Tên thương mại thường được các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký với cơ quan nhà nước và hoạt động theo tên đơn vị đó. Vậy tên thương mại là gì? Phân biệt tên thương mại và tên doanh nghiệp?
Mục lục bài viết
- 1 1. Tên thương mại là gì?
- 2 2. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại:
- 3 3. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh:
- 4 4. Phân biệt tên thương mại và tên doanh nghiệp:
- 5 5. Quy định về yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại:
- 6 6. Điều kiện bảo hộ đối với tên thương mại:
1. Tên thương mại là gì?
Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó
Chủ sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh.
Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.
Khả năng phân biệt của tên thương mại
Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;
b) Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
c) Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Sử dụng tên thương mại
Sử dụng tên thương mại là việc thực hiện hành vi nhằm mục đích thương mại bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo.
Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ
Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại
Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.
2. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại:
Quyền đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng mà không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục đăng ký nào. Việc đăng ký tên chủ thể kinh doanh theo quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục đăng ký hoạt động của doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác chỉ có ý nghĩa ghi nhận ý định sử dụng tên gọi cảu chủ thể đó mà không có ý nghĩa xác lập quyền.
Khi cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động kinh doanh thì cần phải có tên gọi, tên giao dịch và thông thường tên gọi này được xác lập trong bản khai đăng ký kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Điều 20 Luật thương mại Việt Nam quy định: “nội dung đăng ký kinh doanh gồm: Tên thương mại, tên người đại diện có thẩm quyền, tên thương nhân, biển hiệu, địa chỉ giao dịch chính thức, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư ban đầu, thời hạn hoạt động chi nhánh, cửa hàng, văn phòng đại diện nếu có”.
Như vậy, tên thương mại được xác định chính thức ngay trong giấy đăng ký kinh doanh của chủ thể kinh doanh nhưng không có nghĩa là quyền đối với tên thương mại được phát sinh ngay tại thời điểm thủ tục đăng ký kinh doanh hòa thành. Hay nói cách khác, đó chỉ là thời điểm khẳng định ý nghĩa của chủ thể sẽ sử dụng tên thương mại đó còn theo Luật sở hữu trí tuệ thì quyền đối với tên thương mại chỉ phát sinh khi nó được đưa vào sử dụng thực sự trên thực tế.
Chủ sở hữu quyền đối với tên thương mại là tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động đăng ký kinh doanh dưới tên thương mại đó. Trong trường hợp trong cùng một lĩnh vực kinh doanh và trên cùng một địa bàn kinh doanh có nhiều người sử dụng cùng một tên thương mại thì quyền đối với tên thương mại thuộc về người sử dụng đầu tiên.
3. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh:
Quyền đối với bí mật kinh doanh tự động được xác lập khi thông tin đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ theo quy định mà không cần phải đăng ký. Như vậy, chỉ khi nào có sự xâm phạm hay tranh chấp xảy ra giữa các chủ thể cạnh tranh thì mới đặt ra vấn đề chứng minh các điều kiện bảo hộ nói trên và chủ thể nắm giữ thông tin thành công trong việc chứng minh thì sẽ được hưởng sự bảo hộ theo quy định của pháp luật.
4. Phân biệt tên thương mại và tên doanh nghiệp:
Sự giống nhau
– Tên thương mại: theo quy định tại Khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: “ Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.
Ví dụ: Công ty bánh kẹo Hải Châu, Công ty sữa Mộc Châu…
– Tên doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp được quy định trong
Ví dụ: Công ty TNHH Nhật Linh, Công ty cổ phần nhựa Bình Minh, Công ty cổ phần FPT…
Điểm tương đồng: có chức năng phân biệt các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh (phần phân biệt trong tên thương mại và phần tên riêng trong tên doanh nghiệp), sử dụng cho tất cả hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh, được pháp luật bảo hộ đến khi nào doanh nghiệp còn duy trì hoạt động kinh doanh. Trong nhiều trường hợp hai loại tên này được sử dụng như nhau
Sự khác biệt
Về chức năng
Tên thương mại được sử dụng nhằm mục đích thương mại, dùng để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo.
Tên doanh nghiệp, chức năng chủ yếu và quan trọng nhất của tên doanh nghiệp là để phân biệt chính xác doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác trong hoạt động kinh doanh. Vì thế mỗi doanh nghiệp chỉ có một tên doanh nghiệp duy nhất được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thành phần cấu tạo
Tên thương mại là tập hợp các chữ cái, có thể kèm theo chữ số, phát âm được, bao gồm hai thành phần là thành phần mô tả và thành phần phân biệt. Theo khoản 1 Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ thì tên thương mại bắt buộc phải có thành phần phân biệt, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng. Điều kiện bảo hộ đối với tên thương mại được quy định từ điều 76 đến điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ.
Đối với tên doanh nghiệp, quy định tại điều 9, Luật Doanh nghiệp thì tên doanh nghiệp phải được viết bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
Như vậy, có thể thấy, về thành phần cấu tạo, tên thương mại và tên doanh nghiệp khá giống nhau. Tuy nhiên, đối với tên thương mại không bắt buộc phải bao gồm loại hình doanh nghiệp (công ty TNHH, công ty cổ phần…) mà thành phần phân biệt của tên thương mại chỉ có vai trò phân biệt các lĩnh vực kinh doanh với nhau.
Căn cứ xác lập và quản lý
Theo quy định tại điểm b, khoản 3 điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.
Như vậy, nếu đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về tên thương mại, tên thương mại sẽ được thừa nhận và tự động được bảo hộ sau một quá trình sử dụng hợp pháp rộng rãi. Khác với tên thương mại, tên doanh nghiệp được xác định rõ trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hay nói cách khác tên doanh nghiệp phải được xác lập thông qua thủ tục đăng ký kinh doanh.
Phạm vi bảo hộ
Theo quy định tại khoản 2 điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ thì tên thương mại không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Có nghĩa là, phạm vi bảo hộ của tên thương mại chỉ bao gồm lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Phạm vi bảo hộ của tên doanh nghiệp là trên cả nước. Có nghĩa là, khi một doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì tên doanh nghiệp đó sẽ được bảo hộ trên phạm vi cả nước .Rõ ràng, việc quy định về phạm vi bảo hộ đối với tên thương mại và tên doanh nghiệp đã có những điểm khác biệt.
5. Quy định về yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ thì mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Để được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại thì hành vi này phải đáp ứng được tất cả các căn cứ chung quy định tại Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP.
Yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại là yếu tố được tạo ra từ hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Theo quy định tại Điều 13
Yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại được thể hiện dưới dạng chỉ dẫn thương mại gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ.
Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại là phạm vi bảo hộ tên thương mại được xác định trên cơ sở các chứng cứ thể hiện việc sử dụng tên thương mại đó một cách hợp pháp, trong đó xác định cụ thể về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ mang tên thương mại.
Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với tên thương mại được bảo hộ và phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ, dựa trên các căn cứ sau đây:
– Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với tên thương mại được bảo hộ nếu giống với tên thương mại về cấu tạo từ ngữ, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái; một dấu hiệu bị coi là tương tự với tên thương mại được bảo hộ nếu tương tự về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại được bảo hộ;
– Sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là trùng hoặc tương tự với sản phẩm, dịch vụ mang tên thương mại được bảo hộ nếu giống nhau hoặc tương tự nhau về bản chất, chức năng, công dụng và kênh tiêu thụ.
6. Điều kiện bảo hộ đối với tên thương mại:
Điều 76
Nguyên tắc chung, tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng được các điều kiện sau tại Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ nhất, tên thương mại phải có chứa thành phần tên riêng. Một tên thương mại có thể là tên đầy đủ hoặc tên giao dịch (tên viết tắt để tiện cho việc giao dịch) theo đăng kí kinh doanh hoặc tên thường dùng.
Ví dụ: Công ty Luật TNHH Dương Gia là tên thương mại đầy đủ, có thể sử dụng tên giao dịch là Công ty Luật Dương Gia. Từ “Dương Gia” chính là tên riêng – thành phần phân biệt của tên thương mại, nó giúp cho chúng ta có thể phân biệt Công ty Luật Dương Gia với các công ty Luật khác trong cùng một lĩnh vực dịch vụ pháp lý. Nếu tên thương mại không có tên riêng thì nó không có khả năng phân biệt.
Tuy nhiên, trong thực tế, có một số tên thương mại không chứa thành phần tên riêng nhưng đã tồn tại trong thời gian lâu dài và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Đối với trường hợp này, tên thương mại đó đã đạt được khả năng phân biệt qua quá trình sử dụng thực tế, người tiêu dùng vẫn phân biệt được chủ thể kinh doanh đó với các chủ thể kinh doanh khác, vì vậy mà được chấp nhận bảo hộ. Ví dụ như: Công ty Bia rượu Hà Nội, Công ty Bia Sài Gòn…
Thứ hai, tên thương mại không được trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Điều này cũng có thể được hiểu là nếu tên thương mại của hai chủ thể kinh doanh trùng nhau hoặc tương tự nhưng hai chủ thể kinh doanh đó lại hoạt động trong hai lĩnh vực kinh doanh khác nhau hoặc thuộc hai khu vực địa lý khác nhau thì vẫn được chấp nhận bảo hộ.
Thứ ba, tên thương mại không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc quyền của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại được sử dụng.
Các trường hợp loại trừ không được bảo hộ là tên thương mại là: tên gọi của các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp hoặc các chủ thể không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ dưới danh nghĩa tên thương mại.