Tàu biển được xem là phương tiện di chuyển trên mặt nước, công trình kĩ thuật nổi, di chuyển với tốc độ cần thiết được sử dụng để chuyên chở hàng hóa hoặc chở hành khách tùy vào tính năng sử dụng của từng tàu biển khác nhau. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì tàu biển bao nhiêu tuổi sẽ được đăng ký ở Việt Nam?
Mục lục bài viết
1. Tàu biển bao nhiêu tuổi thì được đăng ký ở Việt Nam?
Căn cứ theo quy định tại khoản 11 Điều 3 của Nghị định 171/2016/NĐ-CP, có quy định cụ thể về tuổi của tàu biển. Theo đó, tuổi của tàu biển được tính bằng số năm và bắt đầu kể từ ngày đặt sống chính của tàu, trong trường hợp không xác định được ngày đặt sống chính của tàu thì tuổi của tàu biển sẽ được tính bắt đầu kể từ ngày lắp ráp thân vỏ tàu đạt được 50 tấn khối lượng hoặc bằng 1% khối lượng toàn bộ ước tính của số vật liệu sử dụng làm thân vỏ tàu biển, và sẽ lấy trị số nào nhỏ hơn.
Đồng thời, pháp luật hiện nay cũng đã giới hạn tuổi tàu biển được đăng ký tại Việt Nam. Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 171/2016/NĐ-CP, giới hạn tuổi tàu biển được đăng ký tại Việt Nam được quy định cụ thể như sau:
– Tuổi của tàu biển, tuổi của tàu ngầm, tuổi của tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động mang cò quốc tịch nước ngoài đã qua sử dụng khi thực hiện thủ tục đăng ký tại Việt Nam sẽ được thực hiện như sau:
+ Đối với tàu khách, tàu ngầm, tàu lặn: Không vượt quá 10 năm;
+ Đối với các loại tàu biển khác, kho chứa nổi, giàn di động: Không vượt quá 15 năm;
+ Đối với trường hợp đặc biệt do bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quyết định cụ thể tuy nhiên không vượt quá 20 năm, đồng thời chỉ áp dụng đối với các loại tàu chở khí hóa lỏng, chở hóa chất, tàu chở dầu và kho chứa nổi.
– Giới hạn về tuổi của tàu biển theo như phân tích nêu trên sẽ không áp dụng đối với tàu biển mang cò quốc tịch nước ngoài, thuộc quyền sở hữu của tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài được quyền bán đấu giá trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Giới hạn về tuổi của tàu biển theo như phân tích nêu trên cũng sẽ không áp dụng trong trường hợp tàu biển mang có quốc tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân Việt Nam đã thực hiện thủ tục xóa đăng ký quốc tịch Việt Nam để đăng ký có quốc tịch nước ngoài dưới hình thức cho thuê tàu trần;
– Tàu biển đã thực hiện thủ tục xóa đăng ký trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam để đăng ký phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB, có thể sẽ được quyền thực hiện thủ tục đăng ký lại vào sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam dưới hình thức đăng ký tàu biển không thời hạn hoặc đăng ký tàu biển loại nhỏ, nếu độ tuổi của phương tiện tàu biển đó phù hợp với độ tuổi nêu trên.
Theo đó thì có thể nói, các loại tàu biển mang cò quốc tịch nước ngoài đã qua sử dụng để có thể đăng ký ở Việt Nam thì cần phải đáp ứng được độ tuổi nhất định. Theo đó:
– Đối với các loại tàu khách, tàu ngầm, tàu lặn thì pháp luật có giới hạn độ tuổi của tàu biển là không vượt quá 10 năm;
– Đối với các loại tàu biển khác, kho chứa nổi, giàn di động thì pháp luật có giới hạn độ tuổi của tàu biển không vượt quá 15 năm;
– Trong một số trường hợp đặc biệt do bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải quyết định cụ thể tuy nhiên cũng không vượt quá 20 năm, đồng thời chỉ áp dụng đối với các loại tàu trò và chất, tàu trò khí hóa lỏng, tàu chở dầu và các kho chứa nổi.
2. Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký tàu biển ở Việt Nam?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 171/2016/NĐ-CP, có quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền đăng ký tàu biển Việt Nam. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền đăng ký tàu biển ở Việt Nam bao gồm:
– Cục hàng hải Việt Nam là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng của cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam;
– Các Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải là cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng và nhiệm vụ đăng ký tàu biển theo phân cấp của Cục hàng hải Việt Nam.
Đồng thời, cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam cũng cần phải tuân thủ theo một số điều kiện nhất định. Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 171/2016/NĐ-CP, nhiệm vụ của cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam bao gồm các nhiệm vụ cơ bản sau:
– Cần phải thực hiện nghĩa vụ lập và quản lý sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;
– Lưu giữ hồ sơ và quản lý hồ sơ, tổng hợp và thống kê dữ liệu liên quan đến quá trình hoạt động của tàu biển, duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu liên quan đến quá trình đăng ký hoạt động tàu biển, cung cấp thông tin liên quan cho các tổ chức và cá nhân có quan tâm;
– Thống nhất quá trình quản lý in ấn và phát hành mẫu sổ đăng ký tàu biển, thành phần hồ sơ và giấy tờ sử dụng phục vụ cho công tác đăng ký tàu biển, triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong quá trình đăng ký tàu biển theo quy định của pháp luật;
– Thông báo thông tin cụ thể và chính xác trên cổng thông tin điện tử của Cục hàng hải Việt Nam về địa chỉ của cơ quan đăng ký, tài khoản của cơ quan đăng ký tàu biển, để các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện việc gửi hồ sơ thông qua dịch vụ bưu chính, thực hiện nộp nghĩa vụ tài chính, đóng phí và lệ phí theo quy định bằng hình thức chuyển khoản thông qua hệ thống dịch vụ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác;
– Tổ chức thực hiện hoạt động đăng ký tàu biển theo quy định tại Bộ luật hàng hải Việt Nam, theo quy định tại Nghị định 171/2016/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký tàu biển dưới hình thức trực tuyến để rút ngắn thời gian của người dân và đơn giản hóa thủ tục hành chính;
– Thực hiện hoạt động đăng ký thế chấp tàu biển theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm;
– Thu lệ phí, quản lý và sử dụng phí, lệ phí đăng ký tàu biển đúng mục đích, phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Nguyên tắc đăng ký tàu biển ở Việt Nam hiện nay:
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2023 có quy định về nguyên tắc đăng ký tàu biển ở Việt Nam. Theo đó, đăng ký tàu biển ở Việt Nam cần phải thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
– Tàu biển thuộc quyền sở hữu của các tổ chức Việt Nam, cá nhân Việt Nam sẽ được đăng ký trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam, bao gồm hoạt động đăng ký mang có quốc tịch Việt Nam và đăng ký quyền sở hữu tàu biển đó tại Việt Nam. Trong trường hợp tàu biển thuộc quyền sở hữu của từ hai tổ chức, hai cá nhân trở lên thì thủ tục đăng ký tàu biển cần phải được ghi rõ các chủ sở hữu và tỷ lệ sở hữu của các chủ thể đối với tàu biển đó;
– Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định tại Điều 20 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2023 sẽ được đăng ký trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam. Hoạt động đăng ký tàu biển Việt Nam thuộc quyền sở hữu của các tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài bao gồm thủ tục đăng ký mang có quốc tịch Việt Nam và thủ tục đăng ký quyền sở hữu tàu biển đó, hoặc chỉ đăng ký tàu biển mang có quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, tàu biển nước ngoài do các tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân Việt Nam thuê dưới hình thức thuê tàu trần, dưới hình thức thuê mua tàu thì có thể được đăng ký mang có quốc tịch Việt Nam;
– Tàu biển đã thực hiện thủ tục đăng ký ở nước ngoài thì sẽ không được phép đăng ký mang có quốc tịch Việt Nam, ngoại trừ trường hợp đăng ký cũ đã được tạm ngưng hoặc đăng ký cũ đã bị xóa;
– Hoạt động đăng ký tàu biển Việt Nam sẽ do cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam thực hiện một cách công khai và thu lệ phí theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức và cá nhân hoàn toàn có quyền yêu cầu được cung cấp trích lục hoặc bản sao từ sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam, đồng thời phải có nghĩa vụ nộp lệ phí.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 04/VBHN-VPQH năm 2023 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Bộ luật Hàng hải Việt Nam.;
– Nghị định 171/2016/NĐ-CP đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển;
– Nghị định 86/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 171/2016/NĐ-CP đăng ký tàu biển.
THAM KHẢO THÊM: