Cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm? Các nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm? Tại sao phải đăng ký giao dịch bảo đảm? Thời điểm, thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm?
Giao dịch bảo đảm là một hợp đồng dân sự do các bên tự thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định, hay còn được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc lựa chọn một trong các biện pháp đã được pháp luật quy định để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của các bên với tính chất tác động dự phòng để ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Giao dịch bảo đảm là các biện pháp để bảo đảm các bên thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết. Biện pháp bảo đảm là một trong những yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ quyền lợi cho các bên khi giao kết những hợp đồng có giá trị lớn. Trong các trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp tài sản gắn liền với đất; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển thì việc đăng ký giao dịch bảo đảm là vô cùng cần thiết. Vậy thẩm quyền và các nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm được quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viêt dưới đây.
Căn cứ pháp lý: Nghị định số 102/2017/NĐ-CP
Mục lục bài viết
1. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm
Căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị định 102/2017/NĐ-CP cơ quan có thẩm quyền đăng ký biện pháp bảo đảm bao gồm: Cục Hàng không Việt Nam; Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải; Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai; Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Cụ thể:
– Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan duy nhất có thẩm quyền đăng ký các giao dịch bảo đảm bằng tàu bay.
– Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi chung là Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển. Ngoài quy định của Nghị định 102/2017/NĐ-CP thì hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu biển tại các cơ quan đăng ký tàu biển còn được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
– Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi chung là Văn phòng đăng ký đất đai) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tại các địa phương trong cả nước tiến hành xây dựng và tổ chức hoạt động hệ thống các cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, bao gồm: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tại nơi có bất động sản.
– Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi chung là Trung tâm Đăng ký) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản và các tài sản khác không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 9 Nghị định 102/2017/NĐ-CP. Theo đó, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm là cơ quan có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện việc quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, tổ chức việc đăng ký, cung cấp thông tin về các giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền.
– Đối với những tài sản là động sản thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm gồm: Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp; Cục Hàng không Việt Nam thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay; Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển.
– Đối với những tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tại nơi có bất động sản.
2. Các nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, các nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm bao gồm các nguyên tắc: đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển và nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản là động sản khác được thực hiện trên cơ sở nội dung tự kê khai trên phiếu yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm.
Về cơ bản, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP kế thừa các quy định của
Bên cạnh đó, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP cũng bổ sung nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm như: Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm không được yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ gì mà pháp luật không quy định trong hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm; không được yêu cầu các bên ký kết hợp đồng sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung hợp đồng bảo đảm, nếu không thuộc trường hợp sai sót do lỗi kê khai của người yêu cầu đăng ký. Đây được coi là nguyên tắc tiến bộ về đăng ký giao dịch bảo đảm đã được quy định ở Thông tư liên tịch số 09 và được pháp điển lên Nghị định số 102/2017/NĐ-CP. Việc bổ sung nguyên tắc nêu trên là cần thiết nhằm khắc phục bất cập trong thực tiễn, đó là nhiều trường hợp cơ quan đăng ký từ chối đăng ký, yêu cầu sửa lại tên hợp đồng, nội dung hợp đồng thế chấp đã công chứng
3. Tại sao phải đăng ký giao dịch bảo đảm?
Đăng ký biện pháp bảo đảm là thủ tục pháp lý có ý nghĩa quan trọng được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các chủ thể. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm là rất cần thiết, bởi vì:
– Việc đăng ký giao dịch bảo đảm là điều kiện quan trọng để giao dịch bảo đảm có hiệu lực trong những trường hợp được pháp luật quy định. Cũng có thể hiểu là việc thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng, cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, tàu biển có hiệu lực từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền ghi vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm.
– Việc đăng ký giao dịch bảo đảm làm giảm rủi ro cho các chủ thể khi tham gia giao dịch bảo đảm. Đăng ký giao dịch bảo đảm là một trong những cách thức để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên nhận bảo đảm. Pháp luật của các nước về giao dịch bảo đảm đều thừa nhận giao dịch bảo đảm được đăng ký mang ý nghĩa công bố quyền lợi của bên nhận bảo đảm với người thứ ba và tất cả những người xác lập giao dịch liên quan đến tài sản bảo đảm, do đó họ đều buộc phải biết về sự hiện hữu của các quyền liên quan đến tài sản bảo đảm đã được đăng ký.
– Đăng ký giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm.
– Đăng ký giao dịch bảo đảm là căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. Trong trường hợp một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, thì khi xử lý tài sản bảo đảm đó, thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên nhận bảo đảm được xác định căn cứ theo thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm, cũng có nghĩa là bên nhận bảo đảm đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc hoàn thiện lợi ích bảo đảm sẽ được ưu tiên thanh toán trước.
4. Thời điểm, thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm
4.1. Thời điểm có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm
Nghị định 102/2017/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm đã quy định rõ về thời điểm và thời hạn có hiệu lực của đăng ký biện pháp là thời điểm cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm đối với trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển. Thời có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm đối với trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản khác.
Nhìn chung, thời điểm có hiệu lực của biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm, cũng có nghĩa là các thời điểm tiếp nhận hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm,.. vẫn chưa phải là thời điểm có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm.
4.2. Thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm
Theo quy định của Nghị định 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm thì thời hạn đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu lực đến thời điểm xóa đăng ký giao dịch bảo đảm. Đối với những giao dịch bảo đảm bắt buộc phải đăng ký thì đây cũng là thời điểm mà biện pháp bảo đảm có hiệu lực pháp luật.