.
Căn cứ khoản 1, Điều 10 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về thẩm quyền mua thuốc
“Điều 76. Thẩm quyền trong mua thuốc
1. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
a) Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch Ủy bannhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý;
b) Người đại diện theo pháp luật của cơ sở y tế ngoài công lập chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc của đơn vị mình trong trường hợp có ký hợp đồng tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội.”
Căn cứ Điều 100 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó:
– Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư mà mình không phải là chủ đầu tư:
+ Có ý kiến bằng văn bản về kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo yêu cầu;
+ Thực hiện các công việc khác về lựa chọn nhà thầu theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
– Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:
+ Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
+ Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.
Căn cứ theo khoản 1, Điều 101 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và Thủ trưởng các cơ quan khác ở địa phương
– Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:
+ Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
+ Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.
Căn cứ theo khoản 1, Điều 102 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Hội đồng quản trị, người đứng đầu doanh nghiệp
– Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:
+ Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
+ Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.
Căn cứ theo khoản 1, Điều 103 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Hội đồng quản trị của doanh nghiệp liên doanh, công ty cổ phần và đại diện hợp pháp của các bên tham gia
– Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:
+ Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
+ Thực hiện công việc khác thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.
Như vậy, tương ứng với từng dự án khác nhau, từng trường hợp khác nhau mà sẽ do cơ quan có thẩm quyền khác nhau phê duyệt.
2. Quy trình lựa chọn nhà thầu:
Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là một trong những phần thuộc quy trình lựa chọn nhà thầu. Về bản chất, đấu thầu được xem là hình thức phổ biến nhất hiện nay để doanh nghiệp, nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu phù hợp nhất để thực hiện dự án.
Vậy quy trình lựa chọn nhà thầu bao gồm các bước sau:
Bước 1: Nghiên cứu, khảo sát thị trường
Nghiên cứu, khảo sát thị trường có thể bao gồm các nội dung:
+ Tổng hợp tình hình đấu thầu từ các dự án trước hoặc có dự án sắp thực hiện
+ Quan sát tình hình giá cả đấu thầu được các cơ quan có thẩm quyền công bố
+ Điều tra, tiềm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng
+ Tổng hợp thông tin và cập nhật giá cả tại thời điểm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Bước 2: Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thể được lập sau khi có quyết định phê duyệt dự án, dự toán mua sắm hoặc đồng thời với quá trình lập dự án, dự toán mua sắm hoặc trước khi có quyết định phê duyệt dự án đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.
Căn cứ theo điều 34 Luật đấu thầu 2013 quy định về lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thể thấy tùy thuộc vào từng loại gói thầu khác nhau mà kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng dựa trên những căn cứ khác nhau.
Cụ thể:
- Đối với các gói thầu là dự án thì việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu dựa trên các căn cứ sau:
+ Nguồn vốn cho dự án
+ Các thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế.
+ Quyết định phê duyệt dự án hoặc giấy chứng nhận dự án và các giấy tờ liên quan
- Đối với các gói thầu về mua sắm thường xuyên thì lập kế hoạch nhà thầu cần dựa trên các cơ sở dưới đây:
+ Nguồn vốn, dự toán mua sắm thường xuyên được phê duyệt.
+ Các quyết định mua sắm, định mức trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện có cần thay thế, mua bổ sung.
+ Kết quả thẩm định của cơ quan tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ thẩm định hoặc báo giá (nếu có)
Bước 3: Trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên cơ quan, người có thẩm quyền để phê duyệt.
Trường hợp chưa có chủ đầu tư thì đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người đứng đầu cơ quan mình để xem xét và phê duyệt
Bước 4: Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thể được hiểu là việc tiến hành kiểm tra, đánh giá các nội dung về nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nguồn vốn, hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu,…
Căn cứ theo điểm a, khoản 2 Điều 83 Luật đấu thầu 2013 thì Bộ kế hoạch và đầu tư có trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án thuộc thẩm quyền xem xét của Thủ tướng Chính Phủ.
Theo đó thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Bước 5: Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Bước 6: Đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Bên mời thầu có trách nhiệm đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt lên trang hệ thống nhà thầu quốc gia.
Như vậy, để một dự án đầu tư có thể hoàn thành đúng tiến độ và được đưa vào sử dụng thì các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu phù hợp nhất, đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Cho nên, để tránh những sự gián đoạn và rủi ro trong quá trình xây dựng dự án, các doanh nghiệp cũng như chủ đầu tư phải tuân theo những quy trình theo luật định về việc lựa chọn nhà thầu và nắm rõ chủ thể có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để áp dụng đúng pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về thẩm quyền phê duyệt lựa chọn nhà thầu. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ theo số hotline để được hỗ trợ và tư vấn.